Sơn La: Thu gom, tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật an toàn
Trung bình mỗi năm tại Sơn La người dân sử dụng khoảng 400-600 tấn thuốc bảo vệ thực vật nên việc xử lý vỏ bao thuốc cũng là một bài toán.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La, trung bình mỗi năm, người dân sử dụng khoảng 400-600 tấn thuốc bảo vệ thực vật và lượng bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng thải ra môi trường khoảng 15-20 tấn; trong đó, chai nhựa chiếm 50-60%.
Để thu gom lượng bao gói thuốc này, từ năm 2018 tới nay, tỉnh Sơn La đã triển khai xây dựng 5.122 bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật, phân bổ trên địa bàn 12 huyện thành phố, bước đầu đáp ứng nhu cầu thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng khoảng 25-30% diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tỉnh cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, an toàn.
Cùng với việc xây dựng bể chứa, công tác thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật được phát động tại 12 huyện, thành phố, thu gom 43 tấn vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật. Ngành nông nghiệp còn tổ chức chương trình “Đổi vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng lấy thực phẩm” tại các xã Hát Lót (Mai Sơn), Chiềng Hặc (Yên Châu), thu được trên 1,5 tấn vỏ bao gói.
Công tác vận chuyển, xử lý, tiêu hủy bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đảm bảo quy định trong quản lý chất thải nguy hại. Trong 3 năm 2018-2020, đã thu gom, vận chuyển đi xử lý, tiêu hủy 40 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật. Năm 2021, dự kiến vận chuyển đi xử lý, tiêu hủy 30 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật.
Bên cạnh đó, tại nhiều tổ, bản đã đưa nguyên tắc sử dụng thuốc và thu gom vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật vào hương ước, quy ước và được hầu hết người dân tuân thủ, nghiêm chỉnh chấp hành, tạo thói quen thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Đặc biệt, tại vùng trồng VietGAP sản phẩm an toàn đã được tuân thủ nghiêm ngặt, tạo được phong trào rộng rãi tại nhiều địa phương, hướng đến không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ cỏ) tại các khu vực đầu nguồn nước.
Ông Dương Gia Định - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La đánh giá: Việc xây dựng các bể chứa bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn đã và đang góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường.
Tuy nhiên, việc thu gom xử lý mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu, còn tình trạng vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tồn đọng, ở nhiều bể chứa đã đầy, chưa được đưa đi tiêu hủy. Trên địa bàn tỉnh mới có 1 khu vực lưu chứa trung chuyển, tập kết vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng sức chứa chỉ đáp ứng được 2 huyện, các huyện còn lại đa số chưa có nhà trung chuyển, tập kết vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Toàn tỉnh cũng chưa có mô hình quản lý, thu gom, vận chuyển và công nghệ xử lý chất thải nguy hại, nên phải thuê doanh nghiệp ở dưới xuôi.
Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với UBND tỉnh xây dựng Dự thảo Nghị quyết mức hỗ trợ cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trên địa bàn tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh trong thời gian tới.
Xuân Hòa (t/h)