Sơn La: Dự án làm đường gây ô nhiễm ảnh hưởng cuộc sống người dân
Gần một năm nay, người dân tiểu khu Chiềng Đi, thị trấn Nông trường Mộc Châu (Mộc Châu, Sơn La) phải sống cùng cảnh ô nhiễm môi trường, nắng thì bụi, mưa thì lầy lội khi dự án làm đường thi công.
Những ngày đầu năm 2021, người dân tiểu khu Chiềng Đi, thị trấn Nông trường Mộc Châu (Mộc Châu- Sơn La) vui mừng khi nghe tin dự án làm đường chạy qua nhà được phê duyệt. Những người dân chân chất thật thà ở đây đã họp nhau và tự nguyện hiến một phần đất của mình để con đường mở ra được rộng hơn, cho con em được đi trên con đường lớn.
Sau khi họp thống nhất với chủ đầu tư, với chính quyền địa phương, người dân không ai bảo ai đã tự phá rỡ tường rào, công trình phụ để nhường mặt bằng cho dự án. Hơn 60 hộ dân trong tiểu khu mong muốn có một con đường khang trang, to đẹp cho các cháu học sinh đến lớp thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công dự án lại khiến người dân có nhiều bức xúc. Nhất là câu chuyện tiến độ thực hiện chậm, biện pháp thi công không đảm bảo khiến cuộc sống, đi lại của người dân bị ảnh hưởng.
Người dân tiểu khu Chiềng Đi đã có kiến nghị lên chủ đầu tư và đơn vị thi công, tuy nhiên tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Thực hiện chủ trương phát triển hạ tầng giao thông để phát triển du lịch ở Mộc Châu, hàng chục hộ gia đình tại tiểu khu Chiềng Đi, thị trấn Nông Trường Mộc Châu đã tự nguyện phá dỡ tường rào và các công trình phụ trợ, hiến đất để bàn giao mặt bằng cho dự án mở rộng tuyến đường du lịch tại bản, trong đó nhiều gia đình là những hộ nghèo, thu nhập thấp.
Dự án làm đường với tổng chiều dài trên 1,1 km nằm dọc theo đường trục chính của bản, nhiều hộ dân dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng cũng sẵn sàng tự nguyện cắt cả tường nhà để giao mặt bằng cho dự án.
Nhiều người dân ở tiểu khu Chiềng Đi, thị trấn Nông trường Mộc Châu cho biết, mở rộng tuyến đường này, họ đã hiến hàng trăm m2, khi mở rộng tuyến đường sẽ thuận lợi cho giao thông đi lại và cảnh quan đẹp hơn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chưa đảm bảo tiến độ và gây bức xúc cho người dân hiến đất do gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo biện pháp an toàn vệ sinh lao động.
Một người dân khi được hỏi chia sẻ, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước làm đường cho dân bản, người dân cũng tự nguyện tháo dỡ các công trình bị ảnh hưởng tới dự án để tạo điều kiện cho dự án sớm được hoàn thành. Tuy nhiên, khi làm đường thì nền đường lại cao hơn so với lối vào nhà. Vậy gia đình đi vào nhà bằng cách nào?
Theo ghi nhận, 60 hộ dân dọc tuyến đường thực hiện dự án đã tự nguyện hiến đất làm đường nằm trong dự án. Để có được kết quả đó, ban quản lý tiểu khu đóng vai trò quan trọng trong việc vận động, tuyên truyền về dự án.
Tuy quỹ đất của tiểu khu hạn hẹp nhưng được tuyên truyền về lợi ích của dự án như tạo điều kiện phát triển kinh tế, du lịch thuận lợi cho lưu thông hàng hóa… nên chỉ trong thời gian ngắn gần 60 hộ dân trong tiểu khu đã hiến gần 5000 m2 đất để cải tạo, nâng cấp, cải tạo tuyến đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí khoảng 5 tỉ đồng.
Được biết tháng 11/2020 vừa qua, UBND tỉnh Sơn La đã có Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp đường giao thông bản văn hoá dân tộc Thái Chiềng Đi tại thị trấn Nông Trường Mộc Châu do Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Mộc Châu làm chủ đầu tư với tổng chiều dài gần 1,1 km, bề rộng nền đường 7,5 m, nền đường 5,5 m được đổ nhựa và các hạng mục phụ trợ như hệ thống thoát nước, vỉa hè 2 bên, hệ thống chiếu sáng…
Khi dự án hoàn thành sẽ đảm bảo thuận lợi cho người dân đi lại, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và phát huy du lịch cộng đồng, đồng thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế ở địa phương. Với sự đồng thuận cao từ bà con nhân dân đã tạo điều kiện rất lớn cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Trao đổi với PV Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, ông Đinh Văn Hồng, Trưởng tiểu khu Chiềng Đi cho biết, dự án làm đường chậm khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Vừa qua có sự vào cuộc của báo chí thì đơn vị thi công mới cho máy móc vào làm tiếp.
Một lãnh đạo Ban Quản lý khu du lịch Mộc Châu xác nhận đơn vị là Chủ đầu tư dự án và cũng ghi nhận những phản ánh mà người dân đã đề cập.
Khoản 3 Điều 164 luật Bảo vệ Môi trường 2014 về Nguyên tắc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường quy định: Người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra. Trường hợp cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường do thực hiện nhiệm vụ được tổ chức giao thì tổ chức phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin.
Anh Dương