Sơn La: Đảm bảo an toàn công trình thủy lợi phục vụ sản xuất vụ mùa 2020
Qua rà soát, diện tích có khả năng bị ngập lụt, úng vụ mùa năm 2020 trên địa bàn tỉnh Sơn La khoảng 451,3ha. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành, các địa phương chủ động phương án phòng, chống ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi phục vụ sản xuất vụ mùa 2020.
Toàn tỉnh có 2.698 công trình thủy lợi đảm bảo cấp nước tưới cho hơn 31.685ha. |
Toàn tỉnh Sơn La hiện có 2.698 công trình thủy lợi, đảm bảo cấp nước tưới chủ động cho hơn 31.685ha. Ngoài ra còn cấp nước phục vụ cho các nhu cầu dùng nước khác, tiêu thoát nước cho khu vực nông thôn và đô thị (trừ vùng nội thị) hơn 64.665ha.
Để đảm bảo an toàn công trình thủy lợi phục vụ sản xuất vụ mùa năm 2020, tỉnh Sơn La đã rà soát, khoanh vùng các khu vực có khả năng xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại 12 huyện, thành phố.
Theo đó, ngập lụt có khả năng xảy ra tại khu vực xã Chiềng Xôm, khu vực dọc Mương thoát lũ Chiềng Sinh - Quyết Thắng, khu vực bản Co Pục xã Chiềng Ngần (TP.Sơn La). Các tiểu khu 4,5,6,7,9,10,13,14 Thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn. Thị trấn Ít Ong, các xã Tạ Bú, Mường Bú; khu vực bản Lướt dọc theo suối Chiến, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La...
Lũ quét tại các lưu vực xã Chiềng Cọ; lưu vực Suối Nậm La; các cầu treo qua suối Nậm La thuộc địa bàn xã Hua La, phường Chiềng Cơi; hồ chứa Co Muông xã Chiềng Cọ, hồ Bản Mòng xã Hua La, TP Sơn La. Dọc lưu vực suối Nậm Pàn; cục bộ ở những lưu vực nhỏ các xã Chiềng Lương, Chiềng Chăn, Chiềng Ban, Chiềng Kheo, Tà Hộc, Nà Ớt… (huyện Mai Sơn). Suối Nậm Păm, Nậm Mu, Nậm Dôn, suối Bú… huyện Mường La. Thị trấn Mộc Châu, dọc lưu vực suối Sập, suối Giăng; cục bộ những lưu vực địa bàn các xã Chiềng Khừa, Chiềng Hắc, Tân Lập, Tân Hợp, Quy Hướng, Nà Mường, huyện Mộc Châu…
Sạt lở đất dọc suối Nậm La, TP Sơn La; khu vực xã Tà Hộc, Nà Bó, Bản Hà Sét xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn; Các xã vùng dọc lòng hồ sông Đà, địa bàn các xã Chiềng Hắc, Ta Liết, huyện Mộc Châu; Khu vực các xã Mường Cơi, Mường Bang, Tường Tiến, Mường Thải, Nam Phong, Tường Phù, huyện Phù Yên…
Diện tích có khả năng bị ngập lụt, úng vụ mùa năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 451,3ha.
Trên cơ sở rà soát, khoanh vùng các diện tích khả năng bị ngập lụt, úng, công trình có nguy cơ mất an toàn, UBND tỉnh đã giao các sở, ngành, các huyện, thành phố xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống ngập lụt, úng, lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ, bảo vệ diện tích đang sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ở các vùng trũng, thấp.
Cùng với đó, theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo mưa, bão, lũ để tổ chức vận hành công trình thủy lợi tiêu nước bảo đảm phục vụ sản xuất, dân sinh khi có ngập lụt, úng, lũ quét, sạt lở đất xảy ra. Tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, bão, lũ để đề phòng sự cố công trình thủy lợi và kịp thời vận hành công trình xử lý tiêu ngập úng. Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến thông tin về tình hình mưa, bão, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, các tổ chức liên quan chủ động phòng, tránh, nhằm hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh.
Tăng cường nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi đảm bảo an toàn công trình; củng cố cơ sở hạ tầng; chuẩn bị các phương tiện và vật tư kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống ngập lụt. Thành lập đoàn công tác kiểm tra, đánh giá thực trạng các công trình thuỷ lợi trên địa bàn bị hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.
Đặc biệt, giao Công ty TNHH MTV QLKTCTTL Sơn La rà soát, khoanh vùng các diện tích có khả năng bị ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; các công trình thủy lợi có nguy cơ cao ảnh hưởng do mưa lũ; các công trình bị hư hỏng có nguy cơ mất an toàn. Có phương án bảo đảm diện tích đang sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi; tổ chức triển khai thực hiện nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bố trí lực lượng đảm bảo đủ năng lực chuyên môn về quản lý, vận hành công trình thủy lợi; thường xuyên theo dõi, kiểm tra công trình nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình; tổ chức vận hành thử thiết bị phục vụ xả lũ của các hồ chứa nước và bố trí đủ vật tư, thiết bị dự phòng, bảo đảm kịp thời sửa chữa, thay thế trong trường hợp xảy ra sự sự cố khi vận hành công trình; bố trí hệ thống thông tin, cảnh báo cho người dân ở hạ du khi xả lũ các hồ chứa; nạo vét, khơi thông kênh hạ lưu các tràn xả lũ để chủ động tiêu, thoát lũ khi có mưa lớn xảy ra.
Chủ động kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các đập, hồ chứa thủy lợi được giao quản lý; lập danh mục các hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp; lập phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình và vùng hạ du đập; cập nhật thông tin vận hành hồ chứa tối thiểu 2 lần/ngày khi có mưa, lũ (trong trường hợp mực nước hồ cao hơn mực nước thiết kế phải quan trắc tối thiểu 1 lần/giờ) lên Trang thông tin điện tử điều hành của Tổng cục Thủy lợi (www.thuyloivietnam.vn).
Nguyễn Nga