Sóc Trăng sẵn sàng chia sẻ nguồn cát biển để xây dựng cao tốc
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, địa phương có trữ lượng cát biển rất lớn và sẵn sàng chia sẻ với các tỉnh bạn để phục vụ xây dựng tuyến cao tốc. Tuy nhiên, nếu được phép khai thác cần đánh giá kỹ tác động môi trường, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Mới đây, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị tỉnh Sóc Trăng cho phép đơn vị tư vấn tổ chức thăm dò, đánh giá trữ lượng cát tại các khu vực mỏ (sông Hậu) đã được quy hoạch và khu vực biển trên địa bàn tỉnh, lấy mẫu thí nghiệm để đánh giá chất lượng cát. Nếu được, sẽ khai thác khoảng 3.000m3 cát biển tại khu vực biển để vận chuyển về vị trí khu vực thi công thử nghiệm nhằm đánh giá các tiêu chuẩn kỹ thuật trước khi báo cáo Bộ Giao thông Vận tải.
Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh Sóc Trăng gửi lời cảm ơn Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận thời gian qua đã hỗ trợ tỉnh trong xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xây dựng Dự án tuyến cao tốc đường bộ Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Về dự thảo quy chế phối hợp triển khai dự án cao tốc, tỉnh sẽ nghiên cứu để bổ sung; đồng thời giao 3 tổ giúp việc Ban Chỉ đạo tỉnh làm đầu mối liên hệ với Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận để phối hợp thực hiện các công việc liên quan.
Riêng vấn đề nguồn vật liệu xây dựng, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Hiện nguồn cát trên sông Hậu có nhưng trữ lượng cát rất ít và hiện tỉnh đang thăm dò, đánh giá trữ lượng cát hiện có. Sóc Trăng hiện có trữ lượng cát biển rất lớn và tỉnh sẵn sàng chia sẻ với các tỉnh bạn để phục vụ xây dựng tuyến cao tốc. Để khai thác được nguồn cát biển này, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận cần rà soát thủ tục cấp phép để thăm dò, lấy mẫu thử nghiệm, khai thác theo đúng quy định của pháp luật”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận, nếu được phép khai thác cần đánh giá kỹ tác động môi trường, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống người dân tỉnh Sóc Trăng khi khai thác nguồn cát biển.
Trước đó, thực hiện nhiệm vụ được Bộ Giao thông vận tải giao làm đơn vị đầu mối trong việc phối hợp với các đơn vị chủ quản các dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận đã xây dựng dự thảo Quy chế phối hợp với các tỉnh, trong đó có tỉnh Sóc Trăng để triển khai đồng bộ một số việc, thủ tục, tạo sự thống nhất, đồng bộ, kịp thời để thực hiện dự án đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tiến độ, chất lượng công trình, quản lý chặt chẽ và sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Do đó, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phối hợp hoàn thiện dự thảo quy chế phối hợp để thống nhất ban hành; quan tâm chỉ đạo và giao đơn vị đầu mối của tỉnh chủ trì phối hợp với ban, thường xuyên cung cấp thông tin liên quan đến dự án để ban tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ khi có yêu cầu.
Theo tìm hiểu, Dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có tổng mức đầu tư khoảng 44.300 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này dài 188km, bắt đầu từ tỉnh biên giới An Giang đi qua thủ phủ miền Tây là TP Cần Thơ, qua Hậu Giang và kết thúc ở cảng biển Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng.
Trong đó, đoạn đi qua An Giang dài 56,74km, Cần Thơ 37,77km, Hậu Giang 37,02km và Sóc Trăng 56,67km. Đoạn qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng thuộc dự án thành phần 4, với tổng mức đầu tư khoảng 11.120 tỷ đồng.
Theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, diện tích sử dụng đất dự án thành phần 4 khoảng 362ha. Điểm đầu giao km131 + 300 kết nối đoạn qua Hậu Giang, đầu phạm vi nút giao với tuyến Quản lộ Phụng Hiệp và điểm cuối Cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Hướng tuyến của dự án đi qua địa bàn các huyện Mỹ Tú, Mỹ Xuyên và Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Cần thận trọng khi sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp khi thi công xây dựng cầu đường.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về những đề xuất khai thác cát biển để sử dụng làm vật liệu san lấp cho các công trình giao thông, Kỹ sư Xây dựng cầu đường Lê Minh Đức cho biết, việc sử dụng cát biển để làm vật liệu san lấp ở Việt Nam hiện chưa phổ biến và chưa có quy định cụ thể nào về việc này. Ưu điểm của việc khai thác cát biển làm vật liệu san lấp là giảm tải nguồn cung từ các mỏ cát ở các hồ chứa nước, sông, suối trên đất liền đang có nguy cơ cạn kiệt.
Bên cạnh những ưu điểm thì Kỹ sư Lê Minh Đức cũng cho rằng: “Việc sử dụng cát biển cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Bởi theo như tôi được biết, đối với bất kì loại vật liệu san lấp để xây dựng cầu đường đều có các tiêu chí cụ thể trong quy định. Tuy nhiên, đối với cát biến đến nay chưa có quy định tiêu chí cụ thể để làm vật liệu san lấp.
Khi muốn sử dụng cát biển để làm vật liệu san lấp, đắp nền thì trước khi đưa vào sử dụng cần phải có những thí nghiệm thực tế để so sánh về các tiêu chuẩn kỹ thuật xem có đáp ứng được hay không, rồi đánh giá sự tác động của vật liệu đối với môi trường xung quanh.
Bởi cát biển thì tính chất làm nén không được tốt cho lắm vì nó là muối và muối thì không có chất kết dính. Tuy nhiên, ví dụ đắp chiều cao nền là 3 mét thì có thể sử dụng cát biển để san lấp khoảng dưới 2 mét là được. Còn trên 2 mét thì phải xem lại tính cấu kết vì cát biển không có tính cấu kết.
Vấn đề môi trường nữa, cát biển làm vật liệu san lấp sẽ khiến khu vực đó không thể trồng được cây cối vì tính chất cát biển là muối hóa, nó sẽ phân hóa ra và tác động đến môi trường dữ lắm”.
Thanh Tùng