Thứ hai, 25/11/2024 10:13 (GMT+7)
Thứ sáu, 12/08/2022 07:00 (GMT+7)

Xây dựng phương án phòng chống ngập lụt tại ĐBSCL

Theo dõi KTMT trên

Theo dự báo, triều cường năm 2022 ở mức cao hơn nhiều năm gần đây, vì thế Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL theo dõi chặt chẽ dự báo dòng chảy, thủy triều từ cơ quan chuyên môn để xây dựng phương án phòng chống ngập lụt.

Dự báo năm 2022, đỉnh triều ở mức cao so với các năm

Mới đây, nhằm để đề phòng thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đề phòng ảnh hưởng của lũ nội đồng đến sản xuất nông nghiệp.

Xây dựng phương án phòng chống ngập lụt tại ĐBSCL - Ảnh 1
Dự báo triều cường năm 2022 tại ĐBSCL ở mức cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và nguy cơ thiên tai sẽ diễn ra phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán

Theo Tổng cục Thủy lợi, hiện nay khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện đã vào thời kỳ mùa lũ. Dự báo đỉnh lũ năm 2022 tại đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1 và trên báo động 1, thời gian xuất hiện vào nửa cuối tháng 10. Nguy cơ, lũ nội đồng ở vùng thượng nguồn ở mức không cao, cơ bản thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo triều năm 2022 ở mức cao hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và các năm triều cao kỷ lục 2011, 2018, 2019, 2020, cụ thể: đỉnh triều cao nhất tại Trần Đề năm 2022 vào tháng 9 là 2,06m; tháng 10 là 2,49 m; tháng 11 là 2,64 m. Và tác động kết hợp giữa lũ và triều cường có nguy cơ gây ngập lụt, úng cho các khu vực ven sông, cù lao...

Để phòng tránh thiệt hại, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống đê bao, bờ bao, xác định cụ thể các vị trí xung yếu, có nguy cơ xảy sự cố trong mùa lũ; khoanh vùng cây trồng trọng điểm cần tăng cường bảo vệ (cây ăn trái, cây có giá trị kinh tế cao,…). Đồng thời, khẩn trương có phương án phòng, chống ngập lụt, úng; tổ chức gia cố, tôn cao các đoạn đê bao, bờ bao thấp yếu, đặc biệt các khu vực chịu ảnh hưởng của lũ kết hợp triều cường.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo dòng chảy, thủy triều do các cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn và cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông cập nhật và gửi định kỳ cho các địa phương. Tăng cường truyền thông, phổ biến thông tin về tình hình lũ nội đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, tổ chức liên quan chủ động đề phòng ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh.

Ngoài ra, các địa phương tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình hình nguồn nước, lũ nội đồng; các vùng sản xuất không có đê bao, bờ bao bảo vệ hoặc đê bao, bờ bao không đảm bảo an toàn phải thu hoạch trước thời gian ảnh hưởng của lũ.

Chủ động ứng phó, điều chỉnh sản xuất phù hợp

Để tiếp tục khắc phục và chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó tập trung vào việc thực hiện nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, xác định công tác cứu hộ là "nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình" và rà soát phương án phòng, chống lũ, giảm ngập lụt ở hạ du.

Các Bộ, Ban, ngành cần tập trung đào tạo lực lượng cứu hộ, cứu nạn, đánh giá công tác phòng chống thiên tai, khắc phục sự cố đê điều,…. để chủ động ứng phó.

Xây dựng phương án phòng chống ngập lụt tại ĐBSCL - Ảnh 2
Chủ động chuyển đổi cơ cấu mùa vụ để giảm thiểu thiệt hại do lũ và triều cường gây ra. Ảnh Duy Khương

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và lũ quét, sạt lở đất, ngập úng.

Riêng đối với khu vực ĐBSCL, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi sát tình hình dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công để chủ động ứng phó và điều chỉnh sản xuất phù hợp, đồng thời tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Trước đó, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia Trần Quang Năng cho biết, trong năm 2022, do ảnh hưởng của La Nina (Hài Đồng nữ - là sự xuất hiện lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo Thái Bình Dương) nên nhiều nguy cơ thiên tai sẽ diễn ra phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021, đặc biệt là mùa mưa bão sắp tới. Mưa lớn có thể tập trung nhiều ở những tháng cuối năm; nhiều cơn bão có khả năng có quỹ đạo và cường độ bất thường.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng phương án phòng chống ngập lụt tại ĐBSCL. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới