ĐBSCL là một trong 3 đồng bằng bị tổn thương nhất thế giới vì nước biển dâng
Theo Bộ NN-PTNT, nước ta là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất do BĐKH, đặc biệt là ĐBSCL - 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng cao.
Nơi chịu sự "đe dọa" nhiều nhất
Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp với 70% dân số lao động trong lĩnh vực này. Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế quốc dân, đóng góp khoảng 24% vào GDP của quốc gia. Dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), tình trạng hạn hán, nước biển dâng và xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp khiến cho điều kiện sản xuất nông nghiệp ngày càng khó khăn hơn.
Theo Bộ NN-PTNT, nước ta là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất do BĐKH, đặc biệt là ĐBSCL - 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng cao.
Tây Nguyên cũng là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, BĐKH làm cho nhiệt độ trung bình tại vùng tăng 0,10 độ C mỗi thập kỷ. Bên cạnh đó, những năm gần đây, mùa mưa ở Tây Nguyên đến sớm hơn với lượng mưa nhiều hơn và cường độ lớn. Kết hợp với đó là hoạt động và ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới, thường xuyên xảy ra lũ lụt, lũ quét vào mùa mưa; hạn hán, nắng nóng vào mùa khô; lốc xoáy, mưa đá xuất hiện ngày càng nhiều và bất thường hơn.
Việt Nam đã xây dựng và phát triển một đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại mang tầm chiến lược như CPTPP, EVFTA, tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp của Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.
Tại hội nghị lần thứ 3 về Phát triển bền vững ĐBSCL Thích ứng với BĐKH năm 2021, nhóm các đối tác phát triển đã cam kết tiếp tục hợp tác với Chính phủ để hỗ trợ ĐBSCL phát triển bền vững, thịnh vượng và thích ứng với BĐKH.
Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TN&MT cho biết: “Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự nhiên đang là khủng hoảng kép đối với nhân loại hiện nay. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu trong khu vực và trên thế giới. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã có cam kết mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế việc đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực và nghiêm túc thực hiện cam kết.
Cũng theo ông Tuấn, mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tốn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; đóng góp tích cực và trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong bảo vệ hệ thống khí hậu Trái Đất, tận dụng cơ hội từ ứng phó với biến đổi khí hậu để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế. Thông qua việc thực hiện một số dự án, Bộ TN&MT, Tổ chức phát triển Hà Lan, các đối tác quốc tế đã và đang góp phần hỗ trợ nâng cao sức chống chịu tại một số tỉnh được lựa chọn tại ĐBSCL và Tây Nguyên, hai vùng trọng điểm của Việt Nam chịu sự tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu.
Ông Peter Loach – Giám đốc Quốc Gia của Tổ chức phát triển Hà Lan tại Việt Nam nhấn mạnh: “ĐBSCL và Tây Nguyên đang phải đối mặt với các mối đe dọa cấp bách do BĐKH, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp. Đã đến lúc đổi mới nông nghiệp để thích ứng với BĐKH. Điều này đòi hỏi cam kết tăng cường sáng tạo cùng đầu tư công và tư cho một nền nông nghiệp bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, góp phần thực hiện Hiệp định Paris về Khí hậu và các Mục tiêu phát triển bền vững vào 2030. Tổ chức phát triển Hà Lan hy vọng rằng, với chuyên môn của chúng tôi về nông nghiệp sẽ giúp tạo ra một giải pháp về bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học và hệ sinh thái, nâng cao sinh kế cho người dân địa phương, và hướng tới nền nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH.”
Biến đổi khí hậu sẽ "thổi bay" hoảng 3,5% GDP vào năm 2050
Phát biểu tại hội thảo quốc tế “Tác động của Biến đổi khí hậu tới việc thụ hưởng quyền của các nhóm dễ bị tổn thương: chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt”.
Bà Kanni Wignaraja- Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu và thiên tai. Các tác động rất nặng nề khi mức thiệt hại là 3,2% GDP vào năm 2020. Biến đổi khí hậu có thể làm giảm thu nhập quốc dân tới 3,5% vào năm 2050.
“Nhưng bên cạnh những mất mát đối với nền kinh tế dẫn đến suy giảm tốc độ tăng trưởng của Việt Nam, chúng ta cũng phải tính tới những người có cuộc sống và sinh kế bị ảnh hưởng nhiều nhất từ các hiện tượng thời tiết cực đoan, nhiệt độ ngày một nóng lên và nước biển dâng”- bà Kanni Wignaraja nói.
Theo bà Kanni Wignaraja, 74% dân số Việt Nam dễ bị tổn thương do khí hậu ảnh hưởng, trong đó có những gia đình mất nhà do bão lũ; trẻ em bị suy giảm sức khỏe trong giai đoạn đầu đời do tiếp xúc với ô nhiễm không khí từ phát thải điện than và các khí thải khác.
Phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với nguy cơ bạo lực gia tăng trong bối cảnh khủng hoảng và thiên tai hoặc những người nghèo nhất, bị thiệt thòi nhất và dễ bị tổn thương nhất, những người không thể tránh khỏi việc bị tác động bởi các hiểm họa khí hậu và buộc phải sống trong cảnh nghèo khó.
Đồng quan điểm này, bà Pauline Tamesis- Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, đồng bằng Sông Cửu Long sẽ là khu vực dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu với 40% diện tích có nguy cơ bị ngập vào năm 2200. Nghiên cứu gần đây cho thấy đến năm 2050, tổng thiệt hại kinh tế mỗi năm do biến đổi khí hậu có thể lên tới 12 – 14% GDP của cả nước.
Đại diện Bộ TN&MT cho biết, Việt Nam đã có kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái.
Hà Lan