Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ: Đạt nhiều kết quả tốt trong hoạt động chuyên môn
Năm 2022, bằng nỗ lực lớn, quyết tâm cao, cùng sự tập trung trí tuệ, chủ động triển khai nhiệm vụ, thực hiện các giải pháp trọng tâm, trọng điểm, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ đã đạt được một số kết quả đáng mừng.
Năm 2022, bằng nỗ lực lớn, quyết tâm cao, cùng sự tập trung trí tuệ, chủ động triển khai nhiệm vụ, thực hiện các giải pháp trọng tâm, trọng điểm, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ đã đạt được một số kết quả đáng mừng. Nhân dịp xuân Quý Mão 2023, Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Quang - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ để hiểu rõ hơn về thông tin này.
Phóng viên:Trong năm vừa qua, Việt Nam luôn đề cao công tác bảo vệ môi trường, cũng như xây dựng các chính sách, đưa ra các Nghị định hướng đến phát triển xanh bền vững. Năm 2022 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Phú Thọ đã gặt hái được những kết quả gì, thưa ông?
Ông Phạm Văn Quang: Nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường (BVMT-PV) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong những năm gần đây đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn tỉnh được tăng cường về nhiều mặt; thực hiện tốt, có hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần cải thiện chất lượng môi trường.
Với quan điểm, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện chặt chẽ quy định, nâng cao chất lượng về thẩm định đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, trong đó chú trọng thực hiện bảo vệ môi trường ngay từ giai đoạn đầu tư, sàng lọc, loại trừ các dự án công nghệ lạc hậu, có nguy cơ ô nhiễm môi trường. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về môi trường, kịp thời kiến nghị giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh; thực hiện tốt việc tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng.
Từng bước nâng cao năng lực quan trắc môi trường và giám sát các nguồn thải lớn trên địa bàn bằng hệ thống quan trắc tự động; Chủ động triển khai có hiệu quả công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, ký quỹ bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản, bởi đây là một công cụ kinh tế hữu hiệu, gắn trách nhiệm kinh tế với trách nhiệm BVMT. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về môi trường; phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” đến các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân.
Phóng viên:Từ những hoạt động trong năm vừa rồi, để cải thiện, nâng cao công tác BVMT tại tỉnh Phú Thọ, ông có những kiến nghị, giải pháp nào?
Ông Phạm Văn Quang: Hiện nay, lĩnh vực môi trường đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, song phải tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, hiệu quả hơn nữa nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ về mặt nhận thức, ý thức, trách nhiệm hành động bảo vệ môi trường cho mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Do vậy, trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ tiếp tục thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tham mưu UBND tỉnh tăng cường giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường liên vùng, liên tỉnh; đầu tư cho công tác thu gom, vận chuyển xử lý rác thải; nước thải sinh hoạt; nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường của các cơ sở sảm xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh,...
Qua đó, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 23–NQ/TU ngày 23/11/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ và Chỉ thị số 25/CT–TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Phóng viên:Phú Thọ cũng là địa phương có nhiều sông lớn chảy qua. Để đảm bảo công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản ở những khu vực này, Sở đã có những biện pháp nào?
Ông Phạm Văn Quang: Trong những năm vừa qua, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác cát sỏi trên các tuyến sông trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện các nội dung:
Quy định các đơn vị chỉ được khai thác từ 7h00 sáng đến 17h00 chiều.
Thông báo kế hoạch khai thác, đăng ký số lượng, chủng loại, số hiệu các phương tiện khai thác với cơ quan chức năng và UBND cấp xã nơi có mỏ.
Yêu cầu các đơn vị được cấp phép khai thác cát sỏi trên các tuyến sông thả phao tiêu xác định mốc giới được phép khai thác, cắm biển báo khu vực được cấp phép khai thác (thể hiện rõ phạm vi, diện tích, khoảng cách từ bờ vở sông đến khu vực được cấp phép); gắn biển, đề tên doanh nghiệp trên các phương tiện khai thác; Yêu cầu các doanh nghiệp lắp đặt thiết bị định vị trên phương tiện khai thác để theo dõi giám sát.
Yêu cầu các doanh nghiệp lập và ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của Luật khoáng sản vá các quy định khác có liên quan.
UBND các huyện, UBND các xã thành lập tổ giám sát cộng đồng để giám sát hoạt động khai thác cát sỏi của các đơn vị được cấp phép hoạt động trên địa bàn; vận động người dân không tự ý bán đất bãi canh tác trái quy định pháp luật cho các đối tượng để tổ chức khai thác cát, sỏi trái phép.
Công an tỉnh phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các hoạt động khai thác trái phép.
Sở TN&MT sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND các huyện, UBND các xã tổ chức kiểm tra thường xuyên, đột xuất các đơn vị được cấp phép hoạt động khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông, trường hợp phát hiện vi phạm, báo cáo UBND tỉnh tạm dừng khai thác, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, tỉnh Phú Thọ đã triển khai và vận hành Hệ thống giám sát phương tiện khai thác khoáng sản (đối với hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông) trên địa bàn tỉnh Phú Thọ từ tháng 10/2021 nhằm quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác của các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên:Được biết trong năm 2022, tỉnh Phú Thọ và Sở TN&MT đã có nhiều hoạt động tích cực trong công tác chuyển đổi số. Ví dụ điển hình như việc triển khai sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu tài nguyên môi trường tỉnh Phú Thọ. Ông có thể chia sẻ thêm về quá trình chuyển đổi số tại Sở cũng như những hiệu quả đã thu được từ công tác này?
Ông Phạm Văn Quang: Trong năm 2022, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Sở, sự đồng lòng, quyết tâm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện công tác chuyển đổi số, Sở TN&MT đã đạt được những kết quả tốt, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc như:
Hệ thống trang thông tin điện tử hoạt động ổn định, thường xuyên cập nhật các thông tin, chính sách mới, thu hút được nhiều lượt truy cập.
Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin dần được hoàn thiện nâng cao như: Thay thế dần hệ thống máy tính cũ, hoạt động chậm, kém năng suất; trang bị thêm máy scan, một thiết bị đặc biệt quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay.
Việc thu, chi ngân sách nhà nước được triển khai bằng hình thức không dùng tiền mặt, thanh toán kho bạc thực hiện qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đã giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian, nhân lực, giảm chi phí.
Về Cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường tỉnh Phú Thọ, Sở TN&MT đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn 4 huyện: Thanh Sơn, Tân Sơn, Cẩm Khê và Thanh Thủy. Ngoài ra, sở đã lập thiết kế kỹ thuật- Dự toán để Xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:2000, tỷ lệ 1:5.000 khu vực tỉnh Phú Thọ; đang thực hiện triển khai kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu đất đai với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Phóng viên:Để tiếp tục những thành công trong năm 2022 và thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực môi trường, Sở TN&MT Phú Thọ đã có những định hướng, kế hoạch hoạt động như thế nào trong năm 2023?
Ông Phạm Văn Quang: Trong năm 2023, Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ có định hướng hoạt động như sau: Thực hiện công tác tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh; chủ động đề xuất tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về thủ tục đất đai, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Triển khai thực hiện tốt Kế hoạch cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Triển khai theo kế hoạch Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo; Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Phối hợp với các Sở, ban, ngành và các huyện thành thị trên địa bàn tỉnh để đạt các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường như: Tỷ lệ khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, xử lý rác thải: đạt 80%. Số KCN, CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: 12 KCN, CCN. Tỷ lệ KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường: đạt 75%.
Phóng viên: Xin cám ơn ông!
Hải Đăng