Thứ bảy, 23/11/2024 16:29 (GMT+7)
Thứ hai, 01/01/2024 14:28 (GMT+7)

Sẽ chi trả hơn 962 tỷ tiền giảm phát thải Carbon cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ

Theo dõi KTMT trên

Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán từ Ngân hàng Thế giới 41,2 triệu USD (tương đương 997 tỷ đồng). Trong đó kinh phí đưa về 6 tỉnh Bắc Trung Bộ để chi trả cho chủ rừng là hơn 962 tỷ đồng.

Thông tin từ Hội nghị tổng kết ngành lâm nghiệp năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 cho biết, lần đầu tiên trong lĩnh vực lâm nghiệp tại Việt Nam đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công giảm phát thải 10,3 triệu tấn Carbon cho Quỹ Đối tác Carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới với đơn giá 5 USD/tấn Carbon tương đương 51,5 triệu USD.

Sẽ chi trả hơn 962 tỷ tiền giảm phát thải Carbon cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ - Ảnh 1
6 tỉnh Bắc Trung Bộ chi trả hơn 962 tỷ tiền phát thải khí Carbon cho chủ rừng.

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ Ngân hàng Thế giới là 41,2 triệu USD (tương đương 997 tỷ đồng) và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. Trong đó, kinh phí tại trung ương là hơn 34 tỷ đồng, còn lại kinh phí đưa về các địa phương là hơn 962 tỷ đồng.

Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã thực hiện điều phối toàn bộ số tiền hơn 962 tỷ này cho Quỹ bảo vệ và phát triển rừng 6 tỉnh Bắc Trung Bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng. Trong đó: Thanh Hóa hơn 162,5 tỷ đồng, Nghệ An hơn 282,5 tỷ đồng, Hà Tĩnh gần 123 tỷ đồng, Quảng Bình gần 235,7 tỷ đồng, Quảng Trị hơn 51 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế hơn 107 tỷ đồng. 

Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) được ký vào ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới, với tư cách là bên được uỷ thác của Quỹ đối tác Carbon lâm nghiệp (FCPF).

Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ nhằm chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2 ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 cho Quỹ đối tác Carbon lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới với đơn giá 5 USD/tấn CO2, tương đương 51,5 triệu USD. Trong đó, khoảng 95% kết quả giảm phát thải sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam để đóng góp vào NDC (cam kết của quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính để đạt mục tiêu của Thoả thuận Paris).

Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới có quyền mua bổ sung tối đa 5 triệu tấn CO2 từ Báo cáo kết quả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 với đơn giá 5 USD/tấn CO2 theo cơ chế thoả thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ đã ký.

Liên quan đến vấn đề giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, tại Thanh Hóa, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3943/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).

Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu việc thực hiện chi trả nguồn tiền từ ERPA đúng phạm vi, đối tượng, đúng nội dung, tuân theo nguyên tắc quản lý tài chính, định mức chi và thuế theo quy định tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, công bằng; phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; thực hiện ERPA phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.

Đối tượng thực hiện gồm: Các cơ quan Nhà nước, chủ rừng, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và các đối tượng khác có hoạt động liên quan đến giảm phát thải và hấp thụ khí nhà kính từ rừng trên địa bàn tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ và điểm 1 Mục II Kế hoạch chia sẻ lợi ích từ ERPA ban hành kèm theo Quyết định số 641/QĐ-BNN-TCLN ngày 21/02/2023 của Bộ NN&PTNT. Thời gian thực hiện từ năm 2023 đến hết năm 2025.

Nội dung chi trả được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ, gồm các nhóm hoạt động: Hỗ trợ các hoạt động lâm nghiệp để giảm phát thải khí nhà kính; hoạt động đóng góp trực tiếp cho giảm phát thải khí nhà kính; hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế; hoạt động quản lý.

Sẽ chi trả hơn 962 tỷ tiền giảm phát thải Carbon cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ - Ảnh 2
Rừng săng lẻ tại tỉnh Nghệ An.

Cụ thể ở nhóm hỗ trợ các hoạt động lâm nghiệm để giảm phát thải được thực hiện chi trả tại các hoạt động như: Rà soát, xây dựng, bổ sung hoàn thiện các hướng dẫn cơ chế chính sách về giảm phát thải khí nhà kính trong lâm nghiệp; rà soát, theo dõi đánh giá biến động trữ lượng cacbon rừng; kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác; tổ chức triển khai các giải pháp về quản lý rừng bền vững. Tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Nâng cao năng lực cho tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, bảo vệ rừng.

Ở nhóm hoạt động đóng góp trực tiếp cho giảm phát thải khí nhà kính gồm: Bảo vệ rừng tự nhiên; Các biện pháp lâm sinh theo quy định hiện hành, được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Ở hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế: Hỗ trợ các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, giống cây trồng, giống vật nuôi; quản lý lập địa và phát triển kinh tế rừng trồng; thiết bị chế biến nông lâm sản; tham quan học tập xây dựng các mô hình trình diễn về phát triển sinh kế gắn với bảo vệ và phát triển rừng; hỗ trợ xây dựng các công trình công cộng của cộng đồng dân cư như: Công trình nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông thôn bản, nhà văn hóa và các công trình khác; hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, xây dựng các hương ước, quy chế, cam kết thực thi pháp luật.

Về hoạt động quản lý gồm: Quản lý và điều phối nguồn thu; hoạt động kiểm tra, giám sát đánh giá; truyền thông, tuyên truyền; hoạt động giải quyết thắc mắc, khiếu nại và phản hồi.

Bên cạnh đó, việc xác định số tiền thu và chi trả từ ERPA theo quy định tại Điều 7 Nghị số 107/2022/NĐ-CP. Theo Quyết định số 641/QĐ-BNN-TCLN ngày 21/02/2023 của Bộ NN&PTNT. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam dự kiến sẽ điều phối cho tỉnh Thanh Hóa khoảng 8,389 triệu USD, trong đó năm 2023 khoảng 2,443 triệu USD, năm 2024 khoảng 2,973 triệu USD, năm 2025 khoảng 2,973 triệu USD.

Quỹ bảo vệ, phát triển rừng và phòng chống thiên tai tỉnh trích kinh phí quản lý và kinh phí cho các hoạt động khác tối đa 10% (khoảng 0,8389 triệu USD) tổng số tiền được điều phối, lãi tiền gửi (nếu có), số còn lại (khoảng 7,5501 triệu USD) chi trả cho chủ rừng, UBND cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 107/2022/NĐ-CP.

Căn cứ kế hoạch tài chính hằng năm được UBND cấp tỉnh phê duyệt quỹ bảo vệ, phát triển rừng và phòng chống thiên tai tỉnh chi trả cho chủ rừng, UBND cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 107/2022/NĐ-CP.

Về sử dụng tiền chi trả được quy định như sau: Quỹ bảo vệ, phát triển rừng và phòng chống thiên tai tỉnh quản lý và sử dụng tiền theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 107/2022/NĐ-CP; chủ rừng là tổ chức quản lý và sử dụng tiền theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 107/2022/NĐ-CP; chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng toàn bộ số tiền được chi trả để quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao đời sống theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 107/2022/NĐ-CP, UBND cấp xã và các tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng sử dụng tiền được chi trả theo quy định tại khoản 5 Điều 8 Nghị định số 107/2022/NĐ-CP.

UBND cấp xã có thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng với chủ rừng là tổ chức quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Nghị định số 107/2022/NĐ-CP. Sử dụng tiền được chi trả theo quy định tại khoản 6 Điều 8 của Nghị định số 107/2022/NĐ-CP; cộng đồng dân cư tham gia hoạt động quản lý rừng sử dụng tiền theo quy định tại khoản 7 Điều 8 Nghị định số 107/2022/NĐ-CP để quản lý bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao đời sống.

Công tác giải ngân, thanh toán được thực hiện theo căn cứ kế hoạch tài chính hằng năm được UBND phê duyệt, quỹ bảo vệ, phát triển rừng và phòng chống thiên tai tỉnh chi trả cho chủ rừng, UBND cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng. UBND cấp tỉnh quy định số lần tạm ứng, tỷ lệ tạm ứng và thời gian thanh toán theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.

Hình thức chi trả: Đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thực hiện chi trả qua tài khoản ngân hàng, chuyển tiền qua doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích hoặc theo các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khác theo quy định của pháp luật. Đối với chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng thực hiện chi trả qua tài khoản ngân hàng.

Mục đích của kế hoạch trên là nhằm cụ thể hóa thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) của Chính phủ về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (Nghị định số 107/2022/NĐ-CP). Quyết định số 641/QĐ-BNN-TCLN ngày 21/02/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Kế hoạch chia sẻ lợi ích từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Từ đó, tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và chính quyền cấp huyện, cấp xã trong thực hiện các hoạt động chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, đặc biệt là việc thực hiện các hoạt động giảm phát thải, hỗ trợ phát triển sinh kế, quản lý điều hành theo đúng quy định của pháp luật; đảm bảo tiền chi trả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cacbon của rừng được chia sẻ giữa các bên liên quan tham gia chương trình giảm phát thải theo cơ chế, nguyên tắc rõ ràng, hiệu quả và minh bạch.

Đình Đông

Bạn đang đọc bài viết Sẽ chi trả hơn 962 tỷ tiền giảm phát thải Carbon cho 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới