Sau thâu tóm "đất vàng", nhiều dự án ở Cố đô Huế lại “bất động”
Nhiều dự án tại các “khu đất vàng” của TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên – Huế) sau khi thâu tóm xong và làm lễ động thổ đã lại trong tình trạng “đắp chiếu”, không triển khai xây dựng như cam kết của chủ đầu tư.
Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô |
Theo ghi nhận của chúng tôi, các dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, các nhà đầu tư đã tiến hành công tác san gạt mặt bằng chuẩn bị thi công, xây dựng hàng rào, nhà bảo vệ và làm lễ động thổ. Nhưng sau đó dự án lại “đắp chiếu”, không triển khai xây dựng.
Điển hình, dự án Trung tâm Thương mại - Dịch vụ - Giải trí và Khách sạn Nguyễn Kim (Khu A2, Khu du lịch - Thương mại Hùng Vương, phường Phú Hội, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế), do Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Nguyễn Kim làm chủ đầu tư. Dự án có diện tích đất sử dụng trên 6.000m2, gồm 2 giai đoạn với tổng số vốn đầu tư trên 811 tỉ đồng.
Được biết, từ năm 2015, dự án trên được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp giấy chứng nhận đầu tư và Sở KH&ĐT cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ nhất năm 2018. Đây cũng được xem là khu “đất vàng” của TP. Huế, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa khởi công. Hiện trạng khu đất này vẫn chỉ là cỏ mọc um tùm.
Dự án Trung tâm Thương mại - Dịch vụ - Giải trí và Khách sạn Nguyễn Kim sau nhiều năm triển khai vẫn "án binh bất động" |
Bà Nguyễn Thị H (người dân sinh sống gần Dự án Trung tâm Thương mại - Dịch vụ - Giải trí và Khách sạn Nguyễn Kim) cho biết: “Trước đây, trên đất dự án này là khu vực chợ sinh viên, nơi buôn bán hàng hóa cho sinh viên và người dân thu nhập thấp. Thế nhưng, những năm qua bị dự án thâu tóm rồi bỏ hoang, thật lãng phí”.
Sau khi "thâu tóm", nhà đầu tư lại bỏ hoang "đất vàng" tại TP. Huế |
Tương tự, dự án Xây dựng các Công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp (số 4 Hà Nội, phường Phú Nhuận, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam làm chủ đầu tư, được xây dựng trên tổng diện tích 3.457m2 chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ xây dựng tòa nhà chính cao 7 tầng và 1 tầng hầm, tổng diện tích sàn 5.910m2, diện tích xây dựng 971,67m2. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng tòa nhà chính cao 16 tầng và 1 tầng hầm, tổng diện tích sàn 16.873m2, diện tích xây dựng 1.098m2.
Một dự án của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam làm chủ đầu tư vẫn "nằm chờ đợi" |
Dự án Xây dựng các Công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp với tổng số vốn 215 tỉ đồng, được khởi công xây dựng vào ngày 18/12/2018, dự kiến công trình sẽ hoàn thành trong 690 ngày. Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn đang “án binh bất động”.
Một số người dân sống tại đường Hà Nội (phường Phú Nhuận, TP. Huế) cho hay: Trước đây, họ rất phấn khởi khi được biết sắp tới dự án cao ốc văn phòng, nhà ở của VNPT sẽ khởi động xây dựng lại, nhưng thời gian qua vẫn chưa có động tĩnh gì, khiến họ bị hụt hẫng.
Dự án cao ốc của VNPT "đắp chiếu" nhiều năm khiến cho người dân hụt hẫng |
Được biết, khu đất xây dựng Dự án Xây dựng các Công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam mua thông qua trúng đấu giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng giá trị 130,7 tỉ đồng vào tháng 3/2012.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã rà soát toàn bộ các dự án chậm tiến độ, xử lí chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, 24 dự án cần rà soát xem xét thu hồi (đã thu hồi 12 dự án), 29 dự án cần được giám sát đặc biệt và 26 dự án đang triển khai cần đôn đốc thực hiện (đã thu hồi 6 dự án).
Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa tổ chức phiên họp thường kì tháng 7/2019, để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) trên địa bàn tỉnh năm 2019.
Các dự án "thi công nửa vời" rồi bỏ ngang khiến cho cảnh quang đô thị trở nên "xấu xí" |
Được biết, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đề nghị, các ngành, địa phương và các Ban quản lí dự án phải có sự quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ để thực hiện giải ngân vốn đầu tư từ khâu chuẩn bị tới thực hiện. Đây là nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết năm 2019 để có sự chỉ đạo các chủ đầu tư triển khai nội dung, tháo gỡ ngay các khó khăn vướng mắc, nhất là giải phóng mặt bằng.
Dự án toà nhà văn phòng, căn hộ cao cấp do VNPT làm chủ đầu tư có vị trí đắc địa tại trung tâm TP. Huế |
Qua đó, trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan để tranh thủ nguồn vốn ngân sách Trung ương, nhằm tăng cường tổ chức bán đấu giá các quỹ đất để huy động nguồn lực cho phát triển đô thị.
Trường Sơn - Đại Nghĩa