Sạt lở nhiều nơi tại miền Tây: Hậu quả của việc “rút ruột” các dòng sông?
Nhiều chuyên gia khẳng định, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ sạt lở đất xảy ra trong thời gian qua tại các tỉnh miền Tây như Long An, Cần Thơ... là do việc khai thác cát trái phép, vừa bãi.
Sạt lở diễn biến phức tạp
Thời gian vừa qua, tình hình sạt lở tại các tỉnh miền Tây trở nên vô cùng phức tạp. Theo đó, các vụ sạt lở xảy ra ở nhiều địa phương với những thiệt hại đáng kể. Điều này đe dọa đến cuộc sống của người dân địa phương.
Mới đây, tối 1/6, một vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra tại địa bàn ấp Phụng An, xã Song Phụng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, khu vực này xảy ra sạt lở 1 đoạn bờ sông Rạch Mọp với chiều dài 70m. Vụ sạt lở lấn sâu vào bờ khoảng 23m, gậy thiệt hại đến tuyến ống dẫn nước sinh hoạt, đường dây điện, ảnh hưởng đến lưu thông đi lại và sản xuất của người dân.
Ngay lập tức lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường để treo biển cảnh báo, đảm bảo an toàn giao thông, di dời đường dây điện, đường nước. Lực lượng cũng vận động người dân đắp tạm bờ bao ngăn triều cường để bảo vệ vườn cây ăn trái. Tuy nhiên, những người dân gần đó vẫn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Bởi trên tuyến sông này, đây không phải là vụ sạt lở đầu tiên.
Trước đó, vào rạng sáng ngày 25/5, tại khu vực xây dựng cống âu Rạch Mọp, Dự án Công trình kiểm soát nguồn nước bờ nam sông Hậu xảy ra vụ sạt lở bờ sông địa bàn huyện Kế Sách, vị trí sạt lở thuộc phạm vi xây dựng sàn kè mang cống phía hạ lưu, chiều dài đoạn sạt lở khoảng 30m, sâu vào trong khoảng 10m.
Vụ sạt lở không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, có 1 căn nhà mái tôn, vách tôn sạt xuống sông; đất từ bờ sông bị trượt sạt vào phạm vi xây dựng công trình, làm tăng khối lượng đào móng và làm hư hỏng tuyến đường giao thông nông thôn.
Tương tự, tại xã An Mỹ, hơn 5 tháng qua, xã này ghi nhận 25 đoạn sạt lở với chiều dài 725m. Các vụ sạt lở liên tiếp xảy ra đã phá hủy nhiều đoạn đường, ảnh hưởng đến sự lưu thông của người dân. Càng vào mùa mưa, các vụ sạt lở càng xảy ra nhiều và nguy hiểm hơn.
Các vụ sạt lở không chỉ xảy ra tại Sóc Trăng mà nó là mối đe dọa thường trực của người dân miền Tây sông nước. Vào cuối tháng 5, tại tỉnh Tiền Giang, đoạn đường huyện 54B cặp sông Ba Rài dài hơn 50m thuộc xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy bị sạt lở xuống sông. Vụ sạt lở đã chia cắt, làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, nhất là vào thời điểm đang thu hoạch trái cây.
Nghiêm trọng hơn, đêm ngày 24/5, phía bờ trái sông Ô Môn đoạn thuộc ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, sạt lở đã xảy ra làm hai căn nhà của người dân bị sụp xuống sông. Vị trí sạt lở có chiều dài 40m, ăn sâu vào bờ 6m. Tuyến đường bê tông ven sông bị sạt gây chia cắt giao thông qua khu vực, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Tại Long An, hai bên bờ sông Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc) đã xảy ra khá nhiều các vụ sạ lở nghiêm trọng. Tại đoạn bờ sông qua địa phận xã Phước Lại, điểm có nguy cơ sạt lở dài khoảng 1,2km, trong đó, có đoạn khoảng 44m đang diễn ra sụt lún. Nhà dân trong khu vực này xảy ra nhiều vết nứt, sụn lún nền. Đặc biệt, nền đường tỉnh lộ 826C cặp bờ sông xuất hiện nhiều vết nứt. 6 căn nhà và một đoạn đường tỉnh 826C đang đứng trước nguy cơ rất cao bị sạt lở nhấn chìm xuống sông bất cứ lúc nào.
Hệ quả của “rút ruột” các dòng sông
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí, viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ), cho biết sạt lở ngày càng gia tăng ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan là do thời tiết ngày càng cực đoan hơn, mưa nắng thất thường dẫn đến sạt lở. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do tình trạng khai thác cát, trong đó có khai thác cát phục vụ các công trình giao thông, ngày một nhiều và tình trạng khai thác cát lậu.
“Việc khai thác cát làm thay đổi địa mạo lòng sông khiến thay đổi dòng chảy, từ đó gây sạt lở. Khai thác cát quá sâu đã tạo ra nhiều hàm ếch nguy hiểm mà vừa rồi các vụ sạt lở ở Vĩnh Long đã cho thấy điều đó", ông Trí nói.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng từng đưa ra 3 kiến nghị về công tác quản lý và thi hành Luật Khoáng sản để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép.
Theo vị này, thời gian qua khu vực ĐBSCL các vụ sạt lở cồn, bờ sông, bờ biển diễn ra hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến tài sản, tính mạng, công trình công cộng. Đời sống dân sinh của người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng. Tiến sĩ Trần Khắc Tâm dẫn chứng vụ sạt lở xảy ra vào chiều 5/12/2022 trên sông Cổ Chiên đoạn qua ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, chiều dài khoảng 500m, rộng 200m, ảnh hưởng đến 16 hộ dân, 58 nhân khẩu, làm 13 căn nhà (12 nhà cấp 4, 1 nhà gỗ), 1 nhà kho, 1 xe cuốc, 2 ao cá, khoảng 10ha đất (bước đầu ước tính gây thiệt hại khoảng 35 tỷ đồng.
Tiến sĩ Trần Khắc Tâm cho rằng, hiện nay, vấn đề quản lý Nhà nước trên lĩnh vực này thời gian qua còn nhiều hạn chế, chưa chặt chẽ, sâu sát, chưa công khai minh bạch trong khâu khảo sát, quy hoạch, thiết kế mỏ, lấy ý kiến người dân khu vực bị ảnh hưởng. Công tác đấu tranh phòng chống hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này chưa kiên quyết, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa thường xuyên, chưa thống nhất, chưa có tiếng nói chung. Lực lượng trực tiếp đấu tranh, phòng chống hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này thời gian qua đạt được kết quả rất đáng trân trọng, tuy nhiên vẫn còn hạn chế về nhiều mặt, trước hết là sự quyết tâm, trách nhiệm thực thi công vụ, trình độ năng lực, hiểu biết vận dụng, áp dụng pháp luật; công tác kiểm tra, giám sát chưa nghiêm túc, chưa đúng quy trình, quy định, còn qua loa đại khái, bỏ lọt hành vi vi phạm...dẫn đến việc chấp hành quy định pháp luật không nghiêm.
“Ngoài ra, các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này ngày càng liều lĩnh, tinh vi, phức tạp; Có mối quan hệ “thân quen” với các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền; có trình độ nhận thức, am hiểu pháp luật, lợi dụng kẻ hở của pháp luật thực hiện hành vi nhằm lách luật, vượt ngoài khuôn khổ quy định của pháp luật để không bị xử lý…”, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.
Từ những bất cập trên, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm kiến nghị 3 phương án phòng chống với các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản. Thứ nhất, về việc quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản, khi lấy ý kiến các ngành, các cấp và nhân dân phải được thực hiện một cách nghiêm túc, lắng nghe, phân tích các yếu tố tác động nhiều mặt đến kinh tê, chính trị, xã hội… và nhất là quyền và lợi ích của người dân phải được đặt lên trên hết, “không vì lợi ích trước mắt mà đánh đổi môi trường, làm xáo trộn cuộc sống của người dân”.
Thứ hai, nêu cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản trước hết phải xác định đây là dự án có yếu tố tác động đến môi trường, phải có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
Thứ ba, về công tác thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng ngay từ đầu năm phải chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực này, phải dự kiến được các tình huống có thể xảy ra, dự trù kinh phí, lực lượng đủ mạnh để trấn áp và căn cứ áp dụng văn bản vi phạm pháp luật để xử lý đúng quy định, trước khi tiến hành kiểm tra.
“Đối với các vụ việc khai thác cát trái phép, các cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm nguyên tắc xử lý sai phạm trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không xử nhẹ, hay bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật, nhưng cũng không vì lợi ích cá nhân, hay thiếu hiểu biết về pháp luật mà xử oan sai cho người vô tội, làm xáo trộn trật tự xã hội, cuộc sống làm ăn chân chính của người dân”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng khẳng định.
Cần sự chung tay của các cấp, các ngành
Tiến sĩ Trần Khắc Tâm khẳng định, để công tác thực thi pháp luật khoáng sản đi vào chiều sâu, có hiệu lực, hiệu quả đòi hỏi các ngành, các cấp phải có sự quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ, có tiếng nói chung, có sự thống nhất, đồng thuận trên khuôn khổ quy định của pháp luật; lực lượng trực tiếp tham gia quản lý, phòng chống hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này không chỉ nắm chặt quy định của Luật khoáng sản, Luật bảo vệ môi trường, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật đê điều, Luật xây dựng, Luật đầu tư, Luật dân sự, Luật hình sự… các văn bản quy định dưới luật có liên quan, mà còn phải hiểu rõ và nắm chặt các đối tượng, mối quan hệ, quy luật, hành vi, thủ đoạn hoạt động của chúng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này.
V.Chương