Nghệ An: Gian nan cuộc chiến chống cát tặc trên sông Lam
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc liên quan đến khai thác, vận chuyển, mua bán cát, sỏi trái phép. Các đối tượng này ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm qua mặt các cơ quan chức năng.
“Nóng” trên sông Lam
Trong thời gian 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc liên quan đến khai thác, vận chuyển, mua bán cát, sỏi trái phép. Nhận rõ nguy cơ và đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để xử lý, nhưng cơ quan chức năng Nghệ An vẫn đau đầu với bài toán dẹp tận gốc nạn cát tặc trên sông Lam.
Theo đó, khoảng 21h30 ngày 22/3, Đội Cảnh sát Đường thuỷ, Phòng CSGT Nghệ An phát hiện trên sông Lam đoạn qua xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên có tàu vỏ sắt mang số hiệu NA-2475 do anh Nguyễn Văn Tú (SN 1993, trú tại xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên) điều khiển có hành vi khai thác cát trái phép nên đã tổ chức kiểm tra, bắt quả tang.
Cũng trong đêm 22/3, tại địa điểm trên, Đội Cảnh sát Đường thuỷ tiếp tục phát hiện và bắt giữ tàu vỏ sắt mang số hiệu NA-2628 do anh Nguyễn Đình Duy (SN 1989, trú tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) điều khiển đang có hành vi khai thác cát trái phép. Tại hiện trường, Cảnh sát thu giữ 37m3 cát hút lậu; 2 tàu vỏ sắt cùng nhiều tang vật, phương tiện.
Đặc biệt, đêm 28/4, cảnh sát PC05 Công an Nghệ An phối hợp Công an huyện Thanh Chương bất ngờ đột kích, bắt quả tang 3 đối tượng trú tại huyện Thanh Chương đang điều khiển thuyền máy vỏ sắt để hút cát trái phép lên khoang thuyền tại khu vực xã Thanh Đồng, (Thanh Chương). Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ 1 thuyền máy vỏ sắt tự chế đang điều khiển thuyền máy vỏ sắt dạng tự chế, cùng khoảng 30m3 cát. Trong đó, 2 đối tượng gồm Nguyễn Văn Thắng và Nguyễn Văn Bình đều đã bị cơ quan Công an xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khai thác khoáng sản mà không có giấy phép khai thác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong vòng 1 năm trở lại đây.
Mở rộng điều tra, lực lượng công an ngay trong đêm đã đột kích bãi tập kết cát của Nguyễn Doãn Đức (SN 1964, trú khối 2A, thị trấn Thanh Chương) phát hiện 400m3 cát các loại không giấy tờ, thủ tục chứng minh nguồn gốc hợp pháp số cát trên. Ngoài ra, căn cứ vào các sổ sách mà lực lượng công an thu giữ xác định từ đầu năm 2022 đến nay, các đối tượng nêu trên đã khai thác trái phép hơn 35 chuyến với tổng khối lượng hơn 1.700 m3 để về đổ tại bến tập kết cát của ông Nguyễn Doãn Đức.
Tiếp đó, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Nghệ An) cũng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trên để điều tra hành vi vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên theo Điều 227 Bộ Luật Hình sự, liên quan đến hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Lam.
Sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi
Thời gian gần đây, lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An nhận được nhiều thông tin từ người dân phản ánh về việc một số đối tượng có hành vi vận chuyển, tàng trữ, mua bán cát không rõ nguồn gốc để thu lợi bất chính. Qua đó, gây thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia, gây bức xúc cho người dân địa phương sinh sống gần các điểm mỏ có trữ lượng cát lớn.
Theo đó, qua nhiều ngày theo dõi, tại khu vực sông Lam thuộc khối 13, phường Bến Thủy, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Bến Thủy - Cửa Lò kiểm tra thuyền có số hiệu NĐ-2428 đang vận chuyển hơn 700 m3 cát có dấu hiệu nghi vấn sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng giả để hợp thức hóa nguồn gốc số cát trên. Qua xác minh, lực lượng chức năng phát hiện 2 hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) được làm giả.
Theo lời khai của chủ thuyền, số cát nói trên được vận chuyển thuê cho Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Thành Đạt, có địa chỉ tại Cảng Bến Thủy, thành phố Vinh, do ông Lê Viết Thanh (sinh năm 1974), trú tại phường Trường Thi, thành phố Vinh làm Giám đốc.
Nhằm hợp thức hóa số lượng cát mua không rõ nguồn gốc và tránh sự phát hiện, kiểm tra của lực lượng chức năng, Lê Viết Thanh đã thuê Nguyễn Quốc Khánh (sinh năm 1988), trú tại thành phố Vinh làm giả hóa đơn GTGT của một số công ty khác với phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi nhằm thu lợi bất chính.
Quá trình điều tra xác định, từ đầu năm 2022 đến nay, Lê Viết Thanh đã thuê Nguyễn Quốc Khánh làm hóa đơn GTGT giả hơn 15 lần. Sau đó trả công cho Nguyễn Quốc Khánh mỗi tháng số tiền từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng.
Cùng ngày, tại khu vực Cảng Bến Thủy, lực lượng chức năng bất ngờ tiến hành kiểm tra thuyền HP-4480, đang tiến hành xúc cát lên thuyền với số lượng 1.164m3. Tại hiện trường, chủ thuyền không xuất trình được giấy tờ về nguồn gốc số cát nói trên. Lực lượng công an đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ cát và phương tiện để điều tra làm rõ. Đồng thời, qua công tác xác minh, xác định Công ty cổ phần Xây dựng và dịch vụ Nam Anh, có địa chỉ tại phường Hưng Phúc, thành phố Vinh thu mua 529m3 cát không rõ nguồn gốc.
Cũng trong thời gian qua, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ rất nhiều vụ việc liên quan đến khai thác, vận chuyển, mua bán cát, sỏi trái phép nhưng tình trạng này vẫn chưa thể xử lý triệt để. Nhiều cá nhân đã lợi dụng việc cơ quan chức năng cấp phép cho một số doanh nghiệp được phép khai thác, nhằm trà trộn vận chuyển, mua bán trái phép cát, sỏi để trục lợi bất chính. Chính vì vậy, tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép vẫn chưa hết “nóng” trên dòng sông Lam trong suốt thời gian qua.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiên cứu khoa học Môi trường Việt Nam thuộc TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ…
Hoạt động này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông; Sạt lở bờ, bãi ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt sản xuất hoa màu; Đe dọa đến an toàn đê điều, tính mạng, tài sản và an toàn của người dân; Suy giảm mực nước sông trong mùa cạn…
“Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm.
Tuấn Quỳnh