Thứ ba, 23/04/2024 20:50 (GMT+7)
Thứ sáu, 10/03/2023 08:29 (GMT+7)

Sạt lở bờ sông Chảy ở Yên Bái: Ai chịu trách nhiệm?

Theo dõi KTMT trên

Khu vực sạt lở đất canh tác của người dân xã Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái có nhà máy thuỷ điện Thác Bà 2 đang xây dựng và mỏ cát của Công ty CP khai thác chế biến khoáng sản Trường Phát đang hoạt động.

Tạp chí Kinh tế Môi trường vừa có bài viết phản ánh về việc khu vực hạ lưu nhà máy thuỷ điện Thác Bà 2 (Yên Bái) đang "nuốt chửng từng tấc đất" của người dân.

Cụ thể, theo phản ánh của người dân, từ khi thi công xây dựng Nhà máy thuỷ điện Thác Bà 2 làm thay đổi dòng chảy hạ lưu sông Chảy đã làm sạt lở lượng lớn diện tích đất canh tác nông nghiệp của bà con người dân thôn Hán Đà 1, xã Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Sạt lở bờ sông Chảy ở Yên Bái: Ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 1
Khu vực sạt lở thuộc hạ lưu nhà máy thuỷ điện Thác Bà 2 (thôn Hán Đà 1, xã Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) đang xây dựng.

Quan sát của Phóng viên vào ngày 2/3/2023, phía bên bờ tây của dòng sông Chảy xuất hiện nhiều điểm sạt lở chạy dài hàng trăm mét từ điểm giới hạn dự án nhà máy thuỷ điện xuống hạ lưu sông. Không những vậy, nhiều vết nứt cũng xuất hiện ngày một to dần, nguy cơ tiếp tục sạt lở đất là rất lớn.

Qua tìm hiểu, khu vực sạt lở diện tích lớn đất canh tác của người dân dọc bờ sông ở xã Hán Đà (Yên Bình, Yên Bái) hiện đang có dự án thuỷ điện Thác Bà 2 và mỏ cát của Công ty CP Khai thác chế biến khoáng sản Trường Phát được cấp phép đang hoạt động.

Hạ lưu nhà máy thuỷ điện Thác Bà 2 (Yên Bình, Yên Bái) đang "nuốt chửng từng tấc đất" của người dân.

Chỉ trong vòng hơn 4 năm, dòng sông Chảy đã “nuốt trọn” hơn 30 mét chiều sâu đất canh tác của người dân khu vực dưới hạ lưu thuỷ điện Thác Bà 2 khiến cho nhiều người dân bị mất trắng đất canh tác mà vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm và giải quyết cho người dân?

Theo Công ty CP Đầu tư thuỷ điện Thác Bà 2, từ năm 2018 – tháng 11/2021, chiều dài sạt lở trung bình từ 2,7 mét đến 7 mét. Từ tháng 11/2021 – tháng 2/2023 thì chiều dài sạt lở trung bình từ 1,5 mét đến 2,5 mét/năm.

Công ty cho rằng, nguyên nhân sạt lở là do tình trạng khai thác cát sỏi làm mất chân của khu đất dọc sông. Trong khi đó, khu vực cánh đồng Vông chủ yếu là đất mịn, thành bờ vách dựng đứng, không có dốc thoải nên gặp thời tiết mưa ẩm dễ sạt lở.

Trả lời phóng viên, Giám đốc Công ty CP đầu tư Thuỷ điện Thác Bà 2 – ông Phạm Minh Thành cho biết: “Về sự việc trên, phía chúng tôi đã có buổi làm việc với UBND xã Hán Đà. Khi xã có văn bản trả lời thì chúng tôi sẽ mời đơn vị tư vấn khảo sát nền đất rồi mới có phương án xử lý. Khu vực sạt lở lớn là ở thời điểm nước lớn thôi, trước kia chưa xây dựng dự án thì cũng xảy ra sạt lở còn nhiều hơn bây giờ. Qua nghiên cứu đánh giá, khảo sát thì vào khoảng tháng 5 mực nước cao sẽ sạt lở nhiều nhất".

Ông Thành cho biết thêm: “Việc xây dựng bờ kè phải mời đơn vị tư vấn thiết kế rồi xin kinh phí từ Hội đồng quản trị công ty mới có thể triển khai xây dựng được. Chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng bờ kè sớm đến cuối năm 2023 sẽ xong".

Đối với đề nghị hỗ trợ hoa màu của bà con thì ông Thành quả quyết: “Chúng tôi có làm gì về hoa màu đâu mà hỗ trợ cho bà con được, chúng tôi đã báo cáo với xã về việc này rồi".

Sạt lở bờ sông Chảy ở Yên Bái: Ai chịu trách nhiệm? - Ảnh 2
Nhiều vết nứt to đang có dấu hiệu bị sạt lở.

Trao đổi với quản lý của mỏ cát tại xã Hán Đà thuộc Công ty CP khai thác chế biến khoáng sản Trường Phát phủ nhận việc khai thác cát làm ảnh hưởng tới bờ sông, "vì chỗ đó chúng tôi không hút gì cả, toàn đá mà không hút được cát".

Chủ tịch UBND xã Hán Đà – ông Phạm Xuân Trường cho hay: “Bây giờ việc sạt lở cũng có ảnh hưởng một phần của việc xây dựng thuỷ điện Thác Bà 2, nhưng từ năm 2018, khi chưa triển khai xây dựng thì đã xảy ra sạt lở rồi. Mỗi năm sẽ vào 3-4 mét, có thuỷ điện thì bị sạt lở nhiều hơn. Trước đây thì khu vực này có một phần là mỏ của công ty khai thác khoáng sản Trường Phát”.

Chủ tịch UBND xã Hán Đà cho rằng, việc sạt lở do thiên nhiên chứ không phải do người dân, nếu Công ty CP đầu tư thuỷ điện Thác Bà 2 mà xử lý được bờ kè thì sẽ khắc phục được nhiều đất cho người dân. Chúng tôi cũng đã đề nghị tỉnh có cách khắc phục nhiều năm nay rồi nhưng không có cách nào kè được cả vì tốn nhiều chi phí, trong khi đất được chẳng bao nhiêu cả.

Được biết, UBND xã Hán Đà vừa có báo cáo UBND huyện Yên Bình để xử  lý và giải quyết cho người dân.

Trước đó, tháng 12/2018, UBND tỉnh Yên Bái đã yêu cầu tạm dừng khai thác cát đối với Công ty CP Khai thác chế biến khoáng sản Trường Phát (điểm mỏ tại xã Hán Đà và xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) để hoàn thiện thủ tục thuê đất theo quy định với lý do các đơn vị chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục, hồ sơ và giấy phép liên quan đến hoạt động khai thác cát, sỏi.

Đức Mậu

Bạn đang đọc bài viết Sạt lở bờ sông Chảy ở Yên Bái: Ai chịu trách nhiệm?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.