Thứ sáu, 03/05/2024 07:13 (GMT+7)
Thứ hai, 14/08/2023 07:00 (GMT+7)

Sản xuất nhựa tái chế: Cần có quy định cụ thể nguyên liệu đầu vào

Theo dõi KTMT trên

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, người tiêu dùng rất khó phân biệt giữa túi nilon, đồ dùng được làm từ nhựa nguyên khai hay nhựa tái chế. Chính vì vậy, Nhà nước cần có quy định cụ thể về việc những hạt nhựa tái chế được dùng vào việc gì.

Hiểm hoạ khôn lường từ nhựa tái chế

Nhựa tái chế là sản phẩm của quá trình sản xuất nhựa từ nguồn nguyên liệu rác thải nhựa thu gom. Sau khi thu gom về, các rác thải nhựa sẽ trải qua quá trình phân loại, rửa sạch, nung chảy và ép khuôn để tạo ra các sản phẩm nhựa mới. Quá trình này giúp giảm lượng lớn rác không phân huỷ do con người tạo ra, bảo vệ môi trường khỏi ô nhiễm nhựa. Tuy nhiên, không phải loại nhựa nào cũng có thể tái chế, một số loại nhựa đòi hỏi quy trình tái chế phức tạp và tốn kém nhiều chi phí.

Mỗi loại nhựa tái chế sẽ có những đặc điểm và tính ứng dụng khác nhau. Các loại nhựa tái chế có tính an toàn và được sản xuất phổ biến hiện nay là PET, HDPE và PP. PVC, LDPE, PS và PC là những loại nhựa có nguy cơ thôi nhiễm hóa chất lớn, gây độc hại cho sức khỏe con người khi sử dụng nên ít được sản xuất tái chế, nếu có thường ứng dụng trong các ngành công nghiệp, không ứng dụng để sản xuất đồ gia dụng.

Đặc biệt, cần lưu ý với các sản phẩm thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với người dùng như bao bì, hộp đựng ưu tiên sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa PP và HDPE tái chế, sản phẩm làm nhựa PET tái chế an toàn nhất khi sử dụng một lần. Ngoài ra việc hạn chế để các sản phẩm nhựa tái chế tiếp xúc với nhiệt sẽ đảm bảo tính an toàn sử dụng cao hơn.

Sản xuất nhựa tái chế: Cần có quy định cụ thể nguyên liệu đầu vào - Ảnh 1

Trên toàn cầu, cứ mỗi giây lại có khoảng 160.000 túi nhựa được làm ra, với mỗi phút lại có gần một triệu chai nhựa được bán và lượng chất thải nhựa tương đương sức chứa của hai xe tải được đổ vào đại dương… Riêng ở Việt Nam, mỗi năm có từ 2,8-3,1 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra. 

Theo các nhà nghiên cứu, túi nilon, ống hút, cốc nhựa dùng một lần, hộp xốp, nước đóng chai nhựa… chủ yếu được tái chế từ những sản phẩm nhựa đã qua sử dụng, một số hóa chất có trong các sản phẩm nhựa này như chất hóa dẻo, phẩm màu, chì, cadimi… sẽ thôi nhiễm vào thức ăn, sau đó hấp thụ vào cơ thể người qua quá trình sử dụng. Các hóa chất này tích tụ lâu ngày có thể gây ung thư, gây ảnh hưởng xấu đến phát triển não bộ ở trẻ, làm thay đổi mô, biến đổi nhiễm sắc thể, sẩy thai, dị tật bẩm sinh, thay đổi nội tiết tố và nhiều hệ luỵ khác cho sức khỏe con người.

Xem xét tăng thuế cho sản phẩm túi nilon, hộp nhựa dùng một lần

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), người tiêu dùng rất khó phân biệt giữa túi nilon, đồ dùng được làm từ nhựa nguyên khai và túi nilon, đồ dùng được làm từ nhựa tái chế. Chính vì vậy, Nhà nước cần có quy định cụ thể về việc những hạt nhựa tái chế được dùng vào việc gì. Chẳng hạn, có thể dùng để sản xuất ghế ngồi, thùng đựng rác, sọt vận chuyển hàng hóa, các đồ dùng không tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

Ông Nguyễn Duy Thịnh đề xuất, có thể tính đến phương án tăng thuế cho sản phẩm túi nilon, hộp nhựa dùng một lần. Giá cao thì người dùng sẽ phải tính toán hơn.

“Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là biện pháp quản lý từ khâu định hướng sản xuất để đảm bảo hài hòa nhu cầu của các bên. Các cơ quan quản lý nhà nước cần định hướng cho người dân để họ vừa đảm bảo sinh kế, vừa giúp ích cho xã hội, bảo vệ môi trường, vừa làm được các mặt hàng tiêu dùng không gây hại cho cộng đồng. Cần quy định rõ không được sử dụng hạt nhựa tái chế bẩn để làm ra các loại đồ dùng đựng thực phẩm như túi nilon, cốc nhựa, bát nhựa, ống hút”, chuyên gia này nói.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Sản xuất nhựa tái chế: Cần có quy định cụ thể nguyên liệu đầu vào. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Giá xăng tăng nhẹ trở lại
Tại kỳ điều hành giá xăng, dầu chiều ngày 2/5, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng thêm 40 đồng/lít đối với xăng RON95-III và tăng 08 đồng/lít với xăng E5RON92.