Thứ sáu, 22/11/2024 07:35 (GMT+7)
Thứ ba, 11/08/2020 11:16 (GMT+7)

Sân golf 'ăn đất lúa', chủ đầu tư kém năng lực tài chính

Theo dõi KTMT trên

Thông qua việc xin chủ trương đầu tư dự án sân golf kèm theo kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp nhanh tay “ôm” được quỹ đất rộng lớn, thậm chí chiếm dụng đất nông nghiệp, rừng phòng hộ, mặt nước… Điều đáng nói là, nhiều chủ dự án lại không đủ năng lực tài chính, năng lực đầu tư, quản lý vận hành sân golf.

Chiêu xin dự án rồi “cơi nới” thêm đất nông nghiệp

Tại Việt Nam, chủ trương của Chính phủ là không lấy đất nông nghiệp, đặc biệt lấy đất lúa để làm sân golf. Nếu sử dụng đất nông nghiệp thì phải là đất bạc màu (không có khả năng canh tác nông nghiệp hoặc canh tác không hiệu quả). Các dự án sân golf được cấp phép đầu tư hay cấp chủ trương nghiên cứu lập dự án sân golf phải phù hợp với quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định 1946/QĐ-TTg của Chính phủ.

Sân golf 'ăn đất lúa', chủ đầu tư kém năng lực tài chính - Ảnh 1

Các dự án sân golf được cấp phép đầu tư hay cấp chủ trương nghiên cứu lập dự án sân golf phải phù hợp với quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. (Ảnh minh họa)

Như Kinh tế Môi trường đã phản ánh, sự phát triền ồ ạt của các dự án sân golf, dự án bất động sản nghỉ dưỡng có kèm dịch vụ sân golf đã và đang sử dụng quỹ đất rất lớn, được phê duyệt đầu tư ở những địa bàn bằng phẳng, giao thông thuận lợi, vị trí ven biển, kề rừng có sẵn cảnh quan thiên nhiên lý tưởng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đầu tư dự án sân golf, các doanh nghiệp đã ngang nhiên lấn chiếm quỹ đất, xin điều chỉnh quy hoạch nhằm mở rộng diện tích đất lấn chiếm cả đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ.

Gần đây, dư luận đang quan tâm dự án sân golf quốc tế Thuận Thành tại tỉnh Bắc Ninh với ý kiến đáng chú ý của Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt vướng mắc về đất đai và năng lực pháp lý của nhà đầu tư. Theo giới thiệu, dự án này được thiết kế 18 lỗ trên diện tích khoảng 98 ha, nằm ngay cạnh sông Đuống (xã Đình Tổ, Thuận Thành, Bắc Ninh), tổng vốn đầu tư 797 tỉ đồng. Dự kiến, sân golf sẽ được hoàn thành và đi vào hoạt động toàn bộ vào quý 4/2023. Ngày 11/3/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang ký văn bản gửi Bộ Công an và Bộ Quốc phòng xin ý kiến thẩm định thực hiện dự án.

Nhiều ý kiến đang bày tỏ lo ngại dự án sân golf quốc tế Thuận Thành sử dụng quá nhiều quỹ đất, nằm ở bãi bồi ven sông Đuống nên nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường sinh thái mặt nước sông là không tránh khỏi. Hơn nữa, các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, thủy lợi… còn chỉ rõ nguy cơ dự án sân golf sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, ô nhiễm nguồn nước do việc sử dụng lượng lớn hóa chất để chăm sóc cỏ bề mặt và thuốc bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, dự án sân golf nằm ven sông cần đánh giá thẩm định việc tác động tới quy hoạch phòng chống lũ, đê điều hệ thống sông Hồng.

Liên quan tới việc sử dụng đất nông nghiệp để làm sân golf Thuận Thành, Bộ NN&PTNT đã có ý kiến gửi Bộ KH&ĐT yêu cầu “cập nhật diện tích đất khu vực dự kiến xây sân golf và bổ sung hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp tại dự án, bổ sung phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp theo các quy định hiện hành”.

Có thể thấy, một dự án sân golf sử dụng tới 98 ha đất cần được đánh giá, thẩm định kỹ lưỡng bởi các cơ quan có thẩm quyền và báo cáo tác động môi trường để đảm bảo hiệu quả, không lãng phí tài nguyên đất, hạn chế ô nhiễm môi trường đất và nước…

Sân golf 'ăn đất lúa', chủ đầu tư kém năng lực tài chính - Ảnh 2Nở rộ đầu tư sân golf gây nhiều hệ lụy cho môi trường

Kinh doanh thua lỗ, căng thẳng dòng tiền

Vấn đề đáng lo ngại nữa là năng lực đầu tư dự án sân golf quốc tế Thuận Thành của liên danh CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS Hudland và CTCP Tư vấn và thương mại Thăng Long liệu có đảm bảo triển khai dự án khả thi, hiệu quả hay không?

Tìm hiểu, được biết, hai doanh nghiệp này có ngành nghề kinh doanh chính gồm: Giáo dục thể thao và giải trí, hoạt động cơ sở thể thao… mà chưa có ngành nghề kinh doanh phù hợp với mục tiêu của dự án sân golf “hoành tráng” này.

Sân golf 'ăn đất lúa', chủ đầu tư kém năng lực tài chính - Ảnh 3
Phối cảnh sân golf quốc tế Thuận Thành dự kiến lấy 98 ha đất nằm ven sông Đuống, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường nguồn nước.

Dù xin đầu tư dự án sân golf “khủng” nhưng hai doanh nghiệp này có “sức khỏe” tài chính bất ổn với công nợ lớn, căng thẳng thanh khoản và kinh doanh thua lỗ liên tiếp nhiều năm.

Tại thời điểm 30/6/2019, Công ty Hudland có vốn chủ sở hữu là 418 tỉ đồng, trong đó vốn điều lệ là 200 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 137,2 tỉ đồng. Tài sản ngắn hạn là 641,7 tỉ đồng, nhưng các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 433,03 tỉ đồng, cho thấy công ty đang bị chiếm dụng vốn, ảnh hưởng tới khả năng thanh toán và dòng tiền để thực hiện dự án.

Trong khi đó Hudland có nợ phải trả 359,6 tỉ đồng mà hơn 87,4% là nợ phải trả ngắn hạn, là áp lực căng thẳng cho công ty mà Bộ Tài chính đánh giá “dẫn đến rủi ro thực hiện nghĩa vụ cam kết huy động vốn cho dự án” và công ty cũng không thuyết minh rõ đơn vị sử dụng vốn góp để thực hiện dự án này hay mang vốn kinh doanh các ngành nghề khác.

Đối với Công ty Thăng Long, tình hình tài chính và kinh doanh còn bi đát hơn. Đến cuối năm 2018, công ty có vốn chủ sở hữu là 87,3 tỉ đồng, gồm vốn điều lệ 100 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 12,6 tỉ đồng. Trong năm 2018, công ty không phát sinh doanh thu từ sản xuất kinh doanh và lỗ lũy kế tới 12,7 tỉ đồng. Công ty Thăng Long có nợ phải trả 5,18 tỉ đồng, tài sản ngắn hạn có 57,2 tỉ đồng nhưng hơn 98,4% tài sản lại nằm ở khoản phải thu 56,3 tỉ đồng, cho thấy dòng tiền sẽ phụ thuộc rất lớn vào khả năng đòi nợ...

Bộ Tài chính cho rằng Công ty Thăng Long đang bị mất vốn chủ sở hữu, kinh doanh thua lỗ nhiều năm liên tiếp, bị chiếm dụng vốn ngắn hạn lớn… là những rủi ro trong việc đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án sân golf cũng như phương án sử dụng vốn góp lại rất “tù mù”.

Với tình hình tài chính như trên, Bộ Tài chính cho rằng chưa có cơ sở đưa ra ý kiến đánh giá về khả năng đáp ứng nguồn vốn chủ sở hữu thực hiện dự án sân golf quốc tế Thuận Thành và năng lực tài chính của liên danh nhà đầu tư.

Dư luận cũng dấy lên hoài nghi vì sao hai doanh nghiệp này lại được tỉnh Bắc Ninh lựa chọn để nghiên cứu, đầu tư dự án sân golf lớn nhất ở địa phương này, bất chấp những cảnh báo về năng lực đầu tư của liên danh và vướng mắc về đất đai, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường?

Bình Minh

Bạn đang đọc bài viết Sân golf 'ăn đất lúa', chủ đầu tư kém năng lực tài chính. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.