Nở rộ đầu tư sân golf gây nhiều hệ lụy cho môi trường
Đến năm 2009, có 144 dự án có kinh doanh sân golf được cấp phép hoặc chủ trương cho phép nghiên cứu thực hiện, vượt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. Việc phát triển ồ ạt các sân golf đã và đang tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường sống và gây lãng phí tài nguyên đất đai.
Thanh tra hàng loạt sân golf lớn
Trong một thập kỷ qua, hoạt động đầu tư sân golf hoặc dự án bất động sản nghỉ dưỡng có hạng mục sân golf đã phát triển “nở rộ” tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư (Bộ KH&ĐT) công bố vào tháng 6/2009, cả nước có 144 dự án có mục tiêu kinh doanh sân golf được cấp phép hoặc cấp chủ trương cho phép nghiên cứu thực hiện dự án, bao gồm 34 dự án có 100% vốn đầu tư nước ngoài, 27 dự án liên doanh, còn lại 83 dự án 100% vốn trong nước. Trong số này, có 78 dự án đã được cấp phép, 66 dự án vẫn đang trong quá trình hoàn thành hồ sơ.
Tổng vốn đầu tư của 144 dự án sân golf lên tới 18 tỉ USD, sử dụng diện tích đất khoảng 49.000 ha.
|
Còn theo Quyết định 1946/QĐ-TTg của Chính phủ quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 chỉ có 89 sân, được phân bổ ở 34 tỉnh, thành phố, tổng diện tích đất hơn 9.985 ha. Riêng vùng Đông Nam Bộ được quy hoạch xây 21 dự án sân golf với tổng diện tích 2.376 ha, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ được làm 29 dự án sân golf với tổng cộng 2.943 ha đất.
Nhưng sau khi thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng vào năm 2010-2011, đóng băng nhiều năm sau đó thì các chủ đầu tư dự án sân golf đã bỏ dở, dừng triển khai, chuyển hướng sử dụng đất khác, hoặc lặng lẽ rút chạy…
Đến thời điểm này, cả nước có trên 60 sân golf được đầu tư xây dựng ở gần 30 tỉnh, thành phố và dự kiến sẽ có thêm nhiều sân golf nằm trong các dự án bất động sản nghỉ dưỡng sẽ đưa vào hoạt động...
Trên thực tế, với việc sở hữu quỹ đất rộng lớn, có vị trí đắc địa bám ven biển, ven sông, rừng tự nhiên… nên các dự án sân golf bỗng nhiên có giá trị lợi thế cao khi kết hợp với kinh doanh bất động sản. Không ít doanh nghiệp đã xin làm dự án sân golf để “ôm” quỹ đất lớn, quy hoạch lấy cả đất rừng, đất lúa, hồ nước… nhưng thực chất, lại xây dựng các biệt thự, khách sạn để kinh doanh dịch vụ, chuyển nhượng cho nhà đầu tư thứ cấp, có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai.
Tháng 3/2020, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) đã ban hành Quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, trong đó, tập trung kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất các dự án sân Golf tại 5 tỉnh, thành là Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Hòa Bình. Đây là những địa phương thu hút nhiều dự án đầu tư sân golf và bất động sản lớn, sử dụng quỹ đất hàng trăm ha và có mức đầu tư hàng nghìn tỉ đồng. Trong quá trình đầu tư xây dựng các dự án sân golf lớn này đã phát sinh nhiều vấn đề vi phạm liên quan tới quản lý, sử dụng đất đai, thu hồi đất và bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và tác động môi trường.
Các dự án sân golf có khả năng lọt vào tầm ngắm thanh tra như: Long Bien Golf Club, Sky Lake Golf Club & Resort, Asean Golf Resort Hòa Lạc và Phoenix Golf Resort Lương Sơn (Hòa Bình), Song Gia Golf & Country Club (Hải Phòng)…
Đe dọa môi trường, lãng phí tài nguyên đất
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, sân golf thường không xây dựng tại những vùng đất có thể canh tác nông nghiệp, mà lựa chọn tận dụng khai thác những nơi đất cằn cỗi, thậm chí là sa mạc, để không gây lãng phí tài nguyên đất. Hơn nữa, việc xây dựng các sân golf còn tiềm ẩn nguy cơ tác động xấu đến môi trường như: Xóa sạch lớp phủ thực vật tự nhiên, nguy cơ cháy rừng, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan môi trường sống, tạo ra đất và lớp cỏ ngoại lai, hay gây ra những biến đổi về địa hình và nguồn nước ngầm địa phương,…
Cơ quan thanh tra đã kiến nghị xử lý vi phạm về môi trường của chủ dự án sân golf Đại Lải. |
Theo kết quả khảo sát các sân golf ở Đông Nam Á, bình quân một sân golf 18 lỗ tiêu thụ 150.000 m3 nước sạch/ngày, tương đương lượng nước sinh hoạt cho 20.000 hộ gia đình. Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, một sân golf 18 lỗ ở Việt Nam tiêu tốn tới 5.000 m3 nước mỗi ngày cho việc tưới và duy trì bảo dưỡng mặt sân. Lượng nước này thường được khai thác từ nguồn nước ngầm, nên sau một thời gian, việc lún đất, sụt đất do nước ngầm bị lấy đi quá nhiều, mực nước ngầm sâu hơn và ô nhiễm nước ngầm do hoá chất, phân bón từ sân golf là chuyện không thể tránh khỏi.
Để giữ được màu xanh và phục hồi bề mặt cỏ sân golf, doanh nghiệp thường phải dùng các loại hóa chất chuyên dụng riêng như: Chlorpyrifos, Diazinon và Isazofos… thuộc danh mục hóa chất nhạy cảm với môi trường và sức khỏe con người.
Các số liệu nghiên cứu trên thế giới cho thấy, trung bình mỗi năm một sân golf 18 lỗ sử dụng khoảng 1,5 tấn hoá chất (cao gấp 3 lần so với cùng diện tích đất nông nghiệp), trong đó axit silic, ôxít nhôm và ôxít sắt (các tác nhân có tiềm năng gây ung thư).
Phần lớn các dự án sân golf đã đi vào hoạt động hiện nay ở Việt Nam không có khu xử lý nước thải riêng. Toàn bộ nước thải sân golf sẽ đổ trực tiếp ra môi trường sau khi được xử lý sơ bộ tại các hồ lắng nội bộ.
Điển hình như hàng loạt vi phạm về sử dụng đất đai, gây ô nhiễm môi trường tại dự án sân golf và tổ hợp văn hóa thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ mát và du lịch ở Khu B Đại Lải, xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên. Dự án này do Công ty TNHH Đại Lải (Việt Nam) đầu tư và sau đó chuyển nhượng cho CTCP sân gôn Đại Lải vướng nhiều lùm xùm tranh chấp, giao cho CTCP Sân gôn Đại Lải vận hành.
Kiến nghị thu hồi dự án sân tập golf 'ăn' đất công viên ở Bắc Giang |
Được biết, chủ dự án sân golf Đại Lải đã được giao 298,85 ha từ năm 2006 nhưng hiện vẫn chưa xong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 60,071 ha (trong đó, 2,771 ha phần đất sân golf và 57,3 ha đất biệt thự nghỉ dưỡng). Đặc biệt, có 23,53 ha đất rừng đặc dụng của Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Đông Bắc Bộ nằm trong phần diện tích đất khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Sau khi thanh tra dự án, tháng 5/2019, Sở TN&MT Vĩnh Phúc đã phát hiện nhiều vi phạm về bảo vệ môi trường như: Dự án không xây lắp công trình bảo vệ môi trường (hệ thống xử lý nước thải tập trung của Tổ hợp sân golf) theo quy định; không thực hiện giám sát môi trường xung quanh theo quy định; không thực hiện trám lấp 1 giếng sau khi đã sử dụng xong; xả nước thải không đúng vị trí, tọa độ quy định trong giấy phép; không thực hiện biện pháp chống thấm hồ chứa nước thải trong trường hợp nước thải không chứa chất thải nguy hại... Thanh tra đã lập biên bản và chuyển đến Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc để xử phạt chủ đầu tư theo thẩm quyền.
Nhật My