Sân bay còn nằm trên giấy, cò đất đã 'thổi giá' kiếm lời
Khi đề xuất xây sân bay của các địa phương mới nằm trên giấy và chưa có kết luận chính thức bổ sung quy hoạch hay không, nhưng lân cận các sân bay "trên giấy" đã xảy ra những sơn "sốt đất", khiến giá đất tăng giá nhanh chóng.
"Sốt đất" sau loạt đề xuất xây dựng sân bay
Gần đây, hàng loạt tỉnh đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay như Hà Tĩnh, Hà Giang, Ninh Bình, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội (sân bay thứ 2), Vũng Tàu, Bình Phước, Quảng Trị...
Trước những thông tin đề xuất, dù chưa biết có được phê duyệt hay không, nhưng ngay lập tức ở nhiều nơi đã xảy ra những sơn ‘sốt đất’, khiến giá đất tăng giá nhanh chóng.
Đơn cử, thời điểm 2 năm trước, cơn sốt đất mang tên sân bay Long Thành (Đồng Nai), khi Quốc hội chính thức bỏ phiếu tán thành xây dựng sân bay Long Thành. Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam cũng phải thừa nhận rằng, đất gần khu vực sân bay 2 năm trở lại đây có những biến động rất mạnh. Cụ thể, năm 2018 tăng lên khoảng 8 – 15 triệu đồng/m2 so với hồi chưa phê duyệt; năm 2019 tăng bình quân dao động từ 15 – 30 triệu đồng/m2. Trong năm 2020 ảnh hưởng Covid-19 nhưng vẫn tiếp tục tăng giá so với năm 2019.
Hay như hồi tháng 6/2020, tại Vũng Tàu, khi giới đầu cơ bất động sản từ các tỉnh thành lân cận đổ dồn về khu vực xã đảo Long Sơn, TP.Vũng Tàu tìm mua đất sau khi có thông tin tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ triển khai dự án sân bay Gò Găng, khiến giá đất nơi đây tăng chóng mặt.
Mới đây nhất, ở Bình Phước, khi chỉ mới đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch sân bay lưỡng dụng mà nhiều đối tượng đầu cơ, môi giới đất đai trong và ngoài tỉnh lợi dụng để tụ tập đông người, đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần so với giá trị thực tế.
Trước những cơn sốt ấy, chia sẻ với Infonet, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, những đề xuất làm sân bay ở nhiều địa phương đều đang có chút ảnh hưởng từ việc quy hoạch sân bay Long Thành.
Theo ông Đính, ngay từ thời điểm đầu, khi đang trình phê duyệt chủ trương sân bay Long Thành thì quanh khu vực đó bất động sản cũng "sốt" sùng sục. Nhưng thời điểm đó, chính quyền tỉnh Đồng Nai vào cuộc kiểm soát khá tốt, sau đó dập được "sốt ảo" trên thị trường.
“Ngoài thị trường luôn có những nhóm rất nhanh nhạy, họ có kỹ thuật để làm giá, tận dụng thông tin để “đẩy” giá, “thổi” giá... tạo mua bán, những nhóm vào ra rất sôi nổi trên thị trường. Thực ra, tất cả những mua bán đó đều ảo, giả tạo nhưng có những người bên ngoài thiếu tỉnh táo vẫn bị hút vào, dính đòn”, ông Đính nói.
Sân bay không phải là yếu tố thu hút
Ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam đã chỉ ra, đất chỉ có giá trị khi khu vực đó có quy hoạch chi tiết, có sự phát triển nhanh về cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, các sân bay hiện tại từ Bắc vào Nam hầu hết đều không có các khu dân cư liền kề, ngoại trừ sân bay Tân Sơn Nhất, nên giá trị đất sẽ khó tăng giá.
Còn TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam lại cho rằng, với riêng “sân bay Téc-ních” tại Bình Phước, đây không thể là "cây đũa thần" để làm cho nền kinh tế của tỉnh và thị trường bất động sản của tỉnh này khởi sắc.
Bởi xét cho cùng, “sân bay Téc-ních” hay ở các khu vực khác dự kiến quy hoạch sân bay chỉ mới dừng lại ở mức chủ trương. Bên cạnh đó, việc thị trường bất động sản tại đó có tăng giá hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như diễn biến kinh tế vĩ mô, tín dụng… Tuy nhiên tất cả những yếu tố này có hoặc không ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản.
“Với giả định là sân bay sẽ được hoàn thành, theo một góc nhìn thực tế thì việc này cần ít nhất 5-7 năm để hoàn thành kế hoạch và được phê duyệt và xây dựng sẽ mất thêm 3-5 năm nữa. Như vậy là từ lúc khảo sát đến lúc khánh thành thì cũng gần 10 năm nếu mọi việc diễn ra thuận lợi. Tuy nhiên, để vận hành trơn tru và thật sự thu hút đầu tư đáng kể thì cần 5-10 năm nữa”, TS. Sử Ngọc Khương nói.
Hiện nay tại Việt Nam có tới 22 sân bay dân sự, trong số đó có 13 sân bay nội địa và 9 sân bay quốc tế. Tuy nhiên chỉ mới có 6/22 sân bay đang hoạt động có lãi dựa theo báo cáo của ACV. Vì thế, việc có sân bay tại địa phương không phải là yếu tố chính để thu hút đầu tư. Những yếu tố quan trọng hơn trong việc gia tăng giá trị bất động sản và tạo sức hút trên thị trường bao gồm đầy cung cấp đầy đủ các tiện ích xã hội như trường học bệnh viện, giao thông thuận lợi và cơ hội nghề nghiệp...
Quy hoạch cần rõ ràng, người dân phải tỉnh táo
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng để tránh tình trạng sốt đất ảo, cơ quan chức năng cần đưa ra thông tin quy hoạch chính xác.
Dẫn lại các ví dụ sốt ảo nhiều năm trước khi công bố đề xuất quy hoạch lên quận với H.Hóc Môn, Bình Chánh (TP.HCM) hay đề án quy hoạch TP mới Nhơn Trạch (năm 2017 - 2018), theo ông Châu, điều này cũng tương tự với các thông tin về đề xuất bổ sung quy hoạch sân bay của các địa phương, dù mới ở dạng ý tưởng, chủ trương hay đề xuất nhưng đã tạo các cơn sốt đất ảo.
“Trục lợi trong những cơn sốt ảo này chủ yếu là giới đầu nậu, cò đất, một số công ty bất động sản. Người thiệt hại là nông dân bán đất giá rẻ, là các nhà đầu tư thứ cấp ôm đất với giá cao, tán gia bại sản. Lời khuyên của chúng tôi là người dân phải tỉnh táo và cân nhắc với những khu đất sốt mà không phải đất ở”, ông Châu nói.
Ông cũng khuyến nghị cơ quan chức năng và các địa phương khi công bố quy hoạch phải nói rõ mục tiêu thực hiện trong bao nhiêu năm, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn, để người dân nắm rõ, tránh “sập bẫy” đầu nậu. Với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm, cần xử lý nghiêm và có thông tin chính thức nhanh chóng đến người dân để dẹp tan sốt ảo.
Hoài Thu