Sai phạm trong khai thác, cấp quyền khai thác khoáng sản diễn ra tại nhiều địa phương (Bài 2)
Thời gian qua, nhiều sai phạm trong việc khai thác, cấp quyền khai thác khoáng sản ở nhiều địa phương bị phát hiện và xử lý, nguyên nhân một phần đến từ việc thiếu quản lý, giám sát từ các cơ quan có thẩm quyền.
Liên quan đến đường dây khai thác cát lậu, nhiều lãnh đạo tỉnh An Giang vướng vào vòng lao lý
Ngày 4/3/2024, tại kỳ họp thứ 18, các đại biểu HĐND tỉnh An Giang đã bỏ phiếu bãi nhiệm chức danh Chủ tịch tỉnh An Giang với ông Nguyễn Thanh Bình. Cùng bị bãi nhiệm còn có ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Trước đó, cả hai bị bắt và khai trừ Đảng do liên quan đến đường dây khai thác cát lậu.
Theo đó, vào cuối năm 2023, ông Bình bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, liên quan trong vụ án Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang và các đơn vị liên quan.
Ông Bình được xác định đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp, chỉ đạo giúp Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 được cấp phép thăm dò, khai thác, điều chỉnh trữ lượng, công suất và khai thác trái quy định của pháp luật tại mỏ cát xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang); thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Liên quan vụ án này, trước đó Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) đã khởi tố ông Trần Anh Thư, với cáo buộc nhận hối lộ 1,2 tỷ đồng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác cát vượt công suất. Ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, cũng bị cáo buộc tội Nhận hối lộ.
Hiện, CO3 đã ra quyết định khởi tố 22 người, trong đó có 7 cựu cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang và Trung tâm quan trắc, bị điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thành công vụ.
Ông Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Trung Hậu 68, bị điều tra tội Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, Đưa hối lộ và In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.
Theo điều tra ban đầu, Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác hơn 1,5 triệu m3 cát cung cấp cho 4 công trình thuộc Dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông. Mỏ cát nằm trên xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới. Lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, Lê Quang Bình đã chỉ đạo khai thác tới hơn 4,7 triệu m3 cát, trị giá tạm tính 253 tỷ đồng.
Theo cáo buộc, công ty bỏ ngoài sổ sách không khai báo và nộp nghĩa vụ tài chính với số cát khai thác vượt giấy phép 3,2 triệu m3 này. Để tiêu thụ số cát khai thác trái phép thu lời bất chính, ông Bình cùng đồng phạm thông qua các công ty trung gian do mình thành lập để quản lý mua hóa đơn đầu vào khống. Số tiền thu được, Bình khai chi cho một số cán bộ.
Nhiều vi phạm liên quan đến việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho dự án Cam Lộ - La Sơn
Tại kết luận thanh tra 1948/TB-TTCP công bố vào cuối tháng 8/2023, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cung cấp cho Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn (thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020).
Trong đó tại tỉnh Quảng Trị, Thanh tra Chính phủ cho biết, các cơ quan chức năng của tỉnh này chưa thực hiện triệt để Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ về ưu tiên trong việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Ngoài ra, việc phê duyệt bổ sung quy hoạch đối với một số mỏ khoáng sản và mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn khi chưa lấy ý kiến tham gia của các bộ ngành theo quy định; ban hành các quyết định khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản không đúng tiêu chí quy định; cấp phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp không có trong quy hoạch, không làm các thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Công ty Cổ phần Thiên Tân - đại diện Liên danh Công ty Cổ phần Thiên Tân và Công ty Cổ phần Tân Hưng chưa nộp hồ sơ đóng cửa mỏ đá khối A - Tân Lâm, xã Cam Thành theo quy định của Luật Khoáng sản; Công ty Cổ phần Thiên Tân khai thác vượt công suất tại mỏ đá vôi khối B - Tân Lâm, xã Cam Tuyền; một số mỏ đã hết thời hạn theo giấy phép, nhưng chậm làm thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường; cho phép 3 hộ gia đình cải tạo, hạ độ cao đối với đất nông nghiệp và sử dụng đất làm vật liệu san lấp công trình, không đúng quy định; Công ty TNHH xây dựng số 9 chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, phí bảo vệ môi trường tại mỏ cát, sỏi lòng sông Đắkrông…
Cùng với đó, một số mỏ đã hết thời hạn theo giấy phép nhưng chậm làm thủ tục đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường; cho phép 3 hộ gia đình cải tạo, hạ độ cao đối với đất nông nghiệp và sử dụng đất làm vật liệu san lấp công trình, là không đúng với quy định Luật Khoáng sản.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng việc cho phép Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1/5 tiến hành khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (mỏ đất tại thôn Phường Hóp) khi chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chưa được thuê đất, chiếm đất rừng sản xuất; chưa có hướng xử lý, kiểm soát khối lượng khai thác tồn kho đối với mỏ được phép nâng công suất khai thác theo Nghị quyết số 60/NQ-CP và số 133/NQ-CP của Chính phủ (mỏ đá Khe Phèn của Cty TNHH Coxano Hương Thọ).
Việc kiểm tra, giám sát, bổ sung giá đất đắp nền đường khi có thông tin về giá vật liệu đất đắp được bán với giá cao hơn giá được công bố chưa được thực hiện; thông báo giá vật liệu đất san lấp chung cho các mỏ cấp phép thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và các mỏ cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản; chưa chỉ đạo thông báo giá vật liệu đất đắp K95, K98 để quản lý giá vật liệu đất đắp cung cấp cho dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Trong kết luận, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo xem xét trách nhiệm với các tổ chức, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm đối với các mỏ đã hết hạn theo giấy phép khai thác nhưng chưa làm thủ tục đóng cửa và cải tạo phục hồi môi trường.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát sản lượng khai thác vật liệu xây dựng cung cấp cho các dự án đầu tư công trên địa bàn, trong đó có cung cấp cho cao tốc Cam Lộ - La Sơn; xử lý dứt điểm khối lượng khai thác tồn kho đối với mỏ đá Khe Lèn.
Nhiều lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên dính án tù trong vụ khai thác 3 triệu tấn than lậu
Chiều ngày 27/10/2023, sau 10 ngày xét xử và 1 tuần nghị án, HĐXX sơ thẩm TAND tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra phán quyết đối với 33 bị cáo trong vụ án khai thác trái phép hơn 3 triệu tấn than, tại Mỏ than Minh Tiến (huyện Đại Từ, Thái Nguyên).
Theo đó, HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Châu Thị Mỹ Linh (SN 1970, cựu Giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước) 4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”, quy định tại khoản 2 Điều 227, Bộ luật Hình sự và 15 năm tù về tội “Mua bán trái phép vật liệu nổ”, quy định tại khoản 4 Điều 305 Bộ luật Hình sự. Tổng hình phạt bị cáo Châu Thị Mỹ Linh phải chịu là 19 năm tù. Ngoài ra, bị cáo này còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là 200 triệu đồng.
Cùng các tội danh trên bị cáo Ngụy Quang Thuyên (SN 1968, nhân viên Công ty cổ phần Yên Phước, quản lý tại Mỏ than Minh Tiến; em chồng của bị cáo Linh) 3 năm tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và 15 năm tù về tội “Mua bán trái phép vật liệu nổ”, tổng hình phạt là 18 năm tù. Ngoài ra, bị cáo Thuyên còn bị phạt bổ sung 50 triệu đồng.
Bị cáo Doãn Thị Định (SN 1987, kế toán Công ty Yên Phước) và bị cáo Đỗ Thị Luyến (nhân viên Công ty Yên Phước) lần lượt bị tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù và 5 năm tù về cùng 2 tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và “Mua bán trái phép vật liệu nổ”.
Cặp bị cáo song sinh từng được mệnh danh “đại gia” lan đột biến Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang (SN 1989, cùng thành viên góp vốn điều hành Công ty Đông Bắc Hải Dương) bị tuyên phạt lần lượt là 3 năm tù và 3 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” và “Mua bán trái phép hóa đơn”. Ngoài ra, mỗi bị cáo còn bị phạt bổ sung 200 triệu đồng.
Đối với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, 4 bị cáo nguyên là lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên gồm: Nguyễn Thanh Tuấn (cựu Giám đốc Sở) bị tuyên phạt 3 năm tù; Nguyễn Thế Giang (cựu Phó Giám đốc Sở) bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù; Cao Sỹ Linh (cựu chuyên viên Phòng Khoáng sản) và Lại Trung Hiếu (cựu Phó Chánh Thanh tra Sở) cùng phải chịu mức án 3 năm tù.
Đối với tội danh tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, nhóm 3 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên, gồm: Nguyễn Ngô Quyết (cựu Giám đốc Sở) bị tuyên phạt 13 tháng 26 ngày tù giam, bằng thời gian đã bị tạm giam; Đỗ Huy Cương và Nguyễn Văn Phong (cựu Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn môi trường) cùng phải chịu mức án 16 tháng tù.
20 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 9 tháng tù (cho hưởng án treo) đến 4 năm 6 tháng tù giam.
Về dân sự, Tòa buộc hai doanh nghiệp là Công ty cổ phần Yên Phước và Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương, cùng nhóm bị cáo liên đới khắc phục hơn 350 tỷ đồng.
Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2014, Công ty Yên Phước được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại mỏ than Minh Tiến thuộc huyện Đại Từ, thời hạn khai thác đến năm 2031 với tổng trữ lượng được phép là hơn 136.000 tấn, công suất 8.500 tấn/năm.
Sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng, từ năm 2018, Công ty Yên Phước khai thác than bằng hình thức lộ thiên.
Chưa đầy một năm sau (đầu năm 2019), Châu Thị Mỹ Linh đã "bán cái" toàn bộ việc khai thác tại mỏ than Minh Tiến cho Công ty Đông Bắc Hải Dương của hai anh em Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang.
Hai anh em song sinh này đã mua lại toàn bộ máy móc, thiết bị khai thác than của Công ty Yên Phước với giá 15 tỷ đồng.
Công ty Đông Bắc Hải Dương sẽ trực tiếp khai thác than tại mỏ với công suất tối thiểu 400.000 tấn/năm (gấp 47 lần trữ lượng được cấp phép), và trả lợi nhuận cho Công ty Yên Phước với mức giá 150.000 đồng/tấn than, 90.000 đồng/tấn bã sàng, 50.000 đồng/m3 đá đen.
Kết quả điều tra xác định từ tháng 7/2018 đến tháng 8/2021, nhóm của Thanh và Giang đã khai thác hơn 3 triệu tấn than lậu cùng khoáng sản đi kèm, trong đó có 2,7 triệu tấn than và 420.000m3 bã sàng cùng đá đen.
Kết quả điều tra xác định hai anh em Thanh và Giang cùng nhóm thành viên góp vốn của Công ty Đông Bắc Hải Dương đã thu lời bất chính hơn 213 tỷ đồng từ việc điều hành đường dây khai thác cả triệu tấn than lậu trên.
Cáo trạng vụ án nêu rõ, để xảy ra việc khai thác trái phép than tại Mỏ than Minh Tiến của Công ty Yên Phước trong thời gian gian dài với số lượng rất lớn, gây thất thoát về tài nguyên, khoáng sản của Nhà nước có trách nhiệm của các cá nhân tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên trong việc thẩm định, cấp phép khai thác khoáng sản và thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản đối với Công ty Yên Phước. Việc mua bán trái phép vật liệu nổ có trách nhiệm của các cá nhân tại Sở Công thương tỉnh Thái Nguyên trong việc thẩm định, cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp cho Công ty Yên Phước.
(Còn nữa...)
Theo các chuyên gia, sau 14 năm thực thi Luật Khoáng sản 2010, nhiều nội dung, quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện.
Cụ thể, trong quá trình thực thi Luật Khoáng sản 2010 chưa quy định cụ thể việc liên doanh, liên kết trong hoạt động khai thác khoáng sản; chưa có quy định đồng bộ với pháp luật về đầu tư để kiểm soát khi có sự thay đổi về vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp đã được cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, điều này gây nên tình trạng bán lại dự án, thay đổi chủ đầu tư khó kiểm soát; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sau khi được cấp phép khai thác trong việc theo dõi, giám sát sản lượng khai thác thực tế,…
Đặc biệt, là trách nhiệm phối hợp quản lý khoáng sản khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố nhất là đối với hoạt động khoáng sản cát, sỏi lòng sông, đang đưa vấn đề này trở thành “điểm nóng” khi nạn cát tặc ở vùng giáp ranh lâu nay không thể kiểm soát. Chính từ những “lỗ hổng” này, nhiều tài nguyên khoáng sản bị thất thoát, đánh cắp và tình trạng vi phạm trong lĩnh vực khai thác, buôn bán tài nguyên, khoáng sản ngày một gia tăng.
Không chỉ vậy, có chuyên gia còn cho rằng chế tài và quy định pháp luật về xử phạt các hành vi vi phạm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép còn nhiều bất cập, chưa sát với thực tiễn, rất khó khăn cho việc xử lý hình sự các vụ việc vi phạm, mà chỉ dừng ở xử lý hành chính thì chưa đủ sức răn đe dẫn đến thực trạng, do lợi nhuận từ hoạt động khai thác trái phép cao, nên một bộ phận dân cư vẫn vi phạm pháp luật cho thuê đất, thuê rừng, thuê nhà để san gạt khai thác khoáng sản trái phép…
Vậy nên, theo các chuyên gia muốn giải quyết được những “lỗ hổng” trong quản lý khai thác khoáng sản, cần sớm rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý.
Xem bài viết: Khai thác, cấp quyền khai thác khoáng sản vẫn còn nhiều bất cập (Bài 1)