Thái Nguyên: Điểm tên 53 mỏ khoáng sản chưa hoàn thiện Giấy phép môi trường
Báo cáo giám sát của HĐND tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ rõ, đến cuối năm 2023 toàn tỉnh còn 53 mỏ khai thác, chế biến khoáng sản chưa hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của tỉnh.
Công tác bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực
Xác định kinh tế, xã hội và môi trường là ba trụ cột chính để phát triển bền vững, phấn đấu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội, những năm qua, cùng với việc duy trì nền kinh tế phát triển ổn định, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường.
Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu kiềm chế gia tăng ô nhiễm, khắc phục tình trạng suy thoái môi trường. Các chỉ tiêu về môi trường đô thị, nông thôn được cải thiện đáng kể, một số điểm ô nhiễm cao đã được quan tâm chỉ đạo xử lý dứt điểm. Tuy vậy vẫn có nơi để xảy ra tình trạng ô nhiễm kéo dài chưa được xử lý.
Gắn sản xuất với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.
Báo cáo kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giai đoạn 2017 -2022 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên của HĐND tỉnh cũng chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại về những vấn đề liên quan. Như mức độ quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường ở một số địa phương chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế; công tác phối hợp giữa một số cơ quan, đơn vị, địa phương cấp huyện có nơi, có lúc còn chưa kịp thời.
Năng lực đội ngũ làm công tác quản lý môi trường ở một số địa phương còn hạn chế; nhất là cán bộ làm việc ở cấp xã còn hoạt động kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên môn về lĩnh vực môi trường.
Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề về bảo vệ môi trường mặc dù ở cấp tỉnh đã được quan tâm tăng cường nhưng một số huyện, thành phố số lượng các cuộc kiểm tra còn ít, chủ yếu giải quyết các vụ việc phát sinh, việc xử lý vi phạm có lúc còn chưa kịp thời.
Một số cơ quan, địa phương chưa quan tâm, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện hình thức xử phạt bổ sung buộc khắc phục hành vì vì phạm theo quy định. Một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận nhân dân còn chậm được quan tâm giải quyết dứt điểm.
53 mỏ khoáng sản chưa hoàn thiện Giấy phép môi trường
Theo báo cáo đến cuối năm 2023 toàn tỉnh còn 53 mỏ khai thác, chế biến khoáng sản chưa hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền của tỉnh.
Về Giấy phép môi trường, các doanh nghiệp phải hiểu rằng Giấy phép sẽ có thời hạn từ 7 - 10 năm chứ không phải là vô thời thạn. Vì vậy doanh nghiệp cần phải lưu ý để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và sản xuất cho phù hợp.
Nhiều đơn vị tên tuổi như: Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác quặng sắt khu Hòa Bình của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên;Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác vàng sa khoáng Khắc Kiệm của Công ty CP Đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long; 3 Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác mỏ đá vôi thuộc huyện Đồng Hỷ của Công ty Cổ phần Kim Sơn...
Một số mỏ thuộc các đơn vị như HTX công nghiệp và vận tải Chiến Công; Công ty CP đầu tư thương mại Thủ đô gió ngàn; Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên; Khoáng sản và công nghiệp Cao Bằng… cần hoàn thiện giấy phép môi trường
Theo thống kê, toàn tỉnh có 27 đơn vị cần tiếp tục hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động và liên tục, trong đó có 16 cơ sở liên quan đến nước thải và 11 cơ sở liên quan đến khí thải.
Tại “Hội thảo nâng cao hiệu quả thực thi luật Bảo vệ môi trường 2020” do Viện Chính sách Kinh tế Môi trường thuộc Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tổ chức. Ông Nguyễn Xuân Quang, Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường cho biết, theo quy định, UBND tỉnh phê duyệt ĐTM cho doanh nghiệp thì cơ quan này cũng sẽ chịu trách nhiệm cấp GPMT. Trong quá trình xin GPMT thì cơ quan quản lý có trách nhiệm theo dõi quá trình vận hành thí điểm. Nếu trong quá trình vận hành của doanh nghiệp đạt các tiêu chuẩn liên quan đến việc cấp GPMT thì cơ quan quản lý sẽ cấp GPMT theo đúng quy định.
Trong trường hợp doanh nghiệp thuê lại dự án để hoạt động mà không có dự án mới thì toàn bộ trách nhiệm liên quan đến môi trường sẽ thuộc về cá nhân, tổ chức đứng tên trong hồ sơ môi trường của dự án cũ. Nếu doanh nghiệp thuê lại dự án mà lập dự án riêng và thực hiện các thủ tục liên quan đến môi trường thì doanh nghiệp thuê lại sẽ phải chịu trách nhiệm nếu phát sinh các vấn đề liên quan đến môi trường.
Nguyên Mạnh