Rừng Amazon những ngày chìm trong biển lửa
Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia (INPE) của Brazil cho biết, số vụ cháy ở Amazon của Brazil trong tháng 9 năm nay đã tăng vọt 61% so với cùng kì năm ngoái.
AFP dẫn nguồn tin công bố ngày 1/10 của Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia (INPE) của Brazil cho biết, hình ảnh vệ tinh chỉ ra số vụ cháy trong tháng 9 năm nay đã tăng vọt 61% so với cùng kì năm ngoái.
Các vệ tinh đã phát hiện 32.017 đám cháy vào tháng 9 ở Amazon, so với 19.925 đám cháy trong cùng kì năm 2019.
Trong chín tháng đầu năm, tổng số vụ cháy đã tăng 14% so với cùng kỳ năm 2019, INPE thông tin.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc, Tổng thống Jair Bolsonaro cho biết Brazil "kiên định trong cam kết phát triển bền vững và bảo tồn môi trường quý giá của chúng tôi".
Tại Pantanal - vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới - số vụ cháy đã tăng gần gấp ba lần lên 8.106 vụ, khiến tháng 9 năm 2020 trở thành tháng tồi tệ nhất kể từ khi INPE bắt đầu tổng hợp số liệu thống kê về các đám cháy vào năm 1998.
Bà Christiane Mazzetti thuộc tổ chức Hòa bình Xanh trong một tuyên bố đã nói rằng: "Brazil đang chìm trong biển lửa. Từ Amazon đến Pantanal, di sản môi trường của tất cả người dân Brazil đang bị biến thành tro bụi
Đó là hệ quả từ chính sách của chính phủ ông Bolsonaro, vì mặc dù đã dự báo về hạn hán ở Pantanal, nhưng đã không triển khai các phương tiện phòng cháy chữa cháy cần thiết''.
Làm phá vỡ vòng tuần hoàn tự nhiên
Các nhà khoa học cũng lo sợ nếu tình trạng mất rừng tại Amazon vẫn cứ tiếp diễn, có thể đẩy tới mức cực đoan, hay còn gọi là "điểm bùng phát" (tipping point), mà sau đó toàn bộ khu vực này sẽ bước vào giai đoạn biến đổi từ rừng nhiệt đới thành rừng xavan (chỉ gồm cỏ, cây bụi và rất ít cây lớn).
Nhà khoa học khí hậu Brazil, ông Carlos Nobre, tin rằng có tới 15-17% toàn bộ diện tích rừng Amazon đã bị phá hủy. Thoạt đầu, giới khoa học cho rằng điểm bùng phát sẽ xảy ra khi tỉ lệ này là 40%.
Tuy nhiên điều đó đã thay đổi cùng với tình trạng nhiệt độ trái đất tăng lên, nhiệt độ tại khu vực Amazon cũng tăng lên, kèm theo đó là số vụ cháy rừng cũng tăng. Vì thế, chuyên gia Nobre ước tính điểm bùng phát có thể xảy tới khi tỉ lệ mất rừng Amazon là 20-25%.
Và khi kịch bản tồi tệ nhất này xảy ra, khoảng 20 tỉ tấn carbon dioxide sẽ bị thải vào không khí, theo ông Nobre, khiến cho toàn nhân loại khó có cách nào duy trì được mức nhiệt tăng lên toàn cầu trong giới hạn từ 1,5 - 2 độ C, một giới hạn để tránh những ảnh hưởng tồi tệ của biến đối khí hậu.
Minh Phương