Rác thải nhựa sẽ nhiều hơn cá trong đại dương vào năm 2050
Rác thải nhựa được dự báo sẽ nhiều hơn so với cá trong các đại dương vào giữa thế kỷ này.
Rác thải nhựa đang gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe các sinh vật biển do mắc vào lưới, ngư cụ. |
Theo một báo cáo của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) được công bố tháng 2/2020, ước tính khoảng 60% trong số 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ vào các đại dương mỗi năm đến từ Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Báo cáo này phát hiện nhóm 6 nước trong diện khảo sát đã sử dụng đến 27 triệu tấn bao bì nhựa trong năm 2016. Trong đó, Malaysia đứng đầu danh sách những quốc gia tiêu thụ bao bì nhựa bình quân đầu người mỗi năm, vào khoảng 16,8kg, kế đến là Thái Lan với 15,5kg.
Trên toàn cầu, theo thống kê, mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó có 13 triệu tấn rác thải nhựa, trôi nổi trên các đại dương. Rác thải nhựa đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Có rất nhiều người biết đến và quen thuộc với sự tiện dụng của nhựa dùng 1 lần hay túi nilon, nhưng điều nhiều người không biết là đa số rác thải nhựa này đều rất khó phân hủy. Ví như với túi nilon là 15-20 năm, cốc nhựa khoảng nửa thế kỷ, trong khi chai nhựa đựng hóa chất phải tới hàng trăm năm để phân hủy… Không chỉ khó phân hủy trên mặt đất, theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), mỗi năm có 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương. Nếu tình trạng này kéo dài, đến năm 2050, rác thải nhựa được dự báo sẽ nhiều hơn so với cá trong các đại dương. Thậm chí, nhiều loại cá sẽ bị chết do nuốt phải các loại rác thải nhựa và không thể tiêu hóa.
Rác thải nhựa được dự báo sẽ nhiều hơn so với cá trong các đại dương vào giữa thế kỷ này. |
Giới chuyên gia nhận định trong khi nhiều quốc gia ở châu Á có nền kinh tế và dân số phát triển với tốc độ nhanh chóng, và những dải bờ biển kéo dài chứa nhiều thành phố đông dân, nhưng dịch vụ và cơ sở hạ tầng thu gom rác hầu như không theo kịp với đà tăng trưởng quá nhanh này.
Điều phối viên Thomas Schuldt của WWF kêu gọi các chính phủ ở châu Á hãy áp dụng các chính sách hạn chế rác thải nhựa dùng một lần, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp và những tổ chức môi trường để có biện pháp khuyến khích giảm bao bì nhựa trong hoạt động kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về giảm rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có định hướng xây dựng kế hoạch hành động giảm rác thải nhựa cho ngành thủy sản.
Cụ thể, đến năm 2025, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học chuyên sâu phục vụ quản lý rác thải nhựa đại dương; tạo đột phá trong nhận thức của toàn xã hội về sử dụng các sản phẩm nhựa. Giảm thiểu 50% rác thải nhựa địa phương; 50% ngư cụ đánh bắt cá bị mất hoặc bị vứt bỏ sẽ được thu gom; 80% các khu du lịch, dịch vụ ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dụng một lần và túi nilon khó phân huỷ…
Tiến đến năm 2030, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; Giảm thiểu 75 % rác thải nhựa đại phương; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa…
Mai Anh