Thứ sáu, 27/12/2024 03:22 (GMT+7)
Chủ nhật, 27/09/2020 07:35 (GMT+7)

Quyết tâm ở mức cao nhất!

Theo dõi KTMT trên

Thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW và triển khai Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội, Chính phủ đã quyết tâm ở mức cao nhất thực hiện nhiệm vụ Quốc hội giao để triển khai khởi công xây dựng đồng loạt 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam tuyến phía Đông bằng nguồn vốn đầu tư công vào ngày 30/9 tới đây. Ba dự án nêu trên khi khởi công sẽ thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công giúp tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người lao động trong bối cảnh Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Quyết tâm ở mức cao nhất! - Ảnh 1
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông (đứng) chủ trì họp báo cung cấp thông tin cho báo chí về việc khởi công 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông. (Ảnh: VGP/Phan Trang)

Sáng 26/9, Bộ GTVT phối hợp Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức họp báo cung cấp thông tin cho báo chí về việc khởi công 3 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông được xây dựng bằng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước. Chủ trì buổi họp báo là Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông.

Khởi công đồng loạt 3 dự án

Ngay sau khi Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam từ phương thức đối tác công-tư (PPP) sang đầu tư công, ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP về việc triển khai Nghị quyết số 117/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 về chủ trương đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Chính phủ thông qua đề xuất của Bộ GTVT để triển khai 3 dự án thành phần là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được Quốc hội thống nhất đồng ý chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức PPP sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang phương thức đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư. Theo đó, 3 dự án nêu trên sẽ khởi công đồng loạt vào ngày 30/9 tới đây và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng chậm nhất vào cuối năm 2022 - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.

“Đây là dự án được Bộ GTVT xác định mục tiêu phải đẩy nhanh mọi thủ tục đầu tư để đáp ứng tiến độ khởi công theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ. Để khởi công được 3 dự án cùng ngày, Bộ GTVT đã khẩn trương hoàn thành các thủ tục chuyển đổi phương thức đầu tư trong thời gian sớm nhất, công tác giải phóng mặt bằng cũng được thực hiện nhanh với phần diện tích cần giải phóng mặt bằng là lớn nhất. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, Bộ GTVT khởi công 3 dự án giao thông lớn vào cùng một ngày”, Thứ trưởng nói.

Chia sẻ thêm, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay, để đảm bảo tiến độ, ngay thời điểm Chính phủ đề xuất Quốc hội chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 3 dự án (tháng 5/2020), Bộ GTVT đã chủ động lên kế hoạch, huy động đội ngũ cán bộ chủ chốt, có kinh nghiệm của các cơ quan đơn vị tham mưu, các Ban QLDA tập trung thời gian, kể cả ngày nghỉ và ngoài giờ, khẩn trương rà soát, chuẩn bị điều chỉnh các hồ sơ, thủ tục liên quan.

"Ngay sau khi Quốc hội, Chính phủ thống nhất chuyển đổi phương thức đầu tư, Bộ GTVT đã kịp thời thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế kỹ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu các gói thầu thuộc dự án đảm bảo tuân thủ trình tự và quy định pháp luật về quản lý dự án đầu tư xây dựng, pháp luật về đấu thầu", Thứ trưởng cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT chỉ đạo Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 7, ngay sau khi mở thầu, tập trung đánh giá Hồ sơ dự thầu để lựa chọn được nhà thầu đáp ứng được yêu cầu theo đúng quy định của pháp luật và của hồ sơ mời thầu.

“Đến thời điểm hiện nay, cả 3 dự án đã đủ điều kiện để khởi công xây dựng theo đúng quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thông tin.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhận định, cả 3 dự án được ưu tiên lựa chọn để chuyển đổi đầu tư từ phương thức PPP sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn Ngân sách nói trên khi hoàn thành, đưa vào khai thác vào năm 2022 sẽ từng bước hình thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải, phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển GTVT; sẽ rút ngắn hành trình trên trục Bắc – Nam; khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên QL1A; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị các tỉnh Nam Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

“Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID đang ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế thế giới nói trung và Việt Nam nói riêng, việc xây dựng 3 dự án giao thông lớn bằng vốn đầu tư công giúp giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực phát triển kinh tế, tạo công việc cho người dân và để giao thông có thể “đi trước mở đường” cho phát triển kinh tế đất nước”, Thứ trưởng nói.

Giải phóng mặt bằng được xác định là khâu then chốt quyết định tiến độ của các dự án.

Quyết tâm ở mức cao nhất! - Ảnh 2
Giải phóng mặt bằng được xác định là khâu then chốt quyết định tiến độ của các dự án.

Tăng năng lực vận tải trục Bắc-Nam

Trao đổi với các cơ quan báo chí về hiệu quả thực tế của dự án khi hoàn thành, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ đối tác công-tư (PPP) cho biết, hiện nay trên QL1 có tới hơn 800 km đi qua khu dân cư khiến cho tuyến đường này giảm năng lực đáng kể. Tốc độ hiện tại trên tuyến QL1 khoảng 40-60 km/h, xe máy và xe thô sơ đi chung khiến cho việc lưu thông bị hạn chế, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn giao thông.

“Cao tốc Bắc-Nam khi hình thành sẽ song hành với QL1, với tốc độ thiết kế đạt 80-120 km/h, không đi lẫn với các phương tiện xe máy, xe thô sơ, không có giao cắt đồng mức… nên năng lực thông hành sẽ được nâng đáng kể, phát huy hiệu quả đầu tư của tuyến giao thông huyết mạch quan trọng này”, ông Lê Kim Thành nói.

Phân tích rõ hơn về hiệu quả toàn tuyến cao tốc Bắc-Nam, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, cao tốc Bắc-Nam khi được hoàn thành sẽ đáp ứng “đa mục tiêu”.

“Hành lang Bắc-Nam là hành lang quan trọng nhất của giao thông vận tải. Với 5 phương thức vận tải hiện nay gồm: Đường sắt, đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường thuỷ nội địa thì tỉ trọng hàng hoá lưu thông trên đường bộ đang chiếm tới hơn 70%, lượng hành khách hơn 90%. Do vậy, việc phát triển đường bộ cao tốc là thực tế khách quan. Bên cạnh đó, cao tốc Bắc-Nam song song với trục hiện hữu QL1 sẽ góp phần giải toả cho tuyến quốc lộ này, nâng cao tốc độ lưu hành, đảm bảo an toàn giao thông, phát triển không gian đô thị…”, Thứ trưởng cho biết.

Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) toàn dự án, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng thông tin: dự án đi qua nhiều địa phương, phạm vi GPMB lớn nên trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần có sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành và sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương. Hiện dự án đã bàn giao hoặc đủ điều kiện bàn giao 91,3% chiều dài tuyến. Giá trị giải ngân đến nay là 4.392,7 tỉ/6.052,19 tỉ, đạt 72,6%.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho biết, hiện tiến độ xây dựng các khu tái định cư chưa đảm bảo, hiện mới đạt khoảng 50% khối lượng. Tiến độ thực hiện công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật rất chậm, hiện công tác di dời đường điện mới đạt khoảng 10,8% khối lượng, di dời đường ống nước các loại đạt khoảng 14,3% khối lượng, di dời đường cáp viễn thông đạt khoảng 12,6% khối lượng.

“Để đảm bảo tiến độ hoàn thành công tác GPMB, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1244/CĐ-TTg ngày 15/9/2020 chỉ đạo các địa phương, các chủ sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật phải bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý III/2020.

Bộ GTVT hiện đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh công tác GPMB, các địa phương đều cam kết đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo mục tiêu bàn giao mặt bằng sạch toàn dự án trong Quý III/2020”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - QL45 đi qua địa phận 2 tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa có chiều dài tuyến khoảng 63,37 km, trong giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe hạn chế; tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 12.111 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.684 tỉ đồng.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận có chiều dài 100,8 km; trong giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 4 làn xe hạn chế với tổng mức đầu tư giai đoạn là 10.853.800 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.210 tỉ đồng.

Dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua địa phận 2 tỉnh: Bình Thuận và Đồng Nai có chiều dài khoảng 99 km; giai đoạn 1 xây dựng theo quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư điều chỉnh là 12.577,487 tỉ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 7.201 tỉ đồng.

Phan Trang

Bạn đang đọc bài viết Quyết tâm ở mức cao nhất!. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Việt Nam đã thành công trong năm 2024
Trong suốt năm 2024 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với nhiều thách thức bắt nguồn từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu, thời tiết bất lợi và tác động của biến đổi khí hậu. Dù vậy, Việt Nam kiên cường vượt qua để tăng trưởng nhanh nhất khu vực.