Quý I, TP.HCM sẽ chạy thí điểm xe buýt điện
UBND TP.HCM vừa chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông vận tải thành phố cho thí điểm hoạt động 5 tuyến xe buýt điện trong quý I/2022.
Theo văn bản gửi Sở Giao thông vận tải TP.HCM do Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Hòa Bình ký ngày 14/2, thời gian thực hiện thí điểm 24 tháng kể từ khi các tuyến xe buýt điện bắt đầu hoạt động.
Trong thời gian thí điểm, Sở Giao thông vận tải thực hiện đặt hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt dùng nhiên liệu sạch (CNG). Tỷ lệ trợ giá/chi phí trong thời gian thí điểm là 44,1%, được xem xét điều chỉnh theo quy định sau khi Bộ định mức kỹ thuật, đơn giá xe buýt điện được UBND thành phố ban hành. Kinh phí trợ giá là từ nguồn vốn sự nghiệp. Dự kiến thời gian khai thác tuyến buýt đầu tiên là quý I/2022.
UBND TP.HCM cũng giao Sở Giao thông vận tải cân nhắc việc áp dụng công nghệ, phương án bán vé, thu phí xe buýt điện để tạo thuận tiện cho người dân và dễ kiểm soát doanh thu để làm căn cứ điều chỉnh chính sách hỗ trợ. Sau giai đoạn thí điểm sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá để đề xuất triển khai các bước tiếp theo trong công tác đấu thầu hoặc đặt hàng phù hợp với thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố…
Giá vé xe buýt điện bằng với giá vé các tuyến xe buýt có trợ giá của thành phố (từ 5.000 đồng đến 7.000 đồng/vé tùy tuyến).
Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM cho biết, trên 5 tuyến sẽ có khoảng 77 xe được đầu tư, mỗi xe 65-70 chỗ, chạy bằng điện; hoạt động 5-21 giờ mỗi ngày
5 tuyến xe buýt điện có trợ giá hoạt động trong quý I như sau:
Tuyến xe buýt điện: VinHome Grand Park-Trung tâm thương mại Emart.
Tuyến xe buýt điện: VinHome Grand Park-Sân bay Tân Sơn Nhất.
Tuyến xe buýt điện: VinHome Grand Park-Bến xe buýt Sài Gòn.
Tuyến xe buýt điện: VinHome Grand Park-Bến xe Miền Đông mới.
Tuyến xe buýt điện: Bến xe Miền Đông mới-Khu đô thị Đại học Quốc Gia.
Trước đó, TP.HCM đã thí điểm ba tuyến buýt điện loại 12 chỗ do doanh nghiệp là Công ty Cổ phần tập đoàn Mai Linh và Công ty TNHH quản lý và kinh doanh bất động sản Phố Cảnh khai thác, giá 12.000 đồng mỗi lượt, phục vụ khách tham quan, dân cư ở quận 1 và khu Phú Mỹ Hưng, quận 7.
Hiện nay, TP.HCM có 126 tuyến xe buýt, gồm 90 tuyến có trợ giá và 36 tuyến không trợ giá. Trong những năm qua, thành phố đã trợ giá trung bình 1.000 tỉ đồng/năm cho xe buýt.
PGS.TS Nguyễn Xuân Mai tại Đại học Bách khoa HCM cho rằng: “Nếu như so sánh với xe buýt nhanh BRT hay tàu điện ngầm thì chi phí đầu tư cho xe buýt chạy điện sẽ rẻ hơn rất nhiều. Cụ thể, chi phí đầu tư/km của xe buýt chạy điện chỉ khoảng từ 2,346 triệu USD/km. Mức phí này bằng 1/4 so với xe buýt nhanh BRT và nó bằng 2,93 – 4,26% mức đầu tư cho hệ thống tàu điện ngầm (khoảng 150 triệu USD/km).
Hơn nữa, cách thức để phát triển một hệ thống giao thông công cộng là đi từ xe buýt, xe buýt chạy điện, tàu điện rồi mới đến tàu điện ngầm. Vì thế thành phố nên ưu tiên phát triển những loại hình xanh và sạch, chẳng hạn đối với xe buýt thì nên ưu tiên xe chạy điện, chạy khí CNG.... Trong đó, khả năng ứng dụng xe buýt chạy điện là rất khả thi, nhất là cho hệ thống xe buýt nhanh”.
Thứ hai, xe buýt chạy điện giúp làm giảm ô nhiễm tiếng ồn, môi trường. Vận tốc và thời gian hành trình của xe buýt điện tốt hơn so với xe buýt Diesel. Cho nên thời gian chiếm chỗ trên đường của xe buýt điện cũng giảm xuống, điều này đã giúp làm giảm bớt được tình trạng ùn tắc giao thông. Không những vậy, do sử dụng năng lượng điện, vì thế tiếng ồn phát ra từ động cơ của xe buýt chạy điện gần như không có. Tức là xe buýt điện còn góp phần làm giảm được tình trạng ô nhiễm tiếng ồn.
Hà Lan (T/h)