Thứ hai, 25/11/2024 09:20 (GMT+7)
Thứ ba, 02/05/2023 17:10 (GMT+7)

Quốc tế khâm phục tư tưởng Hồ Chí Minh về chống phân biệt chủng tộc

Theo dõi KTMT trên

Theo nhiều học giả quốc tế, các tác phẩm về phân biệt chủng tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất mô phạm, mang tính giáo dục cao cho thấy tư tưởng sáng ngời của Người về đấu tranh cho công bằng, bác ái.

Chuyên gia Luis Silva, người hiệu đính cuốn sách tiếng Anh ''Hồ Chí Minh: Chủng tộc da đen và các tác phẩm chọn lọc về phân biệt chủng tộc'' của Giáo sư Nguyễn Đài Trang, luôn mong muốn phổ biến đến bạn bè quốc tế những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Suy nghĩ "các tác phẩm của Hồ Chí Minh phải được chuyển tải sang tiếng Anh để các thế hệ tương lai có thể tiếp cận được" là tâm huyết được ấp ủ suốt nhiều năm qua của chuyên gia về quan hệ chính phủ này.

Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết trong suốt những năm 1920 về những bất công đối với người da đen. Trong số các tác phẩm nổi tiếng của Hồ Chí Minh có La Race Noire ("Chủng tộc da đen") năm 1925, tuyển tập 13 bài viết bằng tiếng Pháp về chủ đề này.

Quốc tế khâm phục tư tưởng Hồ Chí Minh về chống phân biệt chủng tộc - Ảnh 1
Nội dung các bài viết về nạn phân biệt chủng tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được các diễn giả thảo luận sôi nổi tại hội thảo. (Ảnh: Trung Dũng/TTXVN)

Năm 1924, Hồ Chí Minh viết “Đoàn kết giai cấp,” một câu chuyện có thật về phiên tòa xét xử José Léandro da Silva, một thủy thủ da đen ở Brazil, người bị bắt trong một cuộc bãi công ở Rio de Janeiro và bị phán quyết 30 năm tù giam.

Được đăng lần đầu trên tờ L’Humanité (Nhân đạo) của Pháp, “Đoàn kết giai cấp” được đăng bằng tiếng Bồ Đào Nha trên tờ O Paíz của Brazil hai tháng sau đó.

Đó là những thông tin đã được ông Luis Silva trình bày tại hội thảo với chủ đề "Hồ Chí Minh tại Brazil: Giải phóng người da đen và đoàn kết giai cấp" do Hội Canada-ASEAN Initiatives (Sáng kiến Canada-ASEAN) thuộc Trung tâm Nghiên cứu châu Á của Đại học York tổ chức ngày 11/2.

Quốc tế khâm phục tư tưởng Hồ Chí Minh về chống phân biệt chủng tộc - Ảnh 2
Ông Luis Silva, chuyên gia về quan hệ chính phủ, diễn giả chính tại hội thảo. (Ảnh: Trung Dũng/TTXVN)

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Canada, ông Luis Silva cho biết: "Tôi đã làm một nghiên cứu ở trường đại học về chiến tranh Việt Nam, và nhận ra rằng có nhiều chi tiết hơn về lịch sử Việt Nam và Hồ Chí Minh so với những gì hầu hết mọi người đã thấy hoặc nghe từ các phương tiện truyền thông.

Cách đây 5 năm, tôi đã hiệu đính cuốn sách của Giáo sư Nguyễn Đài Trang "Hồ Chí Minh: Những tác phẩm chọn lọc về hòa bình, dân chủ và bình đẳng giới." Đó là lúc tôi bắt đầu nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2020, tôi hiệu đính cuốn sách “Bài ca Hồ Chí Minh” của Nguyễn Đài Trang.

Năm 2021, sau cái chết của George Floyd ở Mỹ và phong trào Black Lives Matter (Quyền sống của người da màu), tôi đã hiệu đính cuốn: ''Hồ Chí Minh: Chủng tộc da đen và các tác phẩm chọn lọc về phân biệt chủng tộc." Từ đó, tôi phát hiện nhiều khía cạnh hấp dẫn trong các tác phẩm của Hồ Chí Minh mà chưa được đề cập đến."

Quốc tế khâm phục tư tưởng Hồ Chí Minh về chống phân biệt chủng tộc - Ảnh 3
Ông Joe Pateman, Giảng viên Khoa Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Đại học Sheffield, Vương quốc Anh, tham gia phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Trung Dũng/TTXVN)

Ông Joe Pateman, hiện đang công tác tại Khoa Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Đại học Sheffield, Vương quốc Anh, nhấn mạnh: "Các bài viết của Hồ Chí Minh về chủng tộc da đen rất xuất sắc, không phải là những văn bản học thuật khô khan. Khi đọc, bạn sẽ thấy các tác phẩm này rất mô phạm, mang tính giáo dục và cũng rất luận chiến. Hồ Chí Minh không nói về những điều này như một học giả khô khan và cũ rích. Các bài viết của Người giàu sức gợi mở, với bố cục khơi dậy sự phẫn nộ của người đọc về nạn phân biệt chủng tộc."

Ông Luis Silva hào hứng chia sẻ: "Hồ Chí Minh đã đi khắp thế giới từ năm 1911 đến năm 1941. Các nhà sử học đều nhất trí rằng thời kỳ này đã định hình nên cốt cách của Người khi trở về giải phóng Việt Nam.

Sau khi hiệu đính 3 cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là cuốn mới nhất về những bất công đối với người da đen, tôi thấy rằng có nhiều khía cạnh hấp dẫn trong cuộc đời và tác phẩm văn học của Người từ những năm 1920 chưa được khám phá.

13 bài viết về "Chủng tộc da đen" của Hồ Chí Minh mãi đến năm 2021 mới được thế giới biết đến rộng rãi, và tôi là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về những bài viết này. Tôi sẽ tiếp tục khám phá thêm những tác phẩm của Hồ Chí Minh mà thế giới chưa biết đến nhiều."

Tháng 2 hằng năm là Tháng Lịch sử của người da đen ở Canada, thời điểm để ghi nhận và tôn vinh những thành tựu, văn hóa và di sản của cộng đồng người da đen và người gốc Phi ở Canada.

Trong hơn 400 năm, cộng đồng người da đen và người gốc Phi ở Canada đã đóng một vai trò quan trọng trong toàn xã hội, giúp tạo nên đất nước Canada ngày hôm nay.

Trong Tháng Lịch sử của người da đen ở Canada, hội thảo "Hồ Chí Minh tại Brazil: Giải phóng người da đen và đoàn kết giai cấp" đã thu hút sự quan tâm của đông đảo học giả Canada và bạn bè quốc tế.

Các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được giới thiệu tại hội thảo đã cho thấy tư tưởng sáng ngời của Người về chống phân biệt chủng tộc, đấu tranh cho công bằng và bác ái giữa các màu da. Như Người đã kết luận: "Vậy là, dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản".

Theo Vietnam+

Bạn đang đọc bài viết Quốc tế khâm phục tư tưởng Hồ Chí Minh về chống phân biệt chủng tộc. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chính phủ trình Quốc hội dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Tin mới