Quốc khánh 2/9: Chiến thắng của sức mạnh 'ý Đảng, lòng Dân'
76 năm nhìn lại từ sự kiện vĩ đại nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20, giá trị tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và sự thống nhất “ý Đảng, lòng Dân” đến nay càng thấm sâu và lan tỏa.
Trong những thời khắc quyết định cần có nội lực to lớn của dân tộc để vượt qua khúc quanh của lịch sử thì tinh thần đoàn kết chính là sức mạnh lớn nhất của dân tộc Việt Nam. Giống như cuộc vận động “hũ gạo cứu đói” năm 1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đã khơi dậy sức mạnh đoàn kết, tinh thần “chung sức, chung lòng” của toàn dân để đi đến chiến thắng của Cách mạng Tháng Tám và giành độc lập, ngày hôm nay, từ “ý Đảng” đến “lòng Dân” đã tiếp tục phát huy sức mạnh ấy, góp sức vào cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.
Đoàn kết là cội nguồn sức mạnh của dân tộc
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết của toàn dân tộc, nhân dân ta đã làm nên một cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Và ngày 2/9/1945, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc ta.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9 là cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc biết nương tựa vào nhau, chung sức đồng lòng vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Từ chiến khu về đồng bằng, từ nông thôn đến thành thị, tất cả nhất tề nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân.
Với thắng lợi này, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của đế quốc thực dân và lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đoàn kết đã mang lại quyền tự do cho nhân dân Việt Nam, đưa nhân dân Việt Nam từ địa vị của những người “vong quốc nô” (người dân mất nước) trở thành người dân làm chủ chính đất nước, vận mệnh của bản thân họ.
Bài học kinh nghiệm lớn nhất rút ra từ Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 chính là tinh thần đoàn kết là cội nguồn sức mạnh chiến thắng của nhân dân ta. Nếu vì quyền lợi cục bộ, địa phương và vì cá nhân thì Cách mạng Tháng Tám đã không thể thành công.
Trong lời kêu gọi khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc”. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, vẫn là bài học lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước cũng như phát triển của dân tộc Việt Nam, đoàn kết luôn là truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh, động lực quan trọng và là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của nhân dân Việt Nam.
Từ “ý Đảng”...
Phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, trong trận chiến chống dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã sớm kêu gọi nhân dân đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh với tinh thần "chống dịch như chống giặc”.
Chính với phương châm "chống dịch như chống giặc" ấy, Việt Nam đã huy động kịp thời sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức của nhân dân trong việc thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Thành quả là Việt Nam đã khống chế thành công cả 3 đợt dịch bùng phát trong cộng đồng, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, trong đợt dịch thứ 4 này, dịch bệnh đã lây lan nhanh hơn, khó kiểm soát hơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ Việt Nam đã chủ động ngăn chặn, đối phó với dịch bệnh bằng những quyết sách linh hoạt ở từng thời điểm khác nhau và tiếp tục kêu gọi sự đoàn kết toàn dân trong chống dịch.
Ngày 29/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi: “Với tinh thần ‘chống dịch như chống giặc’, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng”.
“Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và phải chiến thắng cho bằng được”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Tại lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 ngày 5/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định lịch sử dựng nước và giữ nước đã chứng minh, khi đất nước ta gặp khó khăn, tinh thần đoàn kết, sức dân là vũ khí tối tân nhất, sắc bén nhất để chúng ta chiến thắng mọi kẻ thù và viết nên những chiến thắng vẻ vang của dân tộc, như Bác Hồ kính yêu đã căn dặn: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
“Trong cuộc chiến chống Covid-19, sự đồng lòng của nhân dân là ‘chìa khóa’ mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường, bình yên, an dân, an toàn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
... đến “lòng Dân”
Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, “sức người, sức của” toàn dân đã và đang được huy động tối đa cho cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.
Trong đợt dịch lần thứ tư này, hàng vạn y, bác sĩ, nhân viên y tế, chiến sĩ quân đội, công an... từ miền Bắc và miền Trung đã không quản ngại khó khăn gian khổ, hăng hái lên đường chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Còn ở ngay cơ sở và mỗi địa bàn dân cư, đông đảo lực lượng tuyến đầu đã và đang ngày đêm miệt mài tham gia chống dịch. Họ đến từng nhà từng người để nắm bắt thông tin, cung cấp nhu yếu phẩm, tư vấn, khám chữa bệnh và đang thực sự là điểm tựa tinh thần vững chắc cho nhân dân.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến chia sẻ: “Có rất nhiều tấm gương tiêu biểu, làm việc quên mình vì nhiệm vụ trong cuộc chiến chống Covid-19. Những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, những làn da sạm nắng, những bữa ăn đạm bạc, vội vàng trong ca trực, ngay trong bệnh viện dã chiến, ở từng điểm chốt; nhiều đồng chí đã làm việc đến kiệt sức. Hàng trăm người đã bị nhiễm Covid-19 khi thực hiện nhiệm vụ; thậm chí có người đã hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ sức khỏe của nhân dân”.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết trong đợt phát động đợt cao điểm "Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch bệnh Covid-19" của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, số tiền tiếp nhận và đăng ký ủng hộ qua Mặt trận Tổ quốc các cấp đã lên đến trên 7.000 tỉ đồng và đang tiếp tục tăng.
Từ số tiền tiếp nhận được, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời phân bổ tới Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 hơn 1.000 tỉ đồng; phân bổ kinh phí hỗ trợ mua máy thở, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ cho các khu cách ly, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, hỗ trợ lực lượng trực tiếp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và những người gặp khó khăn do cách ly, giãn cách xã hội với số tiền lên tới hàng nghìn tỉ đồng.
Để tiếp tục đồng lòng, chung sức cùng với cả nước phòng, chống đại dịch, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho hay, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang tổ chức triển khai thực hiện Chương trình "Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19". Chương trình nhằm kịp thời hỗ trợ, góp phần đảm bảo đời sống cho những người khó khăn để không ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm như chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Chỉ riêng ngay trong ngày phát động, chương trình đã "Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19" đã hỗ trợ cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội tổng số 600.000 phần quà, tương đương 180 tỉ đồng.
“Những phần quà này sẽ được trao trực tiếp đến tay người đang gặp khó khăn, nhất là người nghèo, người yếu thế với thủ tục đơn giản nhất và thời gian nhanh nhất, phù hợp với điều kiện và yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định.
Dường như, mỗi người dân đều nhận thấy rằng cuộc chiến với dịch Covid-19 không phải chỉ của riêng Đảng và Nhà nước. Khi Đảng, Nhà nước và Chính phủ phát động thì mỗi người dân đều hăng hái chung tay. Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức.
Trong suốt những ngày qua, người dân ở vùng chưa thực hiện giãn cách xã hội đã gom góp hàng chục ngàn tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam bộ ủng hộ, giúp đỡ cho TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
Nhiều nghĩa cử cao đẹp, nhiều tấm lòng nhân ái với cách làm sáng tạo, thiết thực như: ATM oxy, ATM gạo, siêu thị, chợ 0 đồng, suất ăn 0 đồng... đã kịp thời giúp đỡ hàng triệu người nhân dân đang gặp khó khăn. Tất cả người dân đồng cam, cộng khổ, nhường cơm sẻ áo để cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19.
Mỗi người dân dù ở vị trí nào cũng đều thấy trách nhiệm của bản thân, từ đó phát huy, đóng góp vai trò của mình trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19. Có thể nói, truyền thống đoàn kết đang được nối dài, phát huy cao độ ngay trong những lúc cả nước đang gặp khó khăn.
76 năm nhìn lại từ sự kiện vĩ đại nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20, giá trị tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và sự thống nhất “ý Đảng, lòng Dân” đến nay càng thấm sâu và lan tỏa. Khi “lòng Dân” và “ý Đảng” hội tụ thì đó thực sự là động lực và sức mạnh để cả dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến thắng đại dịch Covid-19 và tiếp tục kiến tạo các kỳ tích mới trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Hồng Kiều
Theo Vietnam+