Quốc hội tán thành việc cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Tại phiên họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Ủy ban KH, CN&MT tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Dự thảo Luật đã thể chế hóa quan điểm, định hướng đổi mới của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, chiều 25/5, sau khi nghe tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi do Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh trình bày, Quốc hội đã nghe Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN&MT) của Quốc hội.
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban KH, CN&MT tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) với những lý do như đã nêu trong Tờ trình số 162/TTr-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ.
Theo Ủy ban KH,CN&MT, các quy định trong dự thảo Luật cơ bản đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm tính khả thi. Tuy nhiên, vẫn có một số điều, khoản cần rà soát, chỉnh sửa cho phù hợp, đồng bộ với hệ thống pháp luật, kể cả một số dự án luật đang được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5.
Ngoài ra, Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với các nội dung về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra như dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị thể hiện rõ ràng hơn các nguyên tắc quản lý cho từng hoạt động cụ thể (từ quản lý tài nguyên; quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hoạt động bảo vệ tài nguyên nước; hoạt động hạn chế tác hại do nước gây ra...) và tối ưu hóa trong khai thác, sử dụng nước.
Về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước (Chương III), trong đó, về chức năng nguồn nước (Điều 23): Ủy ban KH, CN&MT thống nhất với việc xác định chức năng nguồn nước, phân vùng chức năng nguồn nước để bảo vệ tài nguyên nước. Tuy nhiên, cần thể hiện rõ hơn quan điểm này.
Theo đó, việc bảo vệ nguồn nước phải dựa vào chức năng và phân vùng chức năng nguồn nước; thẩm quyền phân vùng chức năng nguồn nước; các biện pháp bảo vệ nguồn nước để đạt mục tiêu bảo vệ hiệu quả số lượng và chất lượng nguồn nước; bổ sung quy định cơ chế tài chính khi cấp nước cho các mục đích sử dụng khác nhau phải tính đến lượng nước thải và chi phí để xử lý nước thải sau sử dụng nhằm bảo vệ hiệu quả nguồn nước.
Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật, Ủy ban cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh và tên gọi như dự thảo Luật. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị đổi tên Luật thành “Luật Quản lý nguồn nước”, “Luật Quản lý và sử dụng tài nguyên nước” cho phù hợp với mục tiêu quản lý về nước, quy định của các luật về khai thác, sử dụng nước hiện hành và các quan điểm nêu trong Tờ trình số 162/TTr-CP. Một số ý kiến khác đề nghị bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với nước dưới đất thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Về một số nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, tại điều 4, Dự thảo quy định về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, Ủy ban KH, CN&MT cơ bản nhất trí với các nội dung về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra như dự thảo Luật.
Tuy nhiên, đề nghị thể hiện rõ ràng hơn các nguyên tắc quản lý cho từng hoạt động cụ thể (từ quản lý tài nguyên; quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hoạt động bảo vệ tài nguyên nước; hoạt động hạn chế tác hại do nước gây ra...) và tối ưu hóa trong khai thác, sử dụng nước.
Ủy ban KH,CN&MT cũng tán thành với sự cần thiết quy định về Điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ cơ chế, điều kiện sử dụng ngân sách nhà nước để các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước, cập nhật thông tin, kết quả điều tra vào hệ thống thông tin tài nguyên nước.
Ủy ban KH,CN&MT thống nhất với việc xác định chức năng nguồn nước, phân vùng chức năng nguồn nước để bảo vệ tài nguyên nước. Tuy nhiên, cần thể hiện rõ hơn quan điểm này. Đồng thời đề nghị làm rõ sự tham gia của các bên có liên quan khi xác định dòng chảy tối thiểu; xem xét việc quy định dòng chảy tối thiểu đối với một số khu vực mà lượng nước về sông, suối theo mùa hoặc có thời điểm khô cạn.
Về hiệu lực thi hành, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để xác định lộ trình thực hiện cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi của một số quy định, chính sách mới của dự thảo Luật và thể hiện cụ thể tại điều khoản chuyển tiếp (Điều 83); cân nhắc thời điểm luật có hiệu lực thi hành để đảm bảo tính khả thi do có nhiều chính sách mới.
Lan Anh