Thứ bảy, 27/04/2024 01:33 (GMT+7)
Thứ tư, 15/12/2021 15:00 (GMT+7)

Quảng Bình: 20.000 ha rừng ven biển được phục hồi và bảo vệ đến năm 2030

Theo dõi KTMT trên

Đề án này sẽ giúp Quảng Bình phát huy chức năng phòng hộ của rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh, giảm nhẹ thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học; Sử dụng rừng bền vững và cải thiện sinh kế cho người dân địa phương.

Nhằm phát huy chức năng phòng hộ của rừng ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, mới đây UBND tỉnh Quảng Bình vừa phê duyệt “Đề án Bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030”.

Cụ thể, dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích rừng ven biển hiện có 7.258 ha, nhất là diện tích rừng phòng hộ; Giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 7.317 ha; Trồng rừng mới 1.700 ha, trong đó rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát ven biển (trên lập địa đất, cát ngoài ngập mặn) 500 ha; Trồng rừng sản xuất kết hợp phòng hộ 1.200 ha.

Bên cạnh đó, phục hồi rừng 2.300 ha, gồm rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát ven biển (trên lập địa đất, cát ngoài ngập mặn) 1.000 ha; Rừng sản xuất kết hợp phòng hộ 1.300 ha; Chăm sóc rừng trồng: 4.000 ha; Trồng cây phân tán ven biển 300.000 cây.

Quảng Bình: 20.000 ha rừng ven biển được phục hồi và bảo vệ đến năm 2030 - Ảnh 1
Đến năm 2030, Quảng Bình sẽ trồng, phục hồi và bảo vệ gần 20.000 ha rừng ven biển. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, sẽ triển khai thực hiện các công trình lâm sinh khác phục vụ bảo vệ, phát triển rừng ven biển gồm: 10 chòi canh lửa, vườn ươm, 50 km đường ranh cản lửa, 20 đường giao thông kết hợp bảo vệ rừng, 4 bể chứa nước phục vụ chữa cháy rừng, 60 bảng tuyên truyền bảo vệ rừng, 300 mốc phân định ranh giới…

Theo đó, đề án nhằm phát huy chức năng phòng hộ của rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ hệ thống cơ sở hạ tầng, khu dân cư, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; Sử dụng rừng bền vững; Tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh khu vực ven biển.

Được biết, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh Quảng Bình chuyển đổi từ khai thác tài nguyên rừng sang bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng mới, kinh doanh lâm nghiệp toàn diện, hình thành các giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng, sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi, gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với bảo vệ môi trường sinh thái, quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội, tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việc thực hiện hiệu quả các giải pháp trồng, bảo vệ và phát triển rừng đã không chỉ làm tăng nhanh diện tích các loại rừng của tỉnh mà còn nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng. Ông Nguyễn Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho biết: “Những năm qua, nhờ phát triển lâm nghiệp bền vững đã đưa lại hiệu quả nhiều mặt. Các nhà máy chế biến lâm sản được đảm bảo nguồn nguyên liệu; người dân có việc làm, tăng thu nhập, có trách nhiệm hơn với rừng, sống dựa vào rừng để bảo vệ rừng. Môi trường sinh thái cũng nhờ rừng mà được cải thiện đáng kể...”.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã trồng được 5.180,70 ha, tăng 269 ha so với cùng kỳ năm 2020, đạt tỉ lệ độ che phủ rừng đạt 67,88% đứng thứ 2 cả nước. Những năm gần đây, bình quân tăng trưởng ngành lâm nghiệp của tỉnh đạt trên 10%/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động làm nghề rừng.

“Trong thời gian tới ngành lâm nghiệp sẽ tiếp tục tập trung bảo vệ tốt rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ven biển, phát triển và tăng tỉ lệ rừng kinh tế, đẩy mạnh trồng rừng thâm canh, trồng rừng gỗ lớn theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Tiếp tục mở rộng rừng trồng có chứng chỉ FSC, xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị từ trồng, khai thác, chế biến và thương mại lâm sản. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, phối hợp các dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển; Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Việt" - ông Nguyễn Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình nhận định.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Quảng Bình: 20.000 ha rừng ven biển được phục hồi và bảo vệ đến năm 2030. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Campuchia quyết tâm xây kênh đào Phù Nam Techo
Thủ tướng Camphuchia Hun Manet khẳng định rằng kênh đào Phù Nam Techo, với chi phí xây dựng 1,7 tỷ USD sẽ chỉ phục vụ việc thúc đẩy nền kinh tế đất nước và không gây ra mối đe dọa an ninh nào cho các quốc gia khác.

Tin mới