Thứ sáu, 22/11/2024 20:04 (GMT+7)
Thứ hai, 31/05/2021 13:00 (GMT+7)

Quảng Bình chi 26 tỉ đồng phục hồi rừng ven biển

Theo dõi KTMT trên

Tỉnh Quảng Bình vừa phê duyệt khoản chi ngân sách hơn 26 tỉ đồng thực hiện Dự án hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển năm 2021.

UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch hoạt động và ngân sách năm 2021 Dự án Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển tỉnh Quảng Bình.

Theo đó, năm 2021, tổng nguồn vốn thực hiện Dự án là trên 26 tỉ đồng, trong đó ngân sách cho hoạt động do Ban Quản lý Dự án Trung ương làm chủ đầu tư hơn 3,6 tỉ đồng, ngân sách cho các hoạt động do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư gần 23 tỉ đồng.

Các hoạt động do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư sẽ triển khai gồm: Chuẩn bị đầu tư cho quản lý bền vững rừng ven biển; đầu tư thiết lập các mô hình rừng bền vững có sự tham gia của cộng đồng; Phục hồi rừng ven biển; Trồng mới rừng ven biển; Tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ; Triển khai thực hiện các công trình bảo vệ rừng; Công trình phụ trợ khác; Tạo lợi ích bền vững từ rừng ven biển.

Quảng Bình chi 26 tỉ đồng phục hồi rừng ven biển - Ảnh 1
Các mô hình rừng bền vững ven biển có sự tham gia của cộng đồng. (Ảnh: Lê Phụng Hiểu)

 Năm 2020 tổng diện tích rừng của toàn tỉnh Quảng Bình là 588.582,92 ha, trong đó diện tích có rừng 543.048,92 ha; Diện tích rừng trồng chưa thành rừng 45.534,07 ha. Phân theo mục đích sử dụng rừng: Diện tích quy hoạch rừng đặc dụng 144.310,88 ha; Diện tích quy hoạch rừng phòng hộ 151.862,89 ha; diện tích quy hoạch rừng sản xuất 319.114,14 ha. Tỉ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 67,88%.

UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT chỉ đạo Ban Quản lý Dự án FMCR tỉnh Quảng Bình chỉ triển khai các hoạt động đã xác định rõ nguồn vốn; Tuyệt đối không triển khai hoạt động trên địa bàn các xã không còn phù hợp với tiêu chí của Dự án.

Giải ngân và thanh toán nguồn vốn theo số vốn được bố trí, không để xảy ra nợ đọng. Quản lý và sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả, đảm bảo chất lượng và tiến độ được duyệt. Thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về đầu tư của Nhà nước.

Trong quá trình triển khai, cơ quan có thẩm quyền bố trí đủ các nguồn vốn để thực hiện đảm bảo tiến độ được duyệt; Rà soát, cập nhật kế hoạch hoạt động và ngân sách hàng quý, 6 tháng và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt điều chỉnh để đảm bảo sử dụng nguồn vốn đầu tư hiệu quả, đúng quy định.

“Trong thời gian tới ngành lâm nghiệp sẽ tiếp tục tập trung bảo vệ tốt rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng ven biển, phát triển và tăng tỉ lệ rừng kinh tế, đẩy mạnh trồng rừng thâm canh, trồng rừng gỗ lớn theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Tiếp tục mở rộng rừng trồng có chứng chỉ FSC, xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị từ trồng, khai thác, chế biến và thương mại lâm sản. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, phối hợp các dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển; Trung tâm bảo tồn Thiên nhiên Việt". Ông Nguyễn Văn Long, Chi Cục trưởng Chi Cục Kiểm lâm Quảng Bình cho biết. 

Quảng Bình xác định vùng ưu tiên thực hiện REDD+ cũng như vùng ưu tiên thực hiện đề án, bao gồm 6 huyện và 19 xã: Thượng Trạch, Tân Trạch, Phúc Trạch (huyện Bố Trạch), Lâm Thuỷ, Kim Thuỷ, Ngân Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ), Thượng Hóa, Dân Hóa, Hóa Sơn, Hồng Hóa, Tân Hóa (huyện Minh Hóa), Trường Sơn, Trường Xuân (huyện Quảng Ninh), Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch), Cao Quảng, Kim Hoá, Lâm Hóa, Đồng Hóa, Thuận Hóa (huyện Tuyên Hóa).

Các giải quyết can thiệp tại tỉnh cũng được đưa ra bao gồm: bảo vệ rừng tự nhiên (236.620 ha), bảo vệ rừng ven biển (380 ha), chuyển đổi rừng chu kỳ ngắn sang chu kỳ dài (6.252 ha), trồng rừng gỗ lớn chu kỳ dài (3.500 ha), làm giàu rừng nghèo kiệt (3.450 ha), làm giàu rừng ven biển (2.000 ha), trồng rừng ven biển trên đất cát (1.000 ha), trồng rừng phòng hộ và rừng đặc dụng (2.000 ha).

Phương Anh

Bạn đang đọc bài viết Quảng Bình chi 26 tỉ đồng phục hồi rừng ven biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới