Quản lý chất thải nhựa hướng tới cam kết giảm dần sử dụng nhựa dùng một lần
Ðể khắc phục những bất cập về cơ chế, chính sách trong công tác thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt, rất cần được triển khai đồng bộ các giải pháp, nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện thu gom, phân loại rác tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường.
Khối lượng lớn chất thải sinh hoạt ngày càng gia tăng
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền trung và Tây Nguyên (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phạm Hồng Sơn, những năm qua, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng, tính chất và thành phần phức tạp, trong đó thành phần chất thải nhựa cao. Trong giai đoạn 2016-2021, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tiếp tục gia tăng trên phạm vi cả nước.
Ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ở các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10-16% mỗi năm. Năm 2021, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn 45/63 tỉnh, thành phố là khoảng 51.586 tấn/ngày; trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 30.807 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 20.778 tấn/ngày; tỷ lệ chất thải nhựa khoảng 10-12%.
Ðối với khu vực miền trung và Tây Nguyên, theo thống kê năm 2021, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn phát sinh khoảng 8.500 tấn/ngày. Riêng Ðà Nẵng, năm 2021, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 1.027 tấn/ngày.
Tuy nhiên, rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải sinh hoạt tại nông thôn hầu hết chưa được phân loại tại nguồn; mới chỉ được thực hiện tại một số địa phương và vẫn mang tính khuyến khích. Một số địa phương thực hiện thí điểm phân loại tại nguồn với quy mô lớn như TP.HCM, TP.Cần Thơ (riêng khu vực miền trung và Tây Nguyên mới chỉ có 4/14 tỉnh, thành phố gồm Ðà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Ðịnh và Quảng Nam đã từng thí điểm phân loại rác tại nguồn).
Rác thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý hiệu quả; vẫn còn 17% lượng rác thải nông thôn chưa được thu gom và thải bỏ ra môi trường chung quanh. Chôn lấp vẫn là phương pháp được áp dụng phổ biến; 70% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nhưng chỉ có khoảng 20% là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã; 16% tổng lượng chất thải được xử lý tại các nhà máy chế biến phân compost và khoảng 13% tổng lượng chất thải được xử lý bằng phương pháp đốt. Rác thải điện tử, chất thải nhựa sử dụng một lần, túi nylon chưa được thu gom, xử lý đúng cách. Ước tính có gần ba triệu tấn rác thải nhựa phát sinh trong năm 2020, một lượng lớn trôi nổi trên sông, hồ, vùng đất ngập nước cửa sông, ven biển.
Theo Báo cáo Chương trình giám sát và đánh giá rác thải nhựa ở bờ biển Việt Nam năm 2020 của Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (IUCN) cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng chất thải rắn xả ra biển nhiều nhất trên thế giới (trong số 20 quốc gia được nghiên cứu), mỗi năm, lượng chất thải rắn thải ra biển khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa đại dương. Chỉ tính riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nylon khó phân hủy.
Cụ thể hóa chính sách pháp luật
Từ năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực. Tại điều 73 quy định: Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm hạn chế sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thải bỏ chất thải là sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học theo quy định; không thải bỏ chất thải nhựa trực tiếp vào hệ thống thoát nước, ao, hồ, kênh, rạch, sông và đại dương.
Ngoài ra, chất thải nhựa phải được thu gom, phân loại để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý theo quy định của pháp luật. Chất thải nhựa không thể tái chế phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý theo quy định. Chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động kinh tế trên biển phải được thu gom để tái sử dụng, tái chế hoặc xử lý và không được xả thải xuống biển.
Nhà nước khuyến khích việc tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa phục vụ hoạt động sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng, công trình giao thông; khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa trôi nổi trên biển và đại dương; có chính sách thúc đẩy tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.
Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng đã quy định lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Theo đó, từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm. Sau ngày 31/12/2030, Chính phủ yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Sau ngày 31 tháng 12 năm 2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nylon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.
Ðể khắc phục những bất cập về cơ chế, chính sách trong công tác thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt, rất cần được triển khai đồng bộ các giải pháp. Nhà nước và các địa phương cần thống nhất đầu mối huy động hiệu quả các đơn vị áp dụng những công nghệ xử lý tiên tiến tham gia đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn quy mô lớn phục vụ chung cho các đô thị.
Cùng với đó, cần xác định lộ trình từ nay đến năm 2024 tổ chức thực hiện phân loại rác tại nguồn, thu tiền theo khối lượng hoặc trọng lượng rác và xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm không phân loại rác. Quy hoạch xây dựng các điểm thu gom rác hợp lý, thuận tiện và bảo đảm cảnh quan môi trường; phát huy vai trò của các đoàn thể nhân dân trong tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện thu gom, phân loại rác tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường.
Lan Anh