Ngôi trường xây dựng bằng nhựa tái chế đầu tiên tại Việt Nam
Mới đây, tại xã Cao Sơn, Mường Khương (Lào Cai) đã diễn ra Lễ khánh thành ngôi trường bằng nhựa tái chế đầu tiên tại Việt Nam.
Được biết, ngôi trường này được xây dựng tại điểm trường mầm non mới của thôn Ngải Phóng Chồ, xã Cao Sơn (huyện Mường Khương, Lào Cai). Với tổng diện tích trên 1.036 m2, gồm 3 lớp học, 1 bếp ăn và 2 phòng công vụ, đảm bảo nhu cầu dạy và học cho khoảng 100 trẻ em mầm non. Công trình mới được khởi công từ ngày 1/6/2022, với tổng số vốn là 5,5 tỷ đồng và đã hoàn thành sau 3 tháng thi công.
Điểm nhấn nổi bật của điểm trường Mầm non Ngải Phóng Chồ là được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu tái chế giúp giảm phát thải 115 tấn nhựa như một thông điệp mạnh mẽ, một lời nhắn nhủ cho thế hệ mầm non, thế hệ tương lai của đất nước về việc bảo vệ môi trường.
Điểm trường mang đậm âm hưởng vùng cao với những khối nhà lên xuống trùng điệp; các mảng sân in dấu nếp ruộng bậc thang men theo sườn núi, hình tán cây sa mộc cách điệu bằng gạch mềm; khu sân chơi và hàng rào bao quanh sặc sỡ được lấy cảm hứng từ sắc màu thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mông.
Khi biết chủ trương xây dựng điểm trường mới, người dân rất phấn khởi và đồng tình ủng hộ. Nhiều gia đình có đất tại địa điểm dự kiến xây dựng đã nhất trí hiến đất bởi họ hiểu đây là một công trình có ý nghĩa quan trọng, đem lại một môi trường học tập an toàn và tốt nhất cho con em của mình cũng như người dân trong thôn.
Phát biểu tại lễ khánh thành ông Lê Ngọc Dương, Chủ tịch UBND huyện Mường Khương nêu rõ, điểm trường giúp hơn 60 học sinh mầm non ở thôn Ngải Phóng Chồ có trường, lớp học hiện đại, khang trang, sạch đẹp, trở thành điểm đến nổi bật của địa phương. Ngoài ra ông cho biết thêm, rác thải nhựa hiện đang là vấn đề gây nhức nhối toàn cầu. Rác thải nhựa rất khó phân hủy và có thể tồn tại hàng trăm, hàng nghìn năm; gây ra tác động rất lớn đến đất đai, môi trường sống, cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài động thực vật…
Đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của công trình đối với nền giáo dục và môi trường của địa phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều công trình xây dựng mang đến niềm vui, hạnh phúc cho trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn gắn với sự nghiệp bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tin tưởng rằng mô hình của điểm trường này sẽ ngày càng được nhân rộng trên địa bàn huyện Mường Khương và các địa phương trong cả nước.
Ô nhiễm môi trường: thách thức lớn của thế kỷ 21
Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn Đầu tư và Thương mại INTRACO - đơn vị chuyên tư vấn và phát triển dự án theo Cơ chế phát triển sạch (Clean Development Machanism - CDM), biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt.
Số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, hằng năm Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trên thế giới hiện có hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa tích tụ trên Trái đất, làm biến đổi môi trường sống, tác động lớn đến các loài sinh vật, thậm chí giết chết hàng triệu sinh vật mỗi ngày. Rác thải nhựa khi bị đốt sẽ tạo ra các khí thải độc hại với sự sống. Vì vậy, loại rác thải này đã và đang dẫn loài người tới thảm họa 'ô nhiễm trắng".
Nhằm góp phần xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của các tỉnh vùng cao, Công ty mong muốn xây tặng các ngôi trường mới, an toàn, thân thiện với môi trường, đồng thời là một điểm nhấn trong chuỗi sản phẩm của du lịch của mỗi địa phương.
Với mục tiêu đó, ngôi trường không chỉ tạo hứng thú trong học tập cho các em nhỏ, mà còn giúp các em tiếp cận với ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường từ rác thải nhựa được sản xuất với kĩ thuật hiện đại để trở thành vật liệu xây dựng đạt chuẩn về độ bền, an toàn.
Hải Ạnh