Thứ sáu, 19/04/2024 05:31 (GMT+7)
Thứ bảy, 20/11/2021 11:00 (GMT+7)

Phục hồi tự nhiên là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển bền vững ở ĐBSCL

Theo dõi KTMT trên

Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, ĐBSCL cần phải xây dựng chiến lược, kế hoạch, lộ trình cụ thể để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách hành động.

Kiến tạo nhiều chính sách thúc đẩy phát triển 

ĐBSCL được đánh giá là một trong 3 đồng bằng châu thổ lớn của thế giới bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Áp lực từ việc gia tăng dân số, phát triển kinh tế, xã hội kéo theo hàng loạt những thách thức từ chính nội tại vùng ĐBSCL như gia tăng xâm nhập mặn vào sâu, ngập lụt, khai thác nước quá mức… đã tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Trong khi đó, dưới tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đang diễn ra ngày càng gay gắt ở ĐBSCL đặc biệt là các tỉnh vùng ven biển. Có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xâm nhập mặn do lưu lượng  về  hạ  lưu  giảm, tạo  điều  kiện  cho nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa. Đồng thời tác động của triều cường theo chu kỳ của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, dẫn đến xâm nhập mặn tăng cao. Ngoài ra, do địa hình thấp, bằng phẳng và ảnh hưởng triều cao vào các tháng trong mùa khô với lưu lượng các sông thấp xâm nhập mặn vào sâu trong cửa sông và vào các kênh rạch nội địa ĐBSCL.

Theo nhận định của PGS.TS Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, thực hiện Nghị quyết số 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, dù thời gian triển khai chưa dài, nhưng chính sách phát triển bền vững ĐBSCL đã đạt nhiều kết quả. Nhất là việc kiến tạo các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Trong chủ trương thích ứng thuận thiên, việc phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng hiệu quả năng lượng được xếp hàng đầu.

Phục hồi tự nhiên là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển bền vững ở ĐBSCL - Ảnh 1
Phục hồi tự nhiên phải là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển bền vững ở ĐBSCL. (Ảnh: Báo TN&MT)

Bên cạnh đó, Nghị quyết 120 đã góp phần định hình không gian phát triển thông qua kết nối hạ tầng giao thông, liên kết vùng đã và đang có nhiều tiến triển, thay đổi bộ mặt của ĐBSCL. Một số cơ chế chính sách đã được rà soát, bổ sung. Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng ĐBSCL đang được khẩn trương hoàn thành. Hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm thuận thiên đã được chứng minh qua đợt hạn mặn kỉ lục 2019-2020 vừa qua, qua đó chuyển hóa được thách thức thành cơ hội cho phát triển, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh.

Nắm bắt xu thế này, thời gian qua, nhiều địa phương như: Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre đã tập trung khai thác tiềm năng phát triển năng lượng sạch, năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Đồng thời, chủ động triển khai một số mô hình kinh tế phù hợp thích ứng với biến đổi khí hậu như Mô hình tòa nhà công sở sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Những chính sách này cho thấy, sự chuyển đổi phù hợp và bắt kịp với xu hướng chung của quốc tế.

Định hướng phát triển bền vững ĐBSCL

Năm 2021, đối mặt với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ĐBSCL đã phải chịu những ảnh hưởng hết sức nặng nề nhưng cũng là cơ hội để giúp phục hồi sau đại dịch theo hướng thân thiện tự nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là quan điểm của Việt Nam tại COP26 vừa qua. Đặc biệt, tại sự kiện công bố Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu trong khuôn khổ Hội nghị COP26, Thủ tướng đã đưa ra các cam kết trong việc cắt giảm 30% khí metan vào năm 2030 và cam kết đạt “Net zero” vào năm 2050. Những cam kết mạnh mẽ này của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế rất hoan nghênh và đánh giá cao.

Theo tinh thần của Nghị quyết 120/NQ-CP, mục tiêu đến năm 2050 ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến; Thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn trung bình cả nước, sinh kế của người dân được bảo đảm; Tỉ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%, độ che phủ rừng đạt trên 9% (so với 4,3% hiện nay), các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn và phát triển. Mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị hiện đại được xây dựng và phân bố hợp lý tại các tiểu vùng. Hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy được phát triển đồng bộ, kết nối trong vùng, liên vùng và phải bảo đảm kết hợp hài hòa, thống nhất, bổ trợ và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều...

Trên cơ sở đó, giai đoạn tới ĐBSCL cần phải xây dựng chiến lược, kế hoạch chi tiết, đưa ra lộ trình cụ thể để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển để thực hiện các cam kết nêu trên.

Cũng tại Hội thảo, trao đổi về tiềm năng để các địa phương tiếp cận với nguồn lực ứng phó biến đổi khí hậu, TS Nguyễn Văn Hồng, Phân viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng, biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến đến từng cá nhân, tổ chức ở các cấp độ từ Trung ương đến địa phương, trên mọi lĩnh vực môi trường, kinh tế, chính trị và xã hội. Ứng phó để thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có giải pháp toàn diện với sự cam kết và trách nhiệm tham gia của nhiều bên liên quan bao gồm cả các thiết chế phi nhà nước.

Trong đó, doanh nghiệp, tư nhân và các tổ chức xã hội vừa là nạn nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp, vừa là tác nhân làm gia tăng các biểu hiện của biến đổi khí hậu. Doanh nghiệp là một bên tham gia quan trọng trong quá trình thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay. Chính vì vậy, các địa phương cần có chính sách mở rộng nguồn lực đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu, thu hút sự tham gia đầu tư của khối doanh nghiệp tư nhân và các Quỹ đầu tư quốc tế…

Trao đổi với Báo Chính phủ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành nhận định, Nghị quyết 120 là bước đột phá lớn, có ý nghĩa định hình chiến lược phát triển bền vững ĐBSCL theo hướng tổng thể, đồng thời, tích hợp với tầm nhìn dài hạn và khát vọng về một vùng ĐBSCL trù phú, thịnh vượng, lấy con người làm trung tâm, coi việc sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên khác là triết lý phát triển.

Nghị quyết đã tạo chuyển biến căn bản về mặt nhận thức, tư duy phát triển ĐBSCL theo hướng “thuận thiên”. Từ chỗ phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên ưu đãi như điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn lợi thủy sản… đã chuyển đổi sang phát triển dựa vào năng suất lao động, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Tư duy phát triển đã thay đổi toàn diện, coi nước mặn, nước lợ là tài nguyên để chuyển đổi cơ cấu, phát triển sản xuất hiệu quả. Trên cơ sở đó, đa dạng hóa sản phẩm như lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản nước ngoạt, nước lợ, nước mặn.

Thứ trưởng cho rằng, Nghị quyết 120 là ngọn cờ đi đầu, là Nghị quyết "vàng", là nguồn cảm hứng để người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền phát huy tính sáng tạo, chủ động để thích ứng một cách có hiệu quả nhất.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Phục hồi tự nhiên là ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển bền vững ở ĐBSCL. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó nguy cơ cháy rừng
Tình trạng nắng nóng gay gắt dự báo diễn ra tháng 4-6/2024, nhiều địa phương cần chủ động phòng, chữa cháy rừng tại các khu vực có nguy cơ cao. Vừa qua Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp quốc gia.

Tin mới