Chủ nhật, 24/11/2024 18:56 (GMT+7)
Thứ ba, 11/06/2024 15:49 (GMT+7)

Phú Yên: Triển khai Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030

Theo dõi KTMT trên

UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của kế hoạch là phát triển bền vững nguồn cung nguyên liệu gỗ, phấn đấu đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 1,5 lần và đến năm 2030 tăng 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hàng năm đạt trên 240 ngàn m3/năm; đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,0% đến 5,5%/năm. Phấn đấu đến năm 2030 phát triển vùng trồng dược liệu lên khoảng 20.000 ha; giá trị thu nhập từ hoạt động sản xuất lâm sản ngoài gỗ, dược liệu tăng tối thiểu 2 lần trên một đơn vị diện tích so với năm 2020; 100% diện tích trồng dược liệu được tiêu chuẩn hóa, cấp mã số và ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý vùng trồng.

Phấn đấu đến năm 2030, thực hiện sản xuất nông, lâm, ngư kết hợp đối với khu vực phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt. Phát triển dịch vụ môi trường rừng, phấn đấu đảm bảo nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng tăng trưởng ổn định, bình quân 5%/năm. Nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong các hệ sinh thái rừng. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh thu hút khoảng 10.000 hộ gia đình tham gia bảo vệ và phát triển rừng, gây trồng và phát triển dược liệu được tạo thêm việc làm, tăng thu nhập từ dược liệu đạt tối thiểu 15% trong kinh tế hộ gia đình…

Để thực hiện tốt các mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh Phú Yên đề nghị các đơn vị, địa phương triển khai một số nhiệm vụ, cụ thể: Phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ; phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu; các hình thức nông, lâm, ngư kết hợp; dịch vụ môi trường rừng; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và bảo tồn đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động như: Bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng. Bảo tồn, phát triển, khai thác, chế biến, thương mại bền vững lâm sản ngoài gỗ, dược liệu gắn với văn hóa truyền thống của cộng đồng, người dân địa phương sống gần rừng. Phát triển các mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị trong lâm nghiệp, mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp kết hợp bền vững, hiệu quả. Phát triển thương hiệu sản phẩm; giới thiệu thông tin về chính sách, khoa học, kỹ thuật, thị trường trong nước và quốc tế của các sản phẩm gỗ, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu, du lịch và các dịch vụ môi trường rừng.

Phú Yên: Triển khai Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030 - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).

Đồng thời triển khai các hoạt động về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; dịch vụ bảo vệ, duy trì cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quy định. Thu hút các nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế tham gia các dự án phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng, thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quy định.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng và triển khai các quy định, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch. Chỉ đạo các Ban quản lý rừng chủ động phối hợp Các ngành của huyên, thị xã, thành phố Tuy Hòa và UBND các trong việc kiểm tra, rà soát vị trí, đo đạc diện tích, kê khai hiện trạng sử dụng đất, đăng ký đất đai của đơn vị để trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Rà soát, bổ sung phương án quản lý rừng bền vững phù hợp với quy định pháp luật và các chương trình, kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện kế hoạch này đảm bảo hiệu quả, khả thi; lồng ghép thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách đang thực hiện trên địa bàn với kế hoạch này.

Theo UBND tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 310.013,52 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó: có 275.469,47 ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch 3 loại rừng (rừng đặc dụng 19.459,45 ha; rừng phòng hộ 102.648,98 ha và rừng sản xuất 153.361,04 ha) và 34.544,05 ha đất có rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng.

Tổng diện tích đất có rừng toàn tỉnh là 257.169,66 ha (bao gồm cả diện tích đất có rừng ngoài quy hoạch 3 loại rừng), trong đó: đất có rừng tự nhiên 126.957,87 ha; rừng trồng thành rừng 110.085,99 ha và đất có rừng trồng chưa thành rừng là 20.129,80 ha. Tỷ độ che phủ rừng bình quân đạt 47,16% tăng 1,21% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo thống kê, tỉnh Phú Yên có hơn 11.757 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC và diện tích rừng trồng khai thác bình quân khoảng 3.500 ha/năm, sản lượng đạt trên 300.000 m3/năm.

FSC là chứng nhận được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội của các bên liên quan như nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương. Chứng nhận này do Hội đồng quản lý rừng FSC (Forest Stewardship Council) - tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập năm1993 với mục tiêu phát triển và quản lý rừng bền vững trên toàn thế giới.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Phú Yên: Triển khai Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới