Thứ tư, 09/10/2024 11:26 (GMT+7)
Thứ tư, 14/12/2022 17:50 (GMT+7)

Phú Yên: Phê duyệt Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2025

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.

Phú Yên: Phê duyệt Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2025 - Ảnh 1
Một mỏ đá được khai thác làm vật liệu xây dựng tại Phú Yên.

Trước đó, ngày 05/5/2022, Bộ Xây dựng đã có công văn 1545/BXD-VLXD gửi UBND tỉnh Phú Yên cho ý kiến về việc cập nhật, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Cụ thể, việc lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung các khu vực khoáng sản làm vật liệu thông thường vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Phú Yên cần bổ sung việc đánh giá thực trạng hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng và kết quả thực hiện để tính toán số liệu cung - cầu trên địa bàn làm cơ sở cho việc xác định mục tiêu thăm dò, khai thác, sử dụng nhằm bổ sung các khu vực khoáng sản mới vào quy hoạch.

Ngoài ra, trên cơ sở quy định của pháp luật về quy hoạch và khoáng sản, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Phú Yên căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương để xem xét việc bổ sung các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường vào quy hoạch theo đúng quy định.

Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2025 với mục tiêu tập trung đầu tư và phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng có thế mạnh của tỉnh. Nghiên cứu phát triển sản xuất đa dạng các sản phẩm vật liệu xây dựng mới, có hiệu quả kinh tế cao. Đưa công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất vật liệu xây dựng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nội tỉnh, trong khu vực và xuất khẩu, góp phần vào tăng trưởng GRDP, nâng cao vị thế của ngành vật liệu xây dựng trong nền kinh tế. Từng bước loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, Kế hoạch đề ra 6 nhóm giải pháp để thực hiện kế hoạch. Trong đó, giải pháp khai thác tài nguyên khoáng sản hiệu quả, tiết kiệm là tăng cường công tác điều tra cơ bản đối với các chủng loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng; thực hiện cấp phép đúng theo quy hoạch được duyệt, tuân thủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường ở các cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật.

Thực hiện đấu giá và không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, gắn khai thác khoáng sản với chế biến khoáng sản; chỉ đạo thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, đồng thời ký quỹ phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản;

Tổ chức thanh, kiểm tra theo định kỳ và đột xuất các cơ sở khai thác theo quy hoạch được duyệt và các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản; hạn chế, tiến đến không sử dụng đất canh tác nông nghiệp để sản xuất gạch, ngói nung, nâng mức phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên với việc khai thác đất sét sản xuất gạch, ngói; hình thành các khu vực, bến bãi tập kết VLXD theo quy hoạch, cơ sở chuyên gia công chế biến nguyên liệu đảm bảo cung cấp ổn định về chất lượng, số lượng cho cơ sở sản xuất VLXD.

Sử dụng tro xỉ nhiệt điện, luyện thép làm nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, thay thế cho một số nguyên liệu chính trong sản xuất VLXD như: gạch đất sét nung, xi măng, cát, cốt liệu, bê tông,… làm vật liệu san lấp tạo thành nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, bền vững cho phát triển sản xuất VLXD tại địa phương.

UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thẩm định hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phù hợp với quy hoạch, hồ sơ môi trường; kiểm soát chặt chẽ công tác xây dựng, thực hiện phương án cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác mỏ, xác định mức ký quỹ phù hợp, đảm bảo việc cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác.

Đồng thời, chủ trì thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng và hướng dẫn các nhà máy sản xuất lắp đặt hệ thống giám sát môi trường trực tuyến; giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nội dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Thanh Vũ

Bạn đang đọc bài viết Phú Yên: Phê duyệt Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2025. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hà Nội lại vào mùa ô nhiễm không khí
Chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội và một số địa phương những ngày qua ở mức xấu, có hại cho sức khỏe người dân và cần hạn chế các hoạt động ngoài trời.

Tin mới

Hòa Phát nộp ngân sách 10.000 tỷ đồng trong 9 tháng
Sau 9 tháng của năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát đã nộp vào ngân sách Nhà nước 10.000 tỷ đồng. Trong đó, các công ty thành viên có đóng góp ngân sách nhiều nhất là Thép Hòa Phát Dung Quất, Thép Hòa Phát Hải Dương, Ống thép Hòa Phát...