Phú Thọ: Xử phạt cá nhân khai thác lậu cát sông Hồng 180 triệu là nhiều hay ít?
Phú Thọ vừa xử phạt một cá nhân khai thác cát trái phép trên sông Hồng gần 200 triệu đồng. Nhiều ý kiến trái chiều về mức răn đe của vụ việc đã đủ nặng hay chưa.
Xử phạt "điểm" có đủ sức răn đe?
Mới đây, UBND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định xử phạt bà Nguyễn Thị Kim Hoa, tổ 6, phố Bạch Hạc, phường Bạch Hạc, TP.Việt Trì do đã sử dụng tàu hút (gồm hệ thống máy bơm hút gắn trên phương tiện di chuyển) khai thác cát tại lòng sông Hồng thuộc khu 12, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao.
Quyết định của Tỉnh đã khiến dư luận đặc biệt chú ý. Trong thời gian qua, Phú Thọ đã liên tiếp có những yêu cầu, chỉ thị nhằm chấn chỉnh lại tình hình khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Việc xử phạt "điểm" này liệu sẽ khiến cho các đối tượng đang và có ý định sẽ vi phạm "chùn tay"?
Thông tin về vụ việc, tại thời điểm bắt giữ tàu hút đang khai thác được 20 m3 cát. Hành vi trên được xác định là hành vi “Khai thác cát ngoài phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; hành lang bảo vệ luồng; phạm vi luồng hoặc ngoài phạm vi bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tổng số tiền phạt là 180 triệu đồng.
Với mức phạt kể trên, nhiều ý kiến trái chiều cũng đã được đưa ra. Theo đó, nhiều người cho rằng, so với lợi nhuận từ việc khai thác cát sỏi trái phép này có được, số tiền 180 triệu có vẻ nhiều nhưng thực sự chưa thấm vào đâu. Lợi nhuận khổng lồ từ việc này sẽ khiến cho các đối tượng có ý định trục lợi tiếp tục liều để "ăn nhiều". Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, để đưa ra mức phạt cụ thể, phải căn cứ trên nhiều yếu tố như bằng chứng về thời gian khai thác, số lượng cát sỏi lậu đã khai thác cũng như những tác động đánh giá môi trường khác...
"Nếu chỉ xử phạt 180 triệu là xong, không tiếp tục sát sao nữa thì tình hình khai thác cát sỏi lậu sẽ tiếp tục, một vụ việc chưa đủ sức răn đe, người dân chúng tôi sẽ còn tiếp tục phải sống chung với những hiểm nguy rình rập", một người dân sống trong khu vực ven sông Hồng, nơi phát hiện vụ việc kể trên bày tỏ sự lo ngại.
Trước đó, ngày 16/9, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành văn bản số 4169/UBND-KTN về việc giám sát hoạt động khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu Sở TN&MT khẩn trương lắp đặt thiết bị giám sát hoạt động đối với các phương tiện khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đưa hệ thống giám sát vào hoạt động theo đúng kế hoạch đã đề ra, trong đó ưu tiên hoạt động khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông. Các huyện, thành phố, thị xã cần tăng cường giám sát hoạt động khai thác của các doanh nghiệp theo cam kết đã ký kết với Sở TN&MT.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khuyến khích UBND cấp xã (nơi có mỏ được cấp phép khai thác) thành lập tổ giám sát hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông tại các mỏ cát, sỏi được cấp phép… Trong quá trình giám sát, trường hợp phát hiện vi phạm của các doanh nghiệp trong hoạt động khai thác khoáng sản (ngoài ranh giới, số lượng phương tiện vượt so với giấy phép, quá thời gian quy định…), hoặc hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn gây ảnh hưởng an ninh trật tự tại địa phương, phải kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Chấn chỉnh hoạt động khai thác cát sỏi, phòng chống sạt lở
Cuối tháng 8/2021 UBND tỉnh Phú Thọ cũng có văn bản số 3834/UBND-KTN về việc tạm dừng hoạt động khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Đà địa phận huyện Tam Nông và huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Cụ thể, theo công văn này, hiện nay trên tuyến sông Đà có hiện tượng sạt lở bờ, đất bãi bồi ven sông khi lũ lên và có xảy ra hoạt động khai thác cát sỏi trái phép, khai thác vượt số lượng phương tiện đăng ký, vượt công suất cấp phép.
Nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác cát sỏi, đồng thời xác định nguyên nhân gây sạt lở, UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu tất cả các tổ chức, doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Đà đoạn qua huyện Tam Nông và huyện Thanh Thủy tạm dừng toàn bộ hoạt động khai thác cát, sỏi từ ngày 29/8.
Tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản lòng sông (cát sỏi) đã trở thành vấn đề "nóng" tại nhiều địa phương trong suốt những năm qua. Không những gây lãng phí, thất thoát tài nguyên quốc gia mà việc khai thác vô tội vạ còn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn đường sông trong mùa mưa, gây sạt lở bờ sông cùng nhiề rủi ro bất thường khác.
Được biết, hiện nay, sau nhiều chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương cũng đang thực hiện "siết" chặt việc quản lý khai thác tài nguyên này ngày một hiệu quả hơn.
Xuân Hòa