Thứ sáu, 22/11/2024 17:50 (GMT+7)
Thứ bảy, 07/01/2023 08:22 (GMT+7)

Phú Thọ: Đất hạ cốt nền tại xã Vân Du đã được chuyển đi đâu? (Bài 2)

Theo dõi KTMT trên

Được cấp phép khai thác đất đồi nhằm phục vụ dự án làm cầu, doanh nghiệp lại vận chuyển đất đi đổ ngoài phạm vi được cấp phép gây ô nhiễm khói, bụi.

Thời gian gần đây, người dân thôn Vân Tiến 3, xã Vân Du (Đoan Hùng, Phú Thọ) bức xúc về tình trạng khai thác, vận chuyển đất thơi gian gần đây trên địa bàn.

Cụ thể, việc các phương tiện vận chuyển đất đi không được che chắn khiến người dân hứng chịu đủ những cơn lốc bụi, kéo theo đó là tình trạng đất đá rơi vãi khắp đường gây nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông, gây ô nhiêm môi trường nghiêm trọng…

Ngoài ra, tình trạng đổ thải bừa bãi, đổ thải bị phản ánh là ngoài phạm vi được cho phép.

Phú Thọ: Đất hạ cốt nền tại xã Vân Du đã được chuyển đi đâu? (Bài 2) - Ảnh 1
Toàn cảnh diện tích đất đồi được một đơn vị khai thác, vận chuyển nhằm phục vụ xây dựng dự án cầu Đoan Hùng.

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, một người dân sinh sống trên địa bàn xã Vân Du cho biết, tình trạng này diễn ra sau khi dự án xây dựng cầu Đoan Hùng khởi công, đơn vị thi công đã xin cấp phép khai thác đất tại địa điểm trên nhằm mục đích phục vụ quá trình làm cầu. Tuy nhiên, số lượng đất để làm cầu không đáng kể, khối lượng lớn đất được múc đi để san lấp ruộng, áo và đất nông nghiệp.

Phú Thọ: Đất hạ cốt nền tại xã Vân Du đã được chuyển đi đâu? (Bài 2) - Ảnh 2
Theo phản ánh, việc khai thác, vận chuyển đất tại đây để phục vụ xây dựng dự án cầu Đoan Hùng. Nhưng một số đơn vị lại vận chuyển đất đi đổ, san lấp đất nông nghiệp ra ngoài phạm vi cho phép, gây hệ lụy xấu cho môi trường, ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên và gây thất thoát tài nguyên, có dấu hiệu thu lời bất chính.

Qua nguồn tin phản ánh về việc hoạt động khai thác đất nêu trên của người dân, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã xuống thực địa để ghi nhận vụ việc.

Có mặt tại thôn Vân Tiến 3, cách cầu Đoan Hùng khoảng 200m, một cảnh tượng khai thác đất hạ cốt nền rầm rộ, tiếng máy múc, tiếng xe ô tô vận chuyển đua nhau gào rú vang vọng cả một vùng. Sau khi "ăn no" đất, cả đoàn xe vô tư nối đuôi nhau vận chuyển đất đi các ngả đường. Đặc biệt hơn, đoàn xe này không cần che chắn, ra vào tấp nập khiến cho đất đá vương vãi khắp đường. Khi mưa xuống, mặt đường ngày mưa trơn trượt, nhếch nhác. Ngày nắng thì tung bụi mù mịt.

Phú Thọ: Đất hạ cốt nền tại xã Vân Du đã được chuyển đi đâu? (Bài 2) - Ảnh 3
Một vấn đề khiến người dân bức xúc hơn, tình trạng vận chuyển của đơn vị thi công không che chắn, đậy bạt khiến đất đá vương vãi khắp đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng.

Sau khi đã ghi nhận tình trạng trên, cũng như thông tin phản ánh của người dân, Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã liên hệ với lãnh đạo UBND xã Vân Du để tìm hiểu thêm thông tin vụ việc.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo UBND xã Vân Du cho biết: “Diện tích đất đang được múc đi là đất thuộc hộ gia đình nhà ông Phạm Văn Đoàn. Diện tích này là đất rừng sản xuất được hộ gia đình nhà ông Đoàn xin cấp phép hạ độ cao nhằm tránh sạt lở và lấy đất phục vụ quá trình xây dựng dự án cầu Đoan Hùng. Còn về hồ sơ cấp phép hoạt động, hộ gia đình cũng đã làm tờ trình, đã được UBND huyện Đoan Hùng cấp phép và đủ điều kiện thi công”.

Khi được hỏi về tình trạng vận chuyện không che chắn, đổ thải, san lấp bừa bãi, vị lãnh đạo cho hay:“Tình trạng này mới phát sinh, UBND xã Vân Du cũng chưa nắm được. Ngay sau khi nhận được thông tin của cơ quan báo chí, chúng tôi sẽ cho cán bộ xuống làm việc với đơn vị thi công, yêu cầu công ty thực hiện theo đúng quy định".

Đồng thời, vị lãnh đạo xã cũng xác nhận diện tích đổ đất, san lấp không phải diện tích dự án làm cầu.

Còn về quá trình vận chuyển, vị lãnh đạo xã Vân Du phân trần: “Do khoảng cách vận chuyển đất gần, cho nên họ chủ quan không đậy bạt”.

Dư luận người dân đang thắc mắc việc sử dụng đất đồi để thi công dự án làm cầu có đúng quy định pháp luật, việc vận chuyển đất san gạt ra ngoài có tuân thủ các quy định về môi trường. Để xảy ra vấn đề về môi trường như đã phản ánh thì đơn vị nào phải chịu trách nhiệm?

Theo một số chuyên gia về lĩnh vực kinh tế môi trường nhìn nhận, qua một số vụ việc gần đây cho thấy, việc cải tạo mặt bằng, hạ cốt nền đất nông nghiệp, khai thác sử dụng đất để san lấp các công trình; lợi dụng cải tạo mặt bằng, hạ cốt nền đất nông nghiệp để khai thác đất trái phép, hoặc sai mục đích cấp phép là vi phạm các quy định của Nhà nước. Việc này có thể gây hệ lụy môi trường nghiêm trọng, phá vỡ quy hoạch sử dụng tài nguyên đất ở các địa phương, đồng thời tác động xấu đến hệ sinh thái tự nhiên. Và qua đó cũng cho thấy vai trò quản lý, trách nhiệm quản lý, sâu sát địa bàn trực tiếp của cấp chính quyền địa phương tới đâu.

Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

Đỗ Tuấn

Bạn đang đọc bài viết Phú Thọ: Đất hạ cốt nền tại xã Vân Du đã được chuyển đi đâu? (Bài 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới