Thứ sáu, 22/11/2024 18:35 (GMT+7)
Thứ sáu, 15/01/2021 06:40 (GMT+7)

Phim 'Mai sau con lớn' mang thông điệp chấm dứt nạn săn bắt tê giác

Theo dõi KTMT trên

HSI tại Việt Nam vừa phát hành đoạn phim ngắn lay động trái tim hành khách của Vietnam Airlines với hy vọng chấm dứt nạn săn bắt trộm tê giác ở châu Phi để cung cấp cho thị trường Việt Nam và châu Á.

Phim 'Mai sau con lớn' mang thông điệp chấm dứt nạn săn bắt tê giác - Ảnh 1
Một cá thể tê giác tại Vườn Quốc gia Kruger Park của Nam Phi. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)

Ngày 14/1, Tổ chức nhân đạo quốc tế (Humane Society International - HSI) tại Việt Nam vừa phát hành một đoạn phim ngắn lay động trái tim hành khách của Vietnam Airlines (VNA) với hy vọng chấm dứt nạn săn bắt trộm tê giác tại châu Phi để cung cấp cho thị trường Việt Nam và châu Á.

Đoạn phim (TVC) có tựa đề “Mai sau con lớn” được Quỹ Glen và Bobbie Ceiley tài trợ và là một phần của những nỗ lực dài hạn mà HSI đang thực hiện nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ sừng tê giác và các sản phẩm từ động vật hoang dã ở Việt Nam và các nước khác.

TVC sẽ được chiếu qua màn hình hành khách trên toàn bộ các chuyến bay của VNA và phòng chờ hạng thương gia tại một số sân bay lớn ở Việt Nam. TVC tái hiện khung cảnh một buổi lễ trưởng thành tại trường tiểu học, nơi các mầm non tương lai của đất nước chia sẻ về những ước mong của mình.

Đáng chú ý, trong đoạn kết, khi cậu bé đứng trước những chú tê giác, ánh mắt của cậu hướng về phía người cha và ông của mình gửi đi một thông điệp chung mạnh mẽ: Không bao giờ là quá sớm hoặc quá muộn để thực hiện các hành động đúng đắn.

Bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc quốc gia của HSI tại Việt Nam cho biết TVC về giảm tiêu thụ sừng tê giác sẽ được phát liên tục trong vòng 6 tháng, bắt đầu từ tháng Một này. Thông qua việc truyền tải thông điệp của chiến dịch đến nhóm hành khách của VNA, HSI kỳ vọng nhu cầu sử dụng sừng tê giác sẽ giảm đáng kể.

Bà Thẩm Hồng Phượng tin tưởng, việc giảm nhu cầu sử dụng sẽ giảm được các vụ săn trộm sừng tê giác tại châu Phi.

Tiến sỹ TeresaTeleky, Phó Chủ tịch HSI phụ trách Chương trình Động vật hoang dã, cho biết thêm: “Nhu cầu cao về sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã tại Việt Nam và các nước châu Á là một trong các mối đe dọa chính đối với các loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng trên khắp thế giới. Tôi hy vọng thông điệp của đoạn phim có thể chạm tới cảm xúc của những người sử dụng để họ dần thay đổi hành vi của mình.”

“Khi mới nghe ý tưởng kịch bản, tôi đã vô cùng ấn tượng và xúc động với hình ảnh cậu bé dũng cảm đứng lên để bảo vệ những chú tê giác, khoảnh khắc có thể khơi gợi được sự thay đổi cảm xúc. Chính nhờ khoảnh khắc cao trào này, tôi đã hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc ngưng sử dụng sừng tê giác trong cuộc sống. Tôi rất vinh dự khi được góp sức vào nỗ lực chấm dứt vấn đề nhức nhối là nạn tiêu thụ sừng tê giác tại Việt Nam,” đạo diễn Kathy Uyên chia sẻ.

HSI là một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ và phúc lợi động vật trên khắp thế giới với mục tiêu bảo vệ tất cả các loài động vật, bao gồm động vật bị dùng cho mục đích thí nghiệm, động vật trang trại, thú nuôi trong nhà và động vật hoang dã.

HSI mong muốn hợp tác với các hiệp hội doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước để chia sẻ đoạn phim có ý nghĩa này thông qua các trang thông tin điện tử. Cả ba phiên bản của bộ phim ngắn này sẽ được phát chính thức trên các mạng xã hội của HSI và các đối tác truyền thông của dự án.

Lý Thanh Hương

Bạn đang đọc bài viết Phim 'Mai sau con lớn' mang thông điệp chấm dứt nạn săn bắt tê giác. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới