Thứ ba, 19/03/2024 09:46 (GMT+7)
Thứ năm, 18/05/2023 07:55 (GMT+7)

Phát triển than, điện của TKV [kỳ 3]: Bất cập trong hệ thống pháp luật (Phần 3)

Theo dõi KTMT trên

Hướng hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia lĩnh vực khai thác khoáng sản cũng như trong ngành than đến năm 2030, cần đảm bảo các yêu cầu như tính đồng bộ, kế thừa, hiện đại, linh hoạt, mở cũng như xây dựng mới, đổi mới và hội nhập.

KỲ 3: BẤT CẬP, HẠN CHẾ TRONG CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH CỦA TKV (PHẦN 3)

Trong phần 3 của kỳ này là những hạn chế trong hệ thống văn bản pháp luật khác đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoảng sản Việt Nam (TKV). Đặc biệt là trong việc ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá liên quan... đang cản trở sự phát triển bình thường của ngành than, điện của TKV.

Quy định về văn bản pháp luật:

Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định “Quyết định của Thủ tướng Chính phủ không phải là văn bản quy phạm pháp luật trong các trường hợp: a) Phê duyệt chiến lược, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch”. Tuy nhiên, trong Luật Khoáng sản 2010 có quy định rõ về Chiến lược tại Điều 9 (Chiến lược khoáng sản). Đồng thời, đối với ngành than: Chiến lược phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 tại Quyết định số 89/2008/QĐ-TTg ngày 7 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ là căn cứ để lập Quy hoạch phát triển ngành than (Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 9/1/2012, Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 16/3/2016, Quyết định số 1265/QĐ-TTg ngày 24/8/2017).

Vì vậy, cần có hướng dẫn làm rõ đối với văn bản quy phạm pháp luật về chiến lược, chương trình… làm căn cứ thực hiện các bước tiếp theo. Hơn nữa, hiện nay chưa có quy định về thời kỳ của chiến lược phải phù hợp vói thời kỳ của quy hoạch theo Luật Quy hoạch.

Còn với quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật: Tại Khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”.

Tuy nhiên, trong Luật không có giải thích từ ngữ “văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản” nên đơn vị thực hiện không có căn cứ để xác định một văn bản quy phạm pháp luật được coi là quy định chi tiết dẫn đến tình trạng Luật hết hiệu lực, được sửa đổi, bổ sung, thay thế, nhưng Nghị định được ban hành căn cứ vào Luật đó vẫn còn tồn tại,. Mặt khác, Nghị định hết hiệu lực, được sửa đổi, bổ sung, thay thế, nhưng Thông tư được ban hành căn cứ vào Luật, Nghị định đó vẫn còn tồn tại.

Về an ninh năng lượng: Hiện chưa có các luật quy định về đầu tư các dự án, công trình sử dụng vốn nhà nước đảm bảo an ninh năng lượng không nhằm mục đích kinh doanh.

Quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá liên quan:

Quy chuẩn, tiêu chuẩn:

Hệ thống văn bản quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến phát triển năng lượng trong ngành than đang sử dụng có khối lượng rất lớn bao gồm 63 bộ quy chuẩn, trên 400 tiêu chuẩn. Phân chia hệ thống quy chuẩn theo các bộ ban hành như sau: Bộ Công Thương (27), Bộ Giao thông vận tải (4), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (4), Bộ Tài nguyên và Môi trường (10), Bộ Xây dựng (16), Bộ Quốc phòng (1).

Các quy chuẩn đã được xây dựng nhằm đồng bộ hóa theo Luật Tiêu chuẩn. Tuy nhiên, hệ thống quy chuẩn và tiêu chuẩn chậm được nghiên cứu, đổi mới nên chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội cũng như ngành than. Phần lớn các tiêu chuẩn này được biên soạn từ lâu, có niên hạn sử dụng quá dài (TCVN 3905:1984, TCVN 4417:1987, TCVN 4616:1988…). Chỉ có một phần nhỏ các tiêu chuẩn được thực hiện theo lộ trình soát xét theo chu kỳ 5 năm.

Nội dung quy chuẩn, tiêu chuẩn chậm đổi mới, chưa theo kịp với yêu cầu thực tế, một số nội dung chưa thể áp dụng trong điều kiện kinh tế - kỹ thuật hiện tại. Nội dung giữa các văn bản còn có sự chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu sự đồng bộ, thống nhất, chưa đạt được sự đồng thuận giữa các bên có liên quan. Do chủ yếu dựa vào các quy chuẩn, tiêu chuẩn nước ngoài nên nhiều nội dung của quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa tính đến điều kiện tự nhiên (địa hình, địa chất, thủy văn), điều kiện kinh tế, xã hội giữa các vùng, miền, trình độ tư vấn, thi công ở Việt Nam.

Mặt khác, các nội dung quy chuẩn, tiêu chuẩn khi thì chung chung, khi quá chi tiết nên khó áp dụng. Nhiều nội dung trong quy chuẩn, tiêu chuẩn mang tính quản lý hành chính nên không phù hợp với một văn bản kỹ thuật.

Bên cạnh đó, một số bất cập khác cũng làm giảm đi tính hiệu lực của hệ thống này trong hoạt động xây dựng và quản lý nhà nước - đó là người sử dụng không biết về sự tồn tại của hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn đó (do thiếu thông tin, các ấn phẩm phát hành không kịp thời, không được phổ biến, tập huấn…). Nội dung quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa đáp ứng yêu cầu và chưa đạt được sự đồng thuận của các bên tham gia (cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người tiêu dùng, các nhà khoa học).

Để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tạo hành lang pháp lý trong phát triển năng lượng đối với ngành than công tác biên soạn quy chuẩn, tiêu chuẩn cho lĩnh vực này cần phải có sự đổi mới, trong đó tiêu chí “an toàn”, “bền vững”, “iệu quả” là các tiêu chí quan trọng hàng đầu trong thiết kế, xây dựng công trình. Những yêu cầu mang tính bắt buộc liên quan đến an toàn, sức khỏe của người lao động, dân cư trong vùng và môi trường phải được điều chỉnh trong hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Vì vậy, hướng hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia lĩnh vực khai thác khoáng sản cũng như trong ngành than đến năm 2030, cần đảm bảo các yêu cầu như tính đồng bộ, tính kế thừa, tính hiện đại, tính linh hoạt, mở cũng như xây dựng mới, đổi mới và hội nhập.

Định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá liên quan:

Việc ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá liên quan còn chưa cập nhật được tính thực tế và thị trường. Cụ thể:

1/ Giá than trong nước, nhất là giá than cho sản xuất điện có sự quản lý của Nhà nước chưa được điều chỉnh kịp thời với tăng giá thành sản xuất.

2/ Đầu tư thăm dò, khai thác than ở nước ngoài là một hoạt động tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể.

3/ Với việc đấu thầu cung cấp than nhập khẩu cho các nhà máy nhiệt điện than theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế (Thông báo số 69/TB-BCT ngày 27/3/2018 của Bộ Công Thương) thực tế có một số tồn tại. Cụ thể là các chủ mỏ và nhà cung cấp lớn không tham gia đấu thầu, chủ yếu các công ty thương mại tham gia thầu; chất lượng giao hàng không đồng nhất trong toàn bộ gói thầu, nguồn cung không cụ thể, không ổn định; thời gian đấu thầu kéo dài nên có khi đánh mất cơ hội...

4/ Đối với các quy định về thị trường than, hay mức thuế suất tài nguyên than cộng với tiền cấp quyền khai thác hiện hành của Việt Nam hiện nay còn ở mức cao so với các nước trên thế giới, trong khi hầu hết các mỏ than đã khai thác hàng chục năm, thậm chí đến 100 năm và bước vào thời kỳ có điều kiện khai thác khó khăn, phức tạp.

5/ Quy định về trích tối đa 30% vào quỹ đầu tư phát triển, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi theo quy định, phần còn lại sẽ được nộp về ngân sách Nhà nước theo Điều 31 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tích luỹ vốn để tái đầu tư dự án.

6/ Chính sách thuế, phí đối với than ngày càng tăng cao (thuế phí chiếm tới khoảng 16% giá thành than) làm cho giá thành khai thác ngày càng tăng lên, dẫn đến giá thành than tăng cao, khả năng cạnh tranh của than Việt Nam thấp so với than nhập khẩu và ảnh hưởng đến mức độ tận thu trong khai thác than.

Đón đọc kỳ tới...

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Phát triển than, điện của TKV [kỳ 3]: Bất cập trong hệ thống pháp luật (Phần 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo sớm thiên tai
Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Đáng chú ý sẽ nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam quyết tâm sản xuất hydrogen xanh
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin mới