Thứ sáu, 22/11/2024 18:58 (GMT+7)
Thứ sáu, 01/03/2019 16:19 (GMT+7)

Phát triển Nông nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ hiện nay

Theo dõi KTMT trên

Tóm tắt

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0 dự báo là một xu thế lớn, có tác động toàn diện đến sự phát triển kinh tế – xã hội của các quốc gia, từng khu vực và toàn cầu. Ngày 20/01/2016, Diễn đàn kinh tế thế giới đã khai mạc với chủ đề “Làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, điều này cho thấy sự quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn thế giới hiện nay. Cuộc cách mạng này được cho là tác động toàn diện đến mỗi quốc gia và toàn thế giới. Các nghiên cứu gần đây đều cho thấy, cuộc cách mạng này sẽ đưa lại cấu trúc mới cho nền kinh tế thế giới và các quốc gia. Vai trò của các quốc gia phát triển dựa vào tài nguyên sẽ suy giảm, vai trò của các quốc gia dựa chủ yếu vào sáng tạo, đổi mới và công nghệ được tăng cường. Cấu trúc nền kinh tế mỗi quốc gia và cấu trúc mỗi ngành, mỗi lĩnh vực kinh tế của các quốc gia đều thay đổi. Nông nghiệp là ngành kinh tế có thế mạnh và truyền thống lâu đời ở Việt Nam, trước cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 cần nhận thức rõ cơ hội để phát triển. Bài viết tập trung làm rõ sự ra đời của cách mạng 4.0, đặc biệt chỉ ra những nội dung của cách mạng 4.0. Qua đó chỉ ra tính tất yếu nông nghiệp Việt Nam phải phát triển theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, phát triển nghiệp công nghệ cao (CNC). Đánh giá những thành công hạn chế trong phát triển nông nghiệp CNC ở Việt Nam. Chỉ ra phương hướng và giải pháp đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC ở Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: cách mạng công nghiệp 4.0, nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp.

  1. SỰ RA ĐỜI CỦA CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 VÀ NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
  2. Sự ra đời và đặc trưng của cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp nổ ra, sẽ tạo cho thế giới một nấc thang phát triển mới. Thành tựu của khoa học kỹ thuật giải phóng dần con người khỏi quá trình sản xuất. Hàng ngàn năm lao động thủ công, sức lao động của con người là động lực vận hành công cụ lao động thô sơ, tác động vào tự nhiên, biến tự nhiên thành sản phẩm có ích của cho con người. Thời đại của lao động thủ công, sức người + sức súc vật + công cụ lao động là công nghệ sản xuất phổ biến.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất nổ ra vào những năm đầu của thế kỷ XVIII tại Tây Âu và Bắc Mỹ, một phần sức lao động của con người được giải phóng, sức súc vật được thay thế bằng động cơ hơi nước. Việc phát minh ra động cơ hơi nước đã đưa công nghệ sản xuất sang thời đại cơ khí hóa. Sức lao động của con người + Máy phát lực (động cơ hơi nước) + Máy truyền lực + Máy công cụ là công nghệ sản xuất giai đoạn này. Sự ra đời của động cơ hơi nước đã đưa lại sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực giao thông đường sắt và đường biển ở các nước Tây Âu.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, xuất hiện và phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đặc trưng của cuộc cách mạng này là sự xuất hiện của động cơ diegen, động cơ điện. Công nghệ sản xuất sự thay đổi, một phần cơ bản sức lao động của con người được giải phóng. Sức lao động + Máy phát lực (động cơ điện, động cơ diegen) + Máy truyền lực + Máy công cụ là công nghệ sản xuất giai đoạn này. Máy phát lực – động cơ điện là một bước tiến vĩ đại đã đưa sức sản xuất tăng vọt, thời đại của công nghiệp hóa, sản xuất hàng loạt bắt đầu.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, nổ ra vào những năm 60 đến 70 của thế kỷ XX. Cuộc cách mạng này có những nội dung bao trùm rộng lớn: (i) công nghệ sản xuất chuyển sang công nghệ tự động hóa. Trực tiếp trong quá trình sản xuất, sức lao động cơ bắp của con người chỉ cần một lượng rất nhỏ + Máy phát lực + Máy truyền lực + Máy công cụ + Bộ phận điều khiển thông minh; (ii) Năng lượng mới (năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng, năng lượng gió…) được khai thác; (iii) Vật liệu mới (sợi carbon; chất bán dẫn…); (iv) Công nghệ sinh học (công nghệ gen, công nghệ tế bào; công vi sinh); (v) công nghệ thông tin (viễn tin học, vô tuyến, internet) đã làm cho sản xuất và đời sống xã hội bước lên một tầm cao mới giai đoạn cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, lao động cơ bắp của con người hầu như được giải phóng, tạo cơ hội cho sự sáng tạo và đổi mới. Đặc trưng nổi bật của cuộc cách mạng này là tốc độ đổi mới cực kỳ nhanh, vòng đời của công nghệ ngắn. Cuộc cách mạng này đánh dấu một thời đại kinh tế mới ra đời – nền kinh tế tri thức.

Năm 2011, Hội chợ công nghệ Hanover, cộng hòa Liên Bang Đức, thuật ngữ “Công nghiệp 4.0” lần đầu tiên được đưa ra. Sau đó, thuật ngữ này được sử dụng trong giới nghiên cứu và hiệp hội công nghiệp hàng đầu của Đức. Năm 2016, thế giới xôn xao đón chào hệ thống các sự kiện để nhận diện cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, tìm ra cơ hội để phát triển. Ngày 20/1/2016, diễn đàn kinh tế thế giới đã khai mạc với chủ đề “Làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, với sự kiện này thuật ngữ “công nghiệp 4.0” được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới.

Nội dung của cách mạng công nghệ lần thứ tư (4.0): Xu hướng kết hợp công nghệ cảm biến, phân tích dữ liệu lớn, điện toán đám mây, kết nối internet vạn vật đang thúc đẩy phát triển máy móc tự động hóa và hệ thống sản xuất thông minh; Công nghệ in 3D cho phép sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh nhờ nhất thể hóa các dây chuyền sản xuất không phải qua giai đoạn lắp ráp các thiết bị phụ trợ. Công nghệ này cho phép loại bỏ các khâu sản xuất trung gian, từ đó cắt giảm các khoản chi phí cho các khâu trung gian đó; Công nghệ nano và vật liệu mới cho phép tạo ra các cấu trúc vật liệu mới ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực; Trí tuệ nhân tạo và điều khiển học có bước phát triển vượt bậc cho phép người kiểm soát từ xa mọi thứ, không giới hạn về không gian và thời gian, tương tác nhanh và chính xác hơn.

Vậy cách mạng công nghiệp 4.0 vừa tạo ra cơ hội vừa đặt ra yêu cầu cấp thiết nông nghiệp Việt Nam phải phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

  1. Khái niệm, nội dung và vai trò của công nghệ cao trong nông nghiệp
  2. Khái niệm

Nông nghiệp công nghệ cao được định nghĩa là hệ thống nông nghiệp ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới với nền tảng công nghệ thông minh và nguồn lực đầu tư lớn, nhằm tối đa hóa quy trình và phương thức sản xuất.

Các công nghệ ứng dụng trong hệ thống nông nghiệp công nghệ cao là: công nghệ sinh học mới; công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây…); công nghệ sinh học; công nghệ tự động hóa; công nghệ in 3D; công nghệ vật liệu mới; năng lượng tái tạo.

  1. Nội dung và vai trò của CNC trong nông nghiệp

Công nghệ số trong nông nghiệp công nghệ cao:

Trong thực tiễn, có thể ứng dụng các nội dung công nghệ số vào quản lý và tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên nhiều khía cạnh: Lập kế hoạch cho sản xuất, tính toán chi phí, doanh thu theo mùa vụ: Các phần mềm quản lý ứng dụng trong nông nghiệp cho phép các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao có thể kiểm soát gần như toàn bộ chi phí cho quá trình sản xuất kinh doanh của một mùa vụ, hay cả năm, theo từng ngành hàng. Đồng thời tính toán doanh thu tương đối chính xác, tạo bảng cân đối thu, chi và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Là cơ sở để giảm bớt nhân công và chi phí cho quản lý sản xuất trong nông nghiệp CNC. Thu thập, phân tích các thông số của đất, nước, không khí như: nhiệt độ, áp suất, độ ẩm, lượng mưa, mật độ ánh sáng, tốc độ gió, áp suất…Các thông tin trên là cơ sở để sản xuất nông nghiệp CNC điều khiển các thiết bị tích hợp như hệ thống tưới, làm mát, đèn chiếu sáng, màn chắn…để giữ cho các điều kiện môi trường sinh trưởng phát triển của cây trồng, vật nuôi tuân theo đúng quy trình chuẩn, đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra đúng chuẩn yêu cầu. Ứng dụng công nghệ số để kiểm soát được hoàn toàn số lượng và chất lượng sản phẩm đầu ra. Ứng dụng phần mềm và chíp cảm biến trên toàn bộ hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp CNC, để tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất từ khâu ươm mầm, gieo hạt, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản nông sản sau thu hoạch. Kết hợp dữ liệu lớn với internet vạn vật để gắn kết nhanh và chặt chẽ, rút ngắn chuỗi tiêu thụ nông sản. Cải thiện chất lượng công tác dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dự báo thị trường thế giới, trong nước và các yếu tố khác…đến sản xuất nông nghiệp. Từ đó, đưa ra những quyết định chính xác trong sản xuất nông nghiệp. Đảm bảo hàng hóa nông sản xuất ra được lưu thông nhanh nhất. Cơ sở dữ liệu lớn và kết nối vạn vật tạo ra các hệ sinh thái chuỗi cung ứng điện tử, kết nối trực tuyến giữa người sản xuất nông nghiệp và người tiêu dùng nông sản. Ứng dụng công nghệ số cho phép truy suất nguồn gốc xuất sứ, quy trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển sản phẩm nông sản, từ đó kiểm soát hiệu quả vệ sinh an toàn thực phẩm.

Công nghệ sinh học trong nông nghiệp công nghệ cao

Trong nông nghiệp CNC có khả năng ứng dụng những thành tựu công nghệ sinh học để giải mã gen nhằm biến đổi hoặc chỉnh sửa các lỗi gen di truyền nhằm tạo ra những giống cây mới có tính năng thích ứng với tình trạng hạn hán, nước nhiễm mặn, nhiễm phèn, chống sâu bệnh, sinh trưởng nhanh, năng suất cao. Công nghệ sinh học giúp xây dựng ngân hàng gen phục vụ cho việc lai tạo giống cho sản xuất nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ vi sinh để tạo ra các chủng vi sinh nhằm sản xuất thuốc trừ sâu, phân bón…với những đặc điểm vượt trội như giúp cân bằng hệ sinh thái, cải thiện môi trường vật lý, hóa học, sinh học của đất để góp phần tăng độ phì nhiêu cho đất, tiêu diệt các tác nhân gây hại, gây bệnh; lưu giữ, sản sinh nước và các chất dinh dưỡng, phân hủy và chuyển hóa các phế thải sinh học, phế thải nông nghiệp.

Công nghệ tự động hóa trong nông nghiệp CNC

Robot trang bị thiết bị cảm biến siêu quang phổ, độ nét cao và máy ảnh nhiệt, màn hình hiển thị thời tiết và máy quét xung laze để thu thập dữ liệu về độ tăng trưởng của cây trồng vật nuôi và các thông tin về môi trường, dữ liệu thu thập được sẽ được lưu giữ trên máy tính tích hợp sẵn và truyền đến thiết bị điện tử của người sử dụng. Ứng dụng robot trong sản xuất nông nghiệp CNC giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí quản lý, tối ưu hóa các yếu tố đầu vào, đầu ra và dự báo tăng trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi. Ước tính được năng suất sinh khối cho từng đơn vị cây trồng, vật nuôi riêng lẻ và nhóm cây trồng, vật nuôi. Trên thế giới đã ứng dụng robot trong thu hoạch, trong bảo quản nông sản, trong quá trình sản xuất nông nghiệp

Công nghệ in 3D

Với nông nghiệp, công nghệ in 3D giúp thiết kế, sản xuất, cung cấp các thiết bị, máy móc, dụng cụ sản xuất nông nghiệp với thời gian sản xuất nhanh, giá thành thấp, chất lượng chuẩn.

Công nghệ vật liệu mới

Ở cách mạng công nghiệp 4.0, thành tựu trong lĩnh vực vật liệu mới đạt được đó là sự xuất hiện của các vật liệu có các tính năng đặc biệt như: nhẹ hơn, bền hơn, có thể tái chế, dễ thích ứng trong sản xuất nông nghiệp; các vật liệu thông minh có thể tự phục hồi và làm sạch, khôi phục hình dạng ban đầu; các vật liệu nano…Công nghệ vật liệu mới có khả năng ứng dụng rất cao trong nông nghiệp CNC. Trong bảo quản nông sản, thực phẩm, giúp làm sạch vi khuẩn, nấm bám để nâng cao chất lượng và kéo dài hạn sử dụng. Đặc biệt, vật liệu nano được ứng dụng để sản xuất phân bón lá, giúp cho quá trình hấp thu phân bón nhanh, hiệu suất hấp thụ cao, tránh được thất thoát do quá trình rửa trôi và phân tán khi bón qua đường rễ cây. Ứng dụng công nghệ nano trong xử lý hạt giống để cải thiện tốc độ nảy mầm và sinh trưởng. Tạo ra những cây giống, con giống khỏe mạnh và có tốc độ sinh trưởng cao, chống chịu được các tác nhân gây bệnh, gây hại và thích ứng với những biến đổi của môi trường. Ứng dụng công nano trong việc giữ nguyên phẩm chất tươi ngon, đảm chất lượng và năng suất thu hoạch sản phẩm.

Năng lượng tái tạo

Ứng dụng năng lượng tái tạo nhằm cung cấp năng lượng cho sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường từ việc tận dụng các phế phẩm, phụ phẩm, các chất thải của cây trồng, vật nuôi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp với chi phí thấp so với các nguồn năng lượng không tái tạo truyền thống.

  1. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO VIỆT NAM
  2. Thành tựu đạt được

Sau hơn 6 năm thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 của Chính phủ, nông nghiệp CNC của Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Thứ nhất, sự phát triển các loại hình sản xuất nông nghiệp CNC, như các khu nông nghiệp CNC, các điểm sản xuất nông nghiệp CNC và các vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng CNC, các tập đoàn, doanh nghiệp ứng dụng CNC trong nông nghiệp.

Các khu nông nghiệp công nghệ cao do Nhà nước quy hoạch và quyết định thành lập đã đem lại hiệu quả thiết thực và ngày càng thể hiện được ưu thế vượt trội so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Tiêu biểu cho mô hình này là Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Với diện tích 88 ha, được xây dựng từ năm 2004 và đi vào hoạt động từ năm 2010. Khu nông nghiệp công nghệ cao này chủ yếu cung cấp hạt giống chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao các mô hình sản xuất rau, dưa an toàn, nhân giống hoa lan cấy mô, cá cảnh cho nông dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp ngành nông nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận. Ngoài ra, còn chuyển giao các mô hình ứng dụng công nghệ cao trên hoa lan, rau ăn lá, chế phẩm sinh học vào thực tiễn sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, thông qua việc xây dựng chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, kết nối với chuỗi cung ứng trên thế giới.

Khu nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) cũng được đánh giá là mô hình đạt hiệu quả kinh tế, xã hội cao. Từ việc chuyển đổi các diện tích canh tác kém hiệu quả sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, riêng diện tích lúa đã chuyển sang các loại cây trồng khác trên 600 ha. Nhờ đó góp phần quan trọng đưa giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác tăng gấp đôi, từ 80 triệu đồng/ha/năm vào năm 2011, đến năm 2017 đạt 175 triệu đồng/ha/năm, đem lại lợi ích khá cao cho người nông dân trên địa bàn huyện.

Các điểm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là mô hình phát triển tương đối mạnh ở các địa phương trong cả nước. Điển hình cho loại hình này là cơ sở ứng dụng sản xuất giống và sản xuất cây trồng chất lượng cao 16 ha tại Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội, Trung tâm phát triển nông, lâm nghiệp với công nghệ cao ở Hải Phòng… có hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại từ công nghệ của Israel, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm và bón phân có kiểm soát qua ống tưới của Israel cho năng suất cao gấp 3 lần so với phương pháp truyền thống.

Tạo những vùng sản xuất chuyên canh ứng dụng công nghệ cao. Điển hình của loại hình này là các vùng sản xuất rau an toàn, hoa cao cấp ở các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Trì (Hà Nội); mô hình 100 trang trại trồng nấm ở huyện Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc), sản lượng đạt 500 tạ/năm; mô hình trồng hoa áp dụng các công nghệ mới, như tạo giống tốt, vườn ươm, nhà lưới, kho mát bảo quản đóng gói tại huyện Mê Linh, có 1.000 ha chuyên sản xuất hoa cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; mô hình sản xuất rau an toàn 600 ha tại Đà Lạt được sản xuất cách ly trong nhà lưới; mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa xuất khẩu, mô hình nuôi cá tra sạch tại đồng bằng sông Cửu Long.

Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Rừng Hoa Đà Lạt, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đà Lạt G.A.P ở Lâm Đồng, Công ty TH True Milk ở Nghệ An, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Him Lam, Vingroup, Hòa Phát. Với tiềm lực về tài chính và thị trường lớn mạnh, các tập đoàn đang đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp ở Việt Nam.

Công ty CP Công nghệ Sinh học rừng hoa Đà Lạt đã ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật, sản xuất và quản lý công nghiệp, hợp tác kỹ thuật với các chuyên gia và doanh nghiệp nước ngoài, ứng dụng thành công công nghệ xử lý hoa tươi, giúp cho hoa kéo dài tuổi thọ, sắc màu và độ mềm mại đến hơn 5 năm. Công nghệ này giúp cánh hoa mãi tươi thắm, màu sắc đa dạng, chủng loại phong phú: hoa hồng, hoa lan, cẩm tú cầu, đồng tiền, salem, sao tím, lá các loại, cành và quả từ nguyên liệu thiên nhiên.

Công ty TNHH Dalat G.A.P đã đầu tư toàn bộ diện tích (4,8 ha trồng rau và 2,8 ha sản xuất giống rau) đều được sản xuất trong nhà kính, trên giá thể, vỉ xốp và tưới nhỏ giọt tự động. Vì vậy, không chỉ tiết kiệm phân bón, nước tưới, tăng năng suất mà sản phẩm rau của Dalat G.A.P còn đạt tiêu chuẩn an toàn. Năm 2017, Công ty Dalat G.A.P còn áp dụng phương pháp khí canh (trồng cây trong không khí, không cần đất) để trồng cây khoai tây lấy giống, tạo cây giống sạch và năng suất cao gấp 4 lần so với phương pháp truyền thống. Trung bình 1 ha sản xuất rau sạch phải đầu tư khoảng 2 tỷ đồng, bao gồm hệ thống nhà kính để ngăn côn trùng, dịch bệnh; hệ thống tưới tiêu; thuốc bảo vệ thực vật, phân bón theo danh mục của Bộ NN&PTNT.

Công ty Công ty CP sữa TH (TH True Milk) đã áp dụng công nghệ quản lý đàn Afifarm của công ty SEAAfakim (Isael) – một hệ thống quản lý trang trại bò sữa hiện đại nhất thế giới. Bò được đeo thẻ và gắn chip điện tử ở chân để theo dõi tình trạng sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và sản lượng sữa. Hệ thống chuồng trại có mái che, gắn quạt, thức ăn được phân loại, nước được lọc để đảm bảo kiểm soát toàn bộ thức ăn đầu vào cho bò. Công ty đã đầu tư và hoàn thành chuỗi giá trị liên hoàn từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch bao gồm quy hoạch vùng nguyên liệu, nhà máy sản xuất thức ăn cho đến trang trại bò sữa, nhà máy chế biến sữa tươi lớn nhất Đông Nam Á và hệ thống phân phối TH True Mart với những quy chuẩn công nghệ hiện đại trên thế giới.

Tập đoàn Vingoup với thành viên trong lĩnh vực nông nghiệp CNC mang tên VinEco. VinEco tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp từ tháng 3/2015, tổng số vốn đầu tư lên tới 4000 tỷ đồng và quy mô 1000 nhân sự. VinEco có 3 vùng sản xuất lớn ở miền Bắc, miền Nam, Lâm Đồng với 14 nông trường đã và đang chuẩn bị đưa vào sản xuất. Công nghệ sản xuất của VinEco hoàn toàn khép kín, tự động hóa, quản lý bằng công nghệ số từ khâu thiết kế sản xuất đến khâu đưa nông sản đến tay người tiêu dùng. Hiện nay, VinEco đã đưa vào thị trường hơn 300 chủng loại sản phẩm phong phú, với sản lượng gần 100 tấn/ngày và được phân phối chuỗi VinMart, VinMart+.

Ngoài ra, còn có rất nhiều công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản tích cực áp dụng CNC trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nhưng chưa đủ tiêu chí để được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC.

Thứ hai, sự đa dạng về nội dung công nghệ cao được ứng dụng trong nông nghiệp.

Xét theo nội dung của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nông nghiệp CNC ở Việt Nam đã có những thành tựu ban đầu, hầu hết các nội dung đã được các doanh nghiệp ứng dụng vào sản xuất kinh doanh.

Ở lĩnh vực công nghệ số trong nông nghiệp, các doanh nghiệp NN CNC ở Việt Nam đã triển khai được một số nội dung như gắn các máy cảm biến để theo dõi sức khỏe của cây trồng vật nuôi, để theo dõi độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng để đảm bảo điều chỉnh các yếu tố phù hợp với nhu cầu sinh trưởng của cây trồng vật nuôi. Các doanh nghiệp NN CNC đã ứng dụng phần mềm quản lý từng khâu hoặc toàn bộ hệ thống sản xuất nông nghiệp. Giúp doanh nghiệp quản lý chính xác đầu vào, đầu ra, hiệu quả của sản xuất.

Ở lĩnh vực công nghệ sinh học, NN CNC ở Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong công nghệ giống. Những giống mới được tạo ra phù hợp với các điều kiện thay đổi của môi trường, có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Công nghệ phân bón, thuốc trừ sâu tạo ra các loại phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn vi sinh đảm bảo cho sự phát triển tốt của cây trồng, vật nuôi đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái. Năng suất lao động trong NN CNC cao hơn rất nhiều so với nông nghiệp truyền thống.

Trong lĩnh vực tự động hóa, các doanh nghiệp CNC trong NN đã ứng dụng hệ thống tưới tiêu tự động, hệ thống chíp tự điện tử theo dõi sức khỏe, theo dõi quá trình sinh trưởng cây trồng, vật nuôi. Hệ thống tự động cho vật nuôi ăn, bón phân, bón nước cho cây trồng theo nhu cầu của cây trồng, vật nuôi. Ứng dụng công nghệ này có ý nghĩa to lớn trong việc giảm chi phí về nhân công, cung cấp dinh dưỡng hiệu quả nhất cho sự phát triển của cây trồng vật nuôi.

Trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao biểu hiện cụ thể vật liệu xây dựng nhà kính, bể kính, ao nuôi, chuồng trại, đất vi sinh, nước vi sinh, dụng cụ bảo quản nông phẩm. Giúp quản lý một cách chính xác tuyệt đối các điều kiện môi trường liên quan đến quá trình sản xuất nông sản.

Công nghệ năng lượng tái tạo trong NN CNC thể hiện trong việc các chất thải trong sản xuất nông nghiệp thành năng lượng để sưởi ấm, thắp sáng, tưới tiêu, phân bón phục vụ trở lại quá trình sản xuất của các doanh nghiệp NN CNC, tiết kiệm một lượng chi phí lớn cho doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái.

Những thành tựu của ứng dụng CNC trong nông nghiệp đã giúp chủ động tạo ra nguồn nông sản sạch, có giá trị kinh tế cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Giải phóng sức lao động cơ bắp của con người, tiết kiệm các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái. Thành tựu đó là tiền đề để chúng ta xây dựng một nền nông nghiệp thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu mạnh mẽ hiện nay.

  1. Hạn chế

Có thể nói, những mô hình nông nghiệp công nghệ cao nói trên đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực và đang dần trở thành hướng đi chủ yếu cho nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn và có những hạn chế nhất định:

Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp nói chung và doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao có tỷ trọng rất thấp. Theo số liệu của tổng cục thống kê, từ năm 2007 đến năm 2017, số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng từ 2.397 lên 4.866 doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp nông nghiệp trong tổng số doanh nghiệp trên cả nước có xu hướng giảm liên tục, năm 2007 là 1,61% đến 2017 là 0,98%. Điều đó cho thấy nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng chưa có sức hấp dẫn với doanh nghiệp.

Nguồn: Tổng cục thống kê, 2017

Tính đến năm 2017, Việt Nam có 38 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đi vào quy hoạch xây dựng, chủ yếu quy mô nhỏ, dưới 200 ha. 7 khu đã đi vào hoạt động, trong đó chỉ có 3 khu hoạt động có hiệu quả. Các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chỉ tập trung vào một số các sản phẩm cà phê, chè, thanh long, rau an toàn, hoa, bò sữa, bò thịt, lợn thịt, gia cầm, tôm, cây lâm nghiệp. Cả nước mới có 25 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm chưa tới 1% tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. NN CNC còn khó khăn trên mọi lĩnh vực (Nguồn: Ipsard, 2016).

Khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Đây là một yếu tố quan trọng, bởi lẽ, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trước tiên phải có vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo người lao động, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm… Ước tính, ngoài chi phí vốn đầu tư cho xây dựng kết cấu hạ tầng, giống, đào tạo người lao động,… để xây dựng được một trang trại chăn nuôi quy mô vừa theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, cần khoảng 140 tỷ đồng – 150 tỷ đồng (gấp 4 lần – 5 lần so với trang trại chăn nuôi truyền thống); 1 ha nhà kính hoàn chỉnh với hệ thống tưới nước, bón phân có kiểm soát tự động theo công nghệ của Israel cần ít nhất từ 10 tỷ đồng – 15 tỷ đồng. Song thực tế ở nước ta hiện nay, đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với vai trò, tiềm năng phát triển. Nguồn vốn đầu tư mới chỉ đáp ứng được 55% – 60% yêu cầu, hiệu quả đầu tư lại không cao. Hiện nay, cả nước chỉ có khoảng 4.428 doanh nghiệp trong nông nghiệp, chiếm 0,95 % tổng số doanh nghiệp cả nước. Số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, với số vốn dưới 5 tỷ đồng, chiếm tới 65%. (Nguồn: IPSARD, 2017)

Mặc dù là ngành có tiềm năng và lợi thế để phát triển, song tỷ trọng vốn FDI vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản ở Việt Nam luôn thấp. Tính đến 2017, mới có 587 dự án FDI còn hiệu lực trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 4 tỷ USD, chiếm 2,8% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đầu tư FDI tại Việt Nam. Thiếu vốn đầu tư đang là một rào cản không nhỏ đối với phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta.

Khó khăn về nguồn nhân lực. Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực tế ở nước ta, nguồn nhân lực chất lượng cao am hiểu về khoa học – kỹ thuật trong nông nghiệp còn thiếu và yếu. Chất lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập.

Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2017 lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong khu vực nông nghiệp chiếm 41,9% tổng lực lượng lao động toàn xã hội. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo đạt 20,6% (Nguồn: Tổng cục thống kê, 2017). Trình độ thấp kém của người lao động đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp cận với khoa học và công nghệ hiện đại. Trong khi đó, việc đào tạo đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa bám sát yêu cầu của thực tế cuộc sống. Đây là một trong những yếu tố quan trọng làm cản trở việc thực hiện các chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt đối với những vùng, miền có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.

Khó khăn về tích tụ đất đai và kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn còn nhiều bất cập.

Để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cần phải có đất đai với quy mô lớn, ở vị trí thuận lợi cho sản xuất và lưu thông hàng hóa. Ở nước ta hiện nay, việc phát triển nông nghiệp còn thiếu quy hoạch, quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất còn chậm. Chính sách đất nông nghiệp chưa khuyến khích nông dân bảo vệ đất và đầu tư dài hạn vào đất. Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương, những vị trí thuận lợi thường được ưu tiên cho xây dựng các khu công nghiệp, đô thị, khu vui chơi giải trí.

Thêm vào đó, đất sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay vẫn còn rất manh mún, cả nước có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 10 triệu ha với khoảng 70 triệu thửa đất và gần 14 triệu hộ nông dân. Với tình trạng này, nếu Nhà nước và các cấp chính quyền không có những giải pháp thúc đẩy tích tụ tập trung những diện tích đất đai nhỏ lẻ để xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thì khó có thể khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất, xây dựng nông trang, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Những năm gần đây do thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Song, so với yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao thì vẫn còn khoảng cách khá xa.

Hiện nay, trên cả nước có trên 295.046 km đường bộ, trong đó hệ thống giao thông nông thôn (đường huyện, đường xã, đường thôn) chiếm tới 85%. Nếu xét trên diện rộng, mật độ giao thông nông thôn trên cả nước còn thấp (0,59km/km2); trong đó, mật độ đường huyện chỉ là 0,14km/km2, với tỷ trọng 0,55km/1.000 dân; đường xã là 0,45km/km2 và 1,72km/1.000 dân (Nguồn: Tổng cục thống kê, 2017).

Như vậy, hệ thống đường nông thôn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và tiềm lực của các vùng kinh tế sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Điều này sẽ là một trở ngại lớn cho các doanh nghiệp khi muốn đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở các khu vực có hạ tầng nông thôn kém phát triển.

Khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra một số lượng nông sản lớn, nếu không tính toán kỹ về thị trường sản phẩm làm ra sẽ không tiêu thụ hoặc khó tiêu thụ được. Hiện nay ở nước ta, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn hẹp, không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế sản xuất một số sản phẩm còn thấp, chưa tương xứng với mức độ đầu tư.

Phần lớn nông sản của Việt Nam xuất khẩu mới chỉ ở dạng thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp, nhiều loại nông, lâm, thủy sản chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế. Mặt khác, khi hiệp định tự do về thương mại giữa Việt Nam và các nước có hiệu lực thì cạnh tranh về thị trường tiêu thụ nông sản trong nước sẽ ngày càng gia tăng. Hiện nay, các doanh nghiệp bao tiêu mới chỉ tiêu thụ được khoảng 55% số lượng nông sản làm ra trong hợp đồng liên kết, còn lại khoảng 45% doanh nghiệp phải bán ở thị trường tự do đầy rủi ro và bất ổn. Bởi lẽ, nước ta chưa có sở giao dịch hàng hóa nên rủi ro về giá là không thể tránh khỏi.

Sự liên kết hoạt động khoa học – công nghệ giữa các tỉnh, thành trong nước còn rời rạc. Nhiều địa phương chưa xây dựng được kế hoạch hợp tác chặt chẽ giữa tổ chức và cá nhân nghiên cứu khoa học với cơ quan quản lý nghiên cứu, cơ quan chuyển giao kết quả và tổ chức, cá nhân sử dụng kết quả nghiên cứu từ các đề tài, dự án. Mức độ liên kết giữa nghiên cứu khoa học – công nghệ, giáo dục và đào tạo với sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế, thiếu sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức nghiên cứu, phát triển, các trường đại học và doanh nghiệp, các hợp tác xã, nông dân… Do đó, nhiều đề tài, dự án chưa theo kịp những đòi hỏi từ thực tế sản xuất và đời sống.

Khó khăn về tiếp cận các chính sách khuyến khích đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

STT Nội dung hỗ trợ chính sách Số DN cung cấp thông tin Số DN được thụ hưởng Tỷ lệ (%)
1 Tín dụng mua máy móc thiết bị 200 6 3.0
2 Chuyển giao công nghệ nước ngoài 200 1 0.5
3 Đào tạo cán bộ 200 18 9.0
4 Vay vốn tín dụng dễ dàng 199 41 20.6
5 Hỗ trợ vốn điều lệ 200 3 1.5
6 Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng 200 2 1.0

Nguồn: IPSARD, 2015

Số liệu trên cho thấy các doanh nghiệp được cung cấp thông tin về hỗ trợ chính sách đối với doanh nghiệp NN CNC rất nhiều, nhưng tỷ lệ được thụ hưởng rất thấp, do các tiêu chí mà nhà quản lý đưa ra khá xa so với thực tế NN CNC ở Việt Nam.

III. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

  1. Phương hướng

Phương hướng phát triển nông nghiệp CNC của Việt Nam những năm tiếp theo bám sát xu hướng phát triển chung của cách mạng 4.0 và phương hướng chung của đề án phát triển nông nghiệp CNC cao đã được phê duyệt:

Đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh nhằm thực hiện các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp; từng bước mở rộng quy mô và hoạt động của các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kết hợp giữa nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.

Hỗ trợ đầu tư xây dựng và phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có lợi thế và có đủ điều kiện tại các vùng sinh thái khác nhau. Mở rộng các hoạt động trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức hội chợ, triển lãm, trình diễn sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thu hút nguồn đầu tư, nhân lực công nghệ cao trong nước và ngoài nước thực hiện hoạt động ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

Đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư và mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phát triển một loại hay một số loại sản phẩm nông nghiệp hàng hoá có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, như: sản xuất thâm canh lúa chất lượng, lúa đặc sản; sản xuất rau an toàn, chè an toàn, cây ăn quả an toàn; sản xuất hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao; trồng rừng thâm canh; chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng công nghệ cao; nuôi trồng thuỷ sản ứng dụng công nghệ cao.

Từng bước hình thành hệ thống cơ sở dịch vụ công nghệ cao phục vụ nông nghiệp, như: dịch vụ môi giới, tư vấn, đánh giá; dịch vụ tư vấn kỹ thuật, đầu tư, pháp lý, tài chính, bảo hiểm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; dịch vụ cung ứng vật tư, máy móc, thiết bị; dịch vụ tiêu thụ sản phẩm

2. Giải pháp

Quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng chính phủ tháng 5 năm 2015, các vùng, địa phương tiến hành xây dựng quy hoạch chi tiết cho sự phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở địa phương mình.

Yêu cầu việc quy hoạch phải dựa trên nền tảng lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng và kinh tế xã hội của địa phương, trên cơ sở nghiên cứu khảo sát thị trường đầu ra cho nông sản hàng hóa. Quy hoạch mang tính hệ thống, liên kết giữa NN CNC trong nước với thị trường quốc tế, giữa các vùng miền, các tỉnh với nhau trong phát triển NN CNC.

Triển khai các hoạt động nghiên cứu tạo công nghệ cao trong nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc chương trình, đề án trọng điểm đã được Chính phủ phê duyệt, bao gồm: “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”, “Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực thuỷ sản đến năm 2020”. Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực công nghệ cao khác trong nông nghiệp.

Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp

Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho NN CNC ở cả trong nước và nước ngoài. Phối hợp với các cơ sở đào tạo quốc tế để đào tạo và đào tạo lại cán bộ nghiên cứu, chuyên gia công nghệ, cán bộ quản lý ở lĩnh vực NN CNC. Khuyến khích, hỗ trợ để các cơ sở đào tạo trong nước tăng cường đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và kỹ thuật viên về lĩnh vực CNC trong nông nghiệp có đủ tiêu chuẩn theo quy định thuộc các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp, các địa phương. Thông qua các đề tài, dự án để kết hợp đào tạo và đào tạo lại cán bộ nghiên cứu, chuyên gia công nghệ, cán bộ quản lý, công nhân viên kỹ thuật trong lĩnh vực CNC trong nông nghiệp.

Phát triển thị trường thông tin, dịch vụ hỗ trợ hoạt động công nghệ cao trong nông nghiệp

Từng bước hình thành sàn giao dịch công nghệ cao trong nông nghiệp để các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ môi giới, tư vấn, đánh giá; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ tư vấn kỹ thuật, đầu tư, pháp lý, tài chính, bảo hiểm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các dịch vụ khác nhằm thúc đẩy hoạt động công nghệ cao, tiêu thụ, sử dụng sản phẩm công nghệ cao trong nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ cao trong nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, sử dụng, trao đổi thông tin về công nghệ cao trong nông nghiệp; tổ chức, tham gia chợ, hội chợ, triển lãm công nghệ cao trong nông nghiệp quy mô quốc gia, quốc tế.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng và Internet để cho mọi người dân có thể tiếp cận được về các công nghệ cao, các kết quả ứng dụng công nghệ cao, các mô hình phát triển công nghệ cao và các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Coi nông nghiệp cao là một chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, bao gồm: nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; trang trại chăn nuôi, trông trọt công nghệ cao; nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm; thương mại nông sản; người tiêu dùng. Rút ngắn tối đa khoảng cách, chi phí giữa sản xuất và tiêu dùng để nông phẩm công nghệ cao có thể tiếp xúc rộng rãi các đối tượng khách hàng.

Cần có giải pháp để thông tin thị trường được cập nhật thường xuyên và minh bạch, giúp người sản xuất nông phẩm công nghệ cao, người tiêu dùng và cả nền kinh tế không bị thiếu thông tin, lạc hậu về thông tin.

Hợp tác quốc tế

Mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp, đặc biệt là với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức, cá nhân nước ngoài có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến thông qua nghị định thư và dự án hợp tác quốc tế;

Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục pháp lý cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia các chương trình, dự án hợp tác quốc tế, hội, hiệp hội quốc tế và tổ chức khác về phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp;

Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp, ưu tiên hợp tác đào tạo đại học, sau đại học về các ngành kỹ thuật công nghệ cao trong nông nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề tiên tiến khu vực và thế giới thông qua các dự án hợp tác quốc tế cụ thể;

Thực hiện lộ trình hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Việt Nam nhằm nâng cao năng lực làm chủ và sáng tạo công nghệ cao của tổ chức nghiên cứu, đào tạo, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nước.

Nguồn vốn phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp

Đa dạng hoá nguồn vốn cho phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp, bao gồm:

Nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ chi thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Nguồn kinh phí sự nghiệp đào tạo chi cho đào tạo nguồn nhân lực ở nước ngoài và trong nước;

Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản chi cho đầu tư và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp, các khu nông nghiệp và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

Các nguồn vốn khác: ngân sách nhà nước dành cho Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao; vốn từ Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia; vốn từ nguồn hợp tác quốc tế; vốn từ nguồn đóng góp, tài trợ của tổ chức, cá nhân.

Kết luận:

Nghiên cứu đã cho thấy rõ cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra những cơ hội mới cho nền nông nghiệp CNC ở Việt Nam. Ứng dụng nông nghiệp CNC ở Việt Nam đang chập chững trải qua những bước đi đầu tiên với những thành tựu quan trọng nhưng còn vô cùng nhỏ bé. Vô vàn những khó khăn đang đặt ra trước mắt cho sự phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta. Tìm ra những phương hướng đề xuất những giải pháp cho sự phát triển mạnh mẽ của nền nông nghiệp CNC trong thời gian tới.

Nguyễn Thị Khuyên

Ths.NCS, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Đại Quang (2016), Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: thời cơ và các thách thức phi truyền thống, Bài phát biểu của Chủ tịch nước tại Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tháng 3 năm 2016.
  2. Huỳnh Thành Đạt (2016), Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với chính sách khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực của Việt Nam, Bài tham luận tại hội thảo “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển kinh tế – xã hội” của Việt Nam”, Hà nội, 25/11/2016.
  3. Bộ Ngoại giao (2016), Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động đối với Việt Nam và một số kiến nghị, Bài tham luận tại hội thảo “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển kinh tế – xã hội” của Việt Nam”, Hà nội, 25/11/2016.
  4. Bộ Kế hoạch và đầu tư (2016), Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến kinh tế – xã hội Việt Nam” Bài tham luận tại hội thảo “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển kinh tế – xã hội” của Việt Nam”, Hà nội, 25/11/2016.
  5. Bộ Khoa học và công nghệ (2016), Những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với Việt Nam và những kiến nghị xuất phát từ góc độ khoa học và công nghệ, Bài tham luận tại hội thảo “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển kinh tế – xã hội” của Việt Nam”, Hà nội, 25/11/2016.
  6. Thủ tướng chính phủ (2013), Quyết định Phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngày 10/6/2013
  7. Thủ tướng chính phủ (2010), Quyết địnhVề việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, ngày 29/1/2010
  8. Tổng cục thống kê Việt Nam (2017), Niên giám thống kê, 2017, NXB thống kê
  9. http://ipsard.gov.vn/news/default.aspx

Bạn đang đọc bài viết Phát triển Nông nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ hiện nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới