Phát triển mảng xanh tại các đô thị Quảng Ngãi
15 loại cây bóng mát và 10 loại nhóm cây bụi trang trí là danh mục các loại cây khuyến khích trồng tại đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành danh mục cây khuyến khích trồng, cây cấm trồng, cây trồng hạn chế tại đô thị trên địa bàn tỉnh. Theo đó, loại cây được khuyến khích trồng tại đô thị Quảng Ngãi, chia làm 2 nhóm, gồm cây bóng mát với 15 loại và nhóm cây bụi trang trí với 10 loại.
Với 15 loại cây bóng mát bao gồm bằng lăng tím, móng bò tím (hoàng hậu), cây me chua (me ta), giáng hương (cây sưa Quảng Nam), bàng Đài loan (bàng lá nhỏ), giáng hương (sưa vườn, sưa đỏ), lim xẹt (phượng vàng), muồng hoàng yến (muồng hoàng hậu,bọ cạp vàng..), lát hoa, sưa (trắc thối, huê mộc vàng), lim xanh, cây bàng vuông, cây sấu, ngọc lan và cây muồng đen (muồng xiêm).
Nhóm cây bụi trang trí được khuyến khích trồng (15 loại), gồm cây tường vi (tường vi nhật, dã tường vi), hồng lộc, ngâu (ngâu ta), vạn tuế, thiên tuế, mai xuân, mai tứ quý, chuông vàng (hoàng yến) và cây phi lao (dương liễu).
Đối với cây cấm trồng tại đô thị của Quảng Ngãi, có tất cả 13 loại. Trong số này, có một số loại rất đỗi quen thuộc và gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 6X, 7X ở các vùng quê và nông thôn, như cây trứng cá, cây gòn cùng 11 loại khác, gồm cây bã đậu (vông đồng), bồ kết, cao su, lòng mức (các loại), mã tiền, thông thiên, trúc đào, sò đo cam (hồng kỳ, chuông đỏ…), đủng đỉnh, xi rô và cây cô ca cảnh.
Cũng trong danh mục ban hành, tỉnh Quảng Ngãi liệt kê 22 loại cây xanh hạn chế trồng, gồm nhóm bóng mát (19 loại), như bàng ta, cau vua, long não, sa kê… và nhóm cây bụi trang trí (3 loại) là bông giấy, cau bẹ trắng và cau ăn trái.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, nguyên tắc lựa chọn cây xanh công cộng để trồng phải ít sâu bệnh, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan và không gian cảnh quan khu vực công cộng, yêu cầu về an toàn cho người, phương tiện, công trình; vệ sinh môi trường; hạn chế làm hư hỏng kết cấu các công trình kề cận và công trình hạ tầng kỹ thuật.
Cụ thể, cây xanh trồng gồm các loại cây đáp ứng được phần lớn các nguyên tắc lựa chọn cây xanh công cộng và danh mục cây khuyến khích trồng, với 15 nhóm cây bóng mát và 10 nhóm cây bụi trang trí.
Cây cấm trồng gồm những cây có độc tố, chất gây nghiện, có khả năng gây nguy hiểm tới người, phương tiện và công trình, với 13 loại cây như: bã đậu (vông đồng), trứng cá, gòn, bồ kết, cao-su, lòng mức, mã tiền, thông thiên, trúc đào, sò đo cam, đủng đỉnh, xiro, cô ca cảnh.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh, toàn tỉnh đã có 50 công viên, hoa viên lớn, nhỏ được đầu tư, phân bố rộng khắp tại các địa phương. TP. Quảng Ngãi và thị xã Đức Phổ có số lượng và diện tích công viên, hoa viên nhiều nhất.
Trong đó, TP. Quảng Ngãi có tổng diện tích công viên cây xanh đã đầu tư đạt khoảng 132 ha (tướng ứng khoảng 4,9 m2/người); Thị xã Đức Phổ khoảng 46 ha (tướng ứng 2-2,25 m2/người). Các đô thị ở những địa phương khác bình quân khoảng 7,5 ha/đô thị. Các chủng loại cây xanh đang được trồng phổ biến tại các đô thị, gồm: sấu, sáo đen, phượng vỹ, bằng lăng, lim xanh, osaka, lộc vừng, giáng hương. Nguồn lực đầu tư, chăm sóc cây xanh được chi từ ngân sách và các dự án khai thác quỹ đất.
Hiện TP. Quảng Ngãi đang tiếp tục đưa vào quy hoạch xây dựng các mảng xanh đô thị trong đồ án quy hoạch Thành phố đến năm 2040. Ngoài việc chuẩn bị các bước đầu tư để xây dựng công viên trung tâm, với diện tích 150 ha, trong đó quỹ đất trồng cây xanh sẽ là 50 ha ở xã Tịnh Khê, chính quyền địa phương này còn khảo sát, lập quy hoạch và dự toán chi phí lập Quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực Công viên Thiên Bút để sớm triển khai thực hiện.
Theo thống kê, hiện tỷ lệ mảng xanh của TP. Quảng Ngãi đạt mức trung bình cao hơn so với quy định.
Cụ thể, tỷ lệ đất cây xanh toàn đô thị của đô thị TP. Quảng Ngãi hiện nay đạt trung bình gần 10,2 m2/người (đạt trên tối đa) và đất cây xanh công cộng khu vực nội thành đạt 6,4 m2/người. Tính toàn thành phố, diện tích mảng xanh đạt gần 3 triệu m2, với khoảng 16 nghìn cây xanh các loại.
Lan Anh