Phát triển làng nghề gắn với môi trường
Nhằm tạo chuyển biến căn bản về môi trường tại các làng nghề, gắn với xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đang thúc đẩy triển khai các giải pháp đông bộ và cụ thể.
TP.Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Các làng nghề đã và mang lại những kết quả tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, mặt trái của việc phát triển kinh tế làng nghề đã kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Để bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố, UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP.Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhiều nội dung của đề án đã được triển khai tích cực và đạt được những kết quả khả quan.
Ô nhiễm làng nghề luôn là mối lo ngại
Các làng nghề trên địa bàn thành phố đã tồn tại hàng trăm năm nay cùng sự hình thành, phát triển của các làng xã. Các làng nghề không chỉ có hoạt động kinh tế mà còn là văn hóa, phong tục, tập quán sản xuất gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân. Vì vậy, việc thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của các hộ dân trong các làng nghề theo xu hướng sản xuất sạch hơn, hạn chế ô nhiễm môi trường gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, các hộ sản xuất làm nghề phân tán trong làng nghề các hộ đều tận dụng diện tích đất ở để làm cơ sở sản xuất, quy mô sản xuất nhỏ, tự phát, việc sản xuất xen lẫn sinh hoạt gây nhiều bất cập trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác thu gom, xử lý nước thải sản xuất tại các làng nghề.
Theo kết quả khảo sát tại 40 làng nghề của Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội, hầu hết môi trường nước, không khí, đất đai của các làng nghề đã và đang bị ô nhiễm, thậm chí ô nhiễm ở mức báo động như: làng nghề chế biến nông sản thực phẩm ở các xã Minh Khai, Cát Quế, Dương Liễu (huyện Hoài Ðức); Kỳ Thủy, Thanh Lương, Cự Ðà, Bích Hòa (huyện Thanh Oai)… Phần lớn nước thải phát sinh từ quá trình tẩy rửa nguyên liệu, các khâu chế biến trong sản xuất chưa được thu gom, xử lý xả trực tiếp ra môi trường.
Trong khi đó, kết quả phân tích mẫu nước, không khí, đất tại 228 làng nghề vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố cho thấy: Về môi trường nước có 99 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 78 làng nghề ô nhiễm; môi trường không khí có 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm; môi trường đất có 6 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Tuấn Định cho biết: “chỉ một số ít làng nghề trong cụm công nghiệp là có hệ thống xử lý nước thải, còn phần lớn các làng nghề sản xuất trong khu dân cư đều xả thẳng ra môi trường. Bên cạnh đó, chất thải rắn tại một số làng nghề chưa được phân loại để tái sử dụng mà được vận chuyển về bãi rác. Đặc biệt, vẫn còn hiện tượng người dân làng nghề đổ trộm hoặc tự ý đốt bỏ rác thải, gây ô nhiễm môi trường”.
Định hướng phát triển làng nghề xanh
Xác định phát triển nông nghiệp - nông thôn - nông dân phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Để phát triển sản xuất kinh doanh tại các làng nghề truyền thống bền vững, áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) là một trong những giải pháp quan trọng được Hà Nội tích cực triển khai nhằm giảm ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế xã hội.
Trên thực tế, mỗi làng nghề đều có cách “giải bài toán” ô nhiễm môi trường riêng, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội địa phương. Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phúc Thọ Lê Anh Chiến thông tin, huyện đã “khâu nối” các doanh nghiệp và hộ sản xuất tại các làng nghề để thu gom rác thải theo hướng “hai bên cùng có lợi”. Cụ thể, doanh nghiệp đã thu mua mùn cưa tại xã có nghề mộc như: Hát Môn, Long Xuyên; thu mua vải vụn tại làng nghề may xã Tam Hiệp... nên hạn chế được tình trạng người dân đốt, đổ trộm phế thải nơi công cộng... Với làng nghề thu mua đồng nát xã Võng Xuyên, chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động người dân không mua, bán, vứt phế liệu ra môi trường.
Hay như làng nghề cơ kim khí Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, là một minh chứng của sự ô nhiễm tại 4 thôn sản xuất cơ kim khí, một thôn làm trống, thôn còn lại sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, điêu khắc gỗ. Hơn 5 tháng thí điểm áp dụng công cụ cải tiến 5S – giải pháp sản xuất sạch hơn tại 5 hộ sản xuất, bao gồm 3 hộ chuyên mạ kim loại và 2 hộ đột dập, đã tạo sự thay đổi rõ rệt. Thực hiện theo 5S, công nhân trong các xưởng sản xuất đỡ tốn công sức khi sản xuất; di chuyển nguyên vật liệu nhanh gọn hơn, hạn chế rơi vãi hóa chất và sản phẩm trong quá trình sản xuất; việc xuất, nhập nguyên liệu, sản phẩm cũng trở nên thuận tiện và đơn giản hơn. Nhận thấy được hiệu quả của công cụ này, các hộ làm nghề và doanh nghiệp nhỏ đã ký cam kết áp dụng công nghệ sản xuất theo 5S để bảo vệ môi trường.
Một số cơ sở sản xuất gốm ở làng nghề gốm Kim Lan, huyện Gia Lâm đã áp dụng SXSH chuyển đổi từ lò nung chạy bằng than sang lò nung chạy bằng gas, đem lại nhiều lợi ích từ kinh tế đến môi trường. Như tại, cơ sở sản xuất Đào Việt Bình để thay đổi công ghệ nung gốm từ lò thủ công truyền thống sang hệ thống lò lung gas hiện đại. Giải pháp này đã mang lại hiệu quả cao giảm tỉ lệ sản phẩm hỏng xuống còn 2 – 5% trong khi trước kia với lò thủ công, con số này khá cao khoảng 20%, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, môi trường làm việc của công nhân đã được cải thiện do giảm lượng khí thải phát thải ra môi trường.
Việc áp dụng SXSH tuy chưa được triển khai đồng bộ ở tất cả các cơ sở sản xuất trong các làng nghề nhưng đã mang lại hiệu quả tích cực về môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm. Qua các mô hình điển hình này, các làng nghề sẽ có các biện pháp hướng tới làng nghề xanh, phát triển bền vững.
Cùng với đó triển khai thực hiện các nhiệm vụ xử lý nước thải làng nghề. Về lâu dài, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề cương, dự án nhiệm vụ “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tích cực liên ngành, trực tuyến phục vụ quản lý, phát triển và bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP.Hà Nội” trình UBND thành phố giao sở, ngành liên quan thẩm định trình UBND thành phố phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện giai đoạn 2021-2025.
Thanh Thúy