Thứ sáu, 22/11/2024 23:12 (GMT+7)
Thứ năm, 28/01/2021 11:41 (GMT+7)

Giảm nước thải làng nghề bằng công nghệ thân thiện với môi trường (Kỳ 2)

Theo dõi KTMT trên

Để khắc phục, xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm, các cơ quan chức năng cần khuyến khích người dân – chủ thể của các làng nghề áp dụng khoa học công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất theo hướng phát triển bền vững.

Thay đổi mô hình sản xuất theo hướng bền vững

Theo các chuyên gia, ô nhiễm môi trường nước ở các làng nghề truyền thống trên địa bàn TP.Hà Nội là điều hiện hữu. Tuy nhiên để khắc phục tình trạng này thì các làng nghề phải thay đổi mô hình sản xuất theo hướng bền vững để thích nghi. Và trong thực tế, nhiều làng nghề đã khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường trong đó có ô nhiễm nguồn nước.

Làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) chuyên thu gom lông gà, vịt và sản xuất các phụ kiện may mặc nổi tiếng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Tuy nhiên, hiện nay các hộ sản xuất đã chuyển đổi mô hình theo hướng bền vững. Các công đoạn in, nhuộm thải hóa chất ra môi trường đã được người dân từng bước loại bỏ, chuyển sang đi thuê nhuộm tại các doanh nghiệp lớn có công nghệ hiện đại.

Số lượng cơ sở thu gom lông gà, vịt chỉ còn trên đầu ngón tay. Song song với đó, làng Triều Khúc đã xây dựng được hệ thống cống thu gom và thoát nước đạt tiêu chuẩn về nông thôn mới nên tình hình môi trường đã được cải thiện đáng kể. "Chính quyền địa phương yêu cầu các hộ ký cam kết và xử phạt đối với các trường hợp vi phạm nên tình hình môi trường đã được cải thiện đáng kể. Nếu làm điều gì ảnh hưởng đến môi trường thì sẽ bị xử phạt nghiêm theo quy định", ông Nguyễn Huy Thắng- Trưởng thôn Triều Khúc chia sẻ về sự thay đổi tích cực tại địa phương.

Giảm nước thải làng nghề bằng công nghệ thân thiện với môi trường (Kỳ 2) - Ảnh 1
Làng lụa Vạn Phúc trở thành làng du lịch nhờ phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

Trong khi đó, ở làng lụa Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), ngoài việc tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất bền vững thì chính quyền địa phương, Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc cũng luôn theo dõi sát sao các hộ sản xuất trong làng. Sau khi nhận thức được vấn đề, nhiều hộ sản xuất đã tự nguyện di dời ra cụm công nghiệp làng nghề được xây dựng ngay gần đó.

Ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc cho hay, từ khi các quy định về quản lý môi trường được thực hiện chặt chẽ, giờ cả làng chỉ còn hai nhà nhuộm thôi. Họ cũng chờ khu đất công nghiệp làng nghề, khu xử lý nước thải dành riêng cho những gia đình có công đoạn xả thải.

Còn tại làng bún Phú Đô, người dân đã từng bước ứng dụng công nghệ và sử dụng năng lượng thay thế chất đốt hoát thạch vào sản xuất. Thay vì dùng than như trước kia, làng bún Phú Đô chuyển sang sử dụng lò than cải tiến, nồi hơi và dây chuyền khép kín từ máy xay, nhào bột, làm bún… bằng điện.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất không chỉ giúp giảm lượng nước thải, và các loại chất thải của làng nghề ra môi trường mà còn giúp người dân giảm chi phí sản xuất. Chất lượng môi trường ở làng bún Phú Đô từng bước được thay đổi, không còn mùi hôi chua nồng nặc như trước nữa. Các loại nước thải và các loại chất thải của làng nghề không còn xả trực tiếp ra kênh dẫn của sông Nhuệ như trước kia nữa, mà được đưa vào xử lý tập trung. Ở mỗi làng có nghề, nếu biết chuyển đổi mô hình sản xuất, áp dụng các phương pháp sản xuất tiên tiến chắc chắn vấn đề môi trường sẽ được cải thiện.

Xử lý nước thải phi tập trungnhằm giảm thiểu ô nhiễm

Hà Nội đã thành lập thêm 44 cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn các quận, huyện: Hà Đông, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì… và vận động các hộ sản xuất chuyển về các cụm công nghiệp làng nghề có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, xử lý nước thải. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế môi trường, thành lập các cụm làng nghề quy mô vừa và nhỏ để di dời các làng nghề ra khỏi khu dân cư được coi là biện pháp lâu dài để phát triển bền vững và giảm thiểu ô nhiễm.

Giảm nước thải làng nghề bằng công nghệ thân thiện với môi trường (Kỳ 2) - Ảnh 2
Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà với công suất xử lý 20.000 m3/ngày được đưa vào hoạt động làm giảm ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn huyện Hoài Đức.

Ngoài giải pháp đưa người dân về các khu sản xuất tập trung, Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại một số làng nghề. Hà Nội đã thực hiện 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại các làng nghề trên địa bàn huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Mê Linh với tổng vốn đầu tư gần 600 tỉ đồng và đầu tư nhiều nhà máy xử lý nước thải như nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà, nhà máy ở xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức .. với công nghệ xử lý sinh học khép kín và dây chuyền thiết bị tự động hóa được nhập khẩu từ các nước châu Âu.

Xử lý nước thải phi tập trung chủ yếu dựa vào các giải pháp phòng ngừa thay vì đối phó với các tình huống. Trong hệ thống xử lý, lưu lượng tại các điểm đều nhỏ, nên khi có sự cố giảm thiểu rủi ro cho môi trường.Ưu điểm của giải pháp này là xử lý nước thải bị ô nhiễm hữu cơ với chi phí xây dựng và vận hành thấp so với các giải pháp khác do quy mô trạm xử lý nhỏ, khoảng cách vận chuyển nước thải từ nguồn ô nhiễm tới trạm ngắn. Từng trạm sẽ có những công nghệ xử lý khác nhau, tạo thêm cơ hội lựa chọn phương pháp phù hợp với từng khu vực, đồng thời có thể tái sử dụng nước thải đã qua xử lý.

Việc vận hành không dùng hóa chất và năng lượng nên rất thân thiện với môi trường. Kỹ thuật vận hành bảo dưỡng đơn giản, thuận tiện cho cộng đồng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường. Mô hình xử lý nước thải phi tập trung đã áp dụng và có những kết quả nhất định được thực hiện ở làng Lai Xá (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội).

Giảm nước thải làng nghề bằng công nghệ thân thiện với môi trường (Kỳ 2) - Ảnh 3
Các công đoạn nhuộm, xả thải đã được người dân làm tại cụm công nghiệp tập trung thay vì làm ngay trong làng như trước đây. 

Chia sẻ về vấn đề này PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho rằng, do tính chất nước thải của mỗi làng nghề khác nhau nên phải lựa chọn công nghệ xử lý nước thải tiên tiến cho phù hợp với từng làng nghề, không thể dùng chung một công nghệ. “Tuy nhiên, điều quan trọng phải xây dựng được mạng lưới thu gom từ các cơ sở sản xuất về nơi xử lý nước thải tập trung. Bên cạnh đó, thực hiện quy hoạch các cụm công nghiệp nằm xa khu dân cư, được đầu tư hệ thống xử lý nước thải đầy đủ là một trong những giải pháp có thể kiểm soát được nước thải của các cơ sở sản xuất làng nghề”, ông Tiến lưu ý.

Ngoài những tín hiệu khả quan ở một số địa phương, thì việc giải quyết ô nhiễm nước tại các làng nghề vẫn còn gặp nhiều khó khăn, các giải pháp chưa đem lại hiệu quả cao. Chính quyền địa phương nhiều nơi còn lúng túng trong việc quản lý môi trường làng nghề do hạn chế cả về nhận thức cũng như khả năng hoạch định giải pháp. Để có thể giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường nước những vẫn đảm bảo sự phát triển của các làng nghề theo hướng bền vững cần sự chung tay của các nhà quản lý, nhà khoa học và chính những người làm nghề.

Hà Cường

Bạn đang đọc bài viết Giảm nước thải làng nghề bằng công nghệ thân thiện với môi trường (Kỳ 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới