Phát triển du lịch bền vững, mang đậm giá trị bản sắc dân tộc
Đẩy mạnh hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.
Giảm thiểu ô nhiễm từ du lịch
Theo báo cáo Phân tích về ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố mới đây, ước tính mỗi năm có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa thải ra trên đất liền mỗi năm và ít nhất là 10% trong số này đổ ra đại dương. Thực tế này khiến Việt Nam trở thành một trong những nguồn phát sinh rác thải nhựa lớn trên thế giới.
Tại Lễ khởi động dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam”, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, tăng trưởng của ngành du lịch đã góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đóng góp vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động của du khách cũng góp phần làm tăng rác thải nhựa ra môi trường.
Ước tính lượng chất thải nhựa do khách du lịch thải ra các khu du lịch biển Việt Nam đến năm 2019 khoảng 230.110 tấn, trung bình một ngày mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5 - 10 túi nylon; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa và các vật dụng cá nhân bằng nhựa dùng 1 lần khác.
Vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa nếu không được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững du lịch, sự bảo tồn và đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài quý hiếm, tới vẻ đẹp cảnh quan, môi trường và qua đó ảnh hưởng tới hình ảnh, sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam.
Nhận thức được vấn đề này, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chủ động huy động các nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Hiệp hội đã đề xuất Dự án hướng tới mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và được UNDP chấp thuận tài trợ thực hiện trong hai năm 2023 và 2024.
Theo đó, mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của ngành du lịch, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.
Trước đó, Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025, sử dụng 100% túi nylon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh.
Trong Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030. Một số biện pháp đã được đưa ra như lệnh cấm sẽ được áp dụng đối với việc sản xuất và nhập khẩu túi nilon sử dụng trong nước vào năm 2026 và hầu hết các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2031.
Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường thực hiện, UNDP Việt Nam tài trợ và được triển khai trong 2 năm 2023-2024 với 3 hợp phần chính.
Thứ nhất, truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch.
Thứ hai, thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khu/điểm du lịch tại Ninh Bình và Quảng Nam, áp dụng thí điểm và ban hành “Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa”.
Thứ ba, xây dựng Kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và ứng dụng quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch.
Giữ gìn bản sắc văn hóa
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, trong quá trình phát triển du lịch, Quảng Ninh luôn xác định phải làm tốt công tác bảo vệ môi trường.
Do đó, bên cạnh việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường nhằm tạo bước đột phá về phát triển du lịch, ngành Du lịch tỉnh đã phối hợp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, đề cao việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của lãnh đạo địa phương, ban quản lý các di tích, các doanh nghiệp du lịch và người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.
Nhặt rác, dùng vật liệu nổi thân thiện với môi trường hay không dùng đồ nhựa trong các hoạt động du lịch... đang là những hoạt động thiết thực mà Quảng Ninh bảo vệ môi trường biển, thực hiện các cam kết về phát triển du lịch bền vững.
Ông Lưu Thế Anh, Viện trưởng viện TNMT, Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng, môi trường vịnh liên thông, chịu tác động của nhiều hoạt động sản xuất kinh tế ven bờ khác, vì vậy Quảng Ninh cần nỗ lực hơn nữa trong việc giảm thiểu tác động môi trường tới hệ sinh thái và các loài sinh vật biển.
Đặc biệt, để bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) xây dựng bộ tiêu chí Nhãn sinh thái Cánh buồm xanh gắn cho tàu du lịch hoạt động trên vịnh.
Nhãn hiệu Cánh buồm xanh là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao nhận thức và tăng cường bảo vệ môi trường trong hoạt động tàu du lịch ở Hạ Long, nâng cao hình ảnh của các doanh nghiệp tàu du lịch trong con mắt du khách trong và ngoài nước quan tâm đến BVMT. Tỉnh cũng đã đầu tư 40 máy móc, 3 thiết bị xử lý nước thải, 10 thùng rác nổi cỡ lớn, 117 thùng rác tại các điểm tham quan...
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh, "Hà Giang không phát triển du lịch ồ ạt, mà phải giữ du lịch bền vững, giữ du lịch cộng đồng, không xây nhà cao tầng, không xây công trình đồ sộ, không làm nơi mang tính sôi động".
"Tỉnh khác làm những tổ hợp khách sạn cao tầng nhưng chúng tôi không làm. Chúng tôi làm homestay, xây dựng các làng bản du lịch mang đặc sắc núi rừng, gắn với văn hóa dân tộc. Chúng tôi đã chế biến chè san tuyết, chè ô long xuất khẩu, các sản phẩm từ tam giác mạch cũng được ưa chuộng", ông Khánh nói.
Hà Giang vừa phát triển, vừa giữ vững biên cương nhưng cũng rất chú trọng bảo vệ môi trường. Ông Khánh nhấn mạnh nếu Hà Giang cho khai thác thủy điện và khoáng sản ồ ạt không chỉ tàn phá môi trường của chính Hà Giang mà còn nhiều tỉnh khác ở hạ nguồn.
Thêm vào đó, mục tiêu phát triển trong quy hoạch tỉnh Hà Giang hướng tới phát triển xanh, bản sắc, bền vững, toàn diện với phương châm "Sống trên đá, thoát nghèo trên đá và tiến tới làm giàu trên đá".
Tỉnh sẽ tạo không gian phát triển mới, đưa Hà Giang thành vùng du lịch trọng điểm quốc gia - điểm đến của du khách quốc tế. Nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp đặc trưng, chất lượng cao, tạo chuỗi giá trị. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông đối ngoại gồm đường cao tốc, sân bay… Ngoài ra phát triển hạ tầng biên giới, khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy thành trung tâm xuất nhập khẩu và logistic.
Lan Anh