Thứ sáu, 22/11/2024 16:40 (GMT+7)
Thứ năm, 24/03/2022 09:00 (GMT+7)

Phát triển điện khí LNG: Giải pháp ‘xanh’ trong chuyển dịch năng lượng bền vững

Theo dõi KTMT trên

Trước thực trạng các vấn đề liên quan đến tác động môi trường của các nhà máy nhiệt điện, các nhà khoa học đang tìm kiếm một giải pháp sạch hơn, đó là sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Nhiệt điện Công Thanh xin chuyển nhiên liệu than sang khí LNG

UBND tỉnh Thanh Hoá vừa có công văn số 3568/UBND-CN ngày 18/3/2022 giao các đơn vị liên quan tham mưu giải quyết đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cảng biển và quy hoạch điện VIII dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh.

Cụ thể, UBND tỉnh Thanh Hoá giao Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, UBND thị xã Nghi Sơn và các ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, có ý kiến đề xuất về việc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Công Thanh đề nghị UBND tỉnh Thanh Hoá có văn bản gửi Bộ Công Thương chấp thuận chuyển đổi nhiên liệu than sang khí LNG nhập khẩu và cập nhật dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh vào Quy hoạch điện VIII.

Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN, UBND thị xã Nghi Sơn và các ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, có ý kiến đề xuất việc Công ty Cổ phần Nhiệt điện Công Thanh đề nghị chấp thuận vị trí cảng nhập LNG của dự án nhiệt điện khí Công Thanh tại khu vực đảo Hòn Mê và có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch chi tiết cảng biển Thanh Hóa.

Phát triển điện khí LNG: Giải pháp ‘xanh’ trong chuyển dịch năng lượng bền vững - Ảnh 1
Với xu hướng chuyển dịch năng lượng từ dầu sang khí, khí thiên nhiên sẽ là nguồn nguyên liệu, năng lượng tương lai thay thế dần dầu và than. (Ảnh minh họa)

Các đơn vị được giao nhiệm vụ nghiên cứu, có ý kiến đề xuất phải báo cáo đến Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 05/4/2022.

Trước đó, Nhà máy nhiệt điện Công Thanh thuộc khu kinh tế Nghi Sơn được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2008. Tổng mức đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng (20% vốn chủ đầu tư, 80% vốn vay tín dụng nước ngoài do nhà nước bảo lãnh) do Công ty Cổ phần Công Thanh làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 21.480,1 tỷ đồng, trên diện tích 70 ha. Theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, nhiệt điện Công Thanh được đưa vào danh mục các công trình vận hành trong năm 2020.

Đây là nhà máy thuộc loại công trình nguồn cấp 1, có tổng công suất 600 MW gồm 2 tổ máy, công suất mỗi tổ 300MW. Nhà máy sử dụng công nghệ lò hơi sôi tuần hoàn hiện đại, khi đi vào khai thác sẽ cung cấp 3,9 tỷ KWh điện mỗi năm, chủ yếu cho khu kinh tế Bắc Trung Bộ, đặc biệt là các dự án lọc hóa dầu, xi măng, công nghiệp ở khu kinh tế Nghi Sơn, góp phần giảm tải lưới điện quốc gia. Theo dự kiến,trong quý I/2014 sẽ đưa vào vận hành tổ máy số 1, quý III/2014 hoàn thành toàn bộ nhà máy.

Tuy nhiên, dù được khởi công từ năm 2011 nhưng đến nay chỉ mới triển khai được phần san lấp mặt bằng, chưa xây dựng và nay đề xuất xin được điều chỉnh.

Phát triển điện khí LNG ở Việt Nam có khả thi?

Với xu hướng chuyển dịch năng lượng từ dầu sang khí, khí thiên nhiên được xem là dạng năng lượng có khả năng sử dụng linh hoạt ở nhiều lĩnh vực, giá cạnh tranh và ít phát thải khí nhà kính, tất yếu đây sẽ là nguồn nguyên liệu, năng lượng tương lai thay thế dần dầu và than.

LNG là khí thiên nhiên hóa lỏng không màu, không mùi, không độc hại và không có tính chất ăn mòn, có nhiệt độ ngọn lửa vào khoảng 2340ºC và nhẹ hơn không khí. Thành phần chủ yếu là metan (khoảng 95%) và một lượng nhỏ các khí khác.

Khí thiên nhiên (Natural gas) được hóa lỏng ở -120ºC đến -170ºC (tùy vào tỷ lệ thành phần hỗn hợp trong chất khí), giúp dễ dàng bảo quản và vận chuyển. Mặc dù có những thuận lợi so với xăng dầu như mật độ năng lượng cao hơn, giảm số lần tiếp nhiên liệu cũng như giảm ô nhiễm môi trường. Trước đây, LNG chỉ được sử dụng tại các nước có nền công nghiệp phát triển mạnh mẽ như Mỹ, Anh, Nhật và các nước châu Âu.

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã nhanh chóng nổi lên là một trong những thị trường nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cho phát điện tiềm năng nhất ở châu Á, theo báo cáo của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA).

Liên quan đến vấn đề này, TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cho rằng, hiện nay các nước không làm nhiệt điện than, mà làm nhiệt điện khí – khí hóa lỏng LNG, nguồn điện này ổn định và ưu điểm hơn nhiệt điện than rất nhiều. Tuy nhiên, việc nhập khí cho các nhà máy điện sẽ gặp không ít thách thức và phụ thuộc phần lớn vào thị trường quốc tế.

“Dù sao, việc nhập khí trên thị trường quốc tế hiện nay vẫn thuận lợi hơn nhập than. Khí trong nước cũng vẫn còn khả năng khai thác thêm. Do đó, tương lai là nhiệt điện than sẽ giảm và thay vào đó là nhiệt điện khí”, ông Ngô Đức Lâm chia sẻ.

Thực tế, Việt Nam có nhiều cơ hội cho việc sử dụng, phát triển khí LNG. Trước hết, đây là dạng năng lượng có phát thải thấp, đang có xu hướng sử dụng rộng rãi. Đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia vào cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại COP26. Là một nước có lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển.

Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng LNG là phương tiện vận chuyển và lưu trữ, tái hóa khí dạng nhiên liệu hóa lỏng này ngày càng được cải thiện và phát triển. Các cơ sở hạ tầng LNG trên thế giới, từ nhà máy hóa lỏng khí thiên nhiên, cảng xuất khẩu LNG, tàu vận chuyển trên biển, cho đến cảng nhập khẩu LNG, các bồn chứa, hệ thống tái hóa khí LNG và đường ống dẫn khí đến nơi tiêu thụ cuối cùng ngày một phát triển, hiện đại. Số lượng tàu chuyên chở LNG tăng liên tục theo từng năm.

Về cơ chế, chính sách, Nghị quyết 55-NQ/TW, Quyết định 2233/QĐ-TTg, Quyết định 60/QĐ-TTg đều đã xác định rất rõ công tác nhập khẩu và phát triển LNG là một trong những giải pháp phát triển năng lượng bền vững của quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn mới cùng với xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Trong đó, quan điểm phát triển chủ đạo đối với ngành công nghiệp khí là: “Phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đồng bộ trong tất cả các khâu”; “ưu tiên khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng sạch”; “ưu tiên phát triển điện khí”; “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ điều tiết hệ thống”; “Tiếp tục thu hút đầu tư trong lọc hóa dầu theo hướng chế biến sâu…”; “Xây dựng chính sách thuế carbon”… đã vạch ra hướng đi và tạo hành lang thúc đẩy ngành công nghiệp khí nhanh chóng phát triển thành nguồn năng lượng quan trọng của quốc gia.

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, PGS. TS. Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE), nguyên Chủ nhiệm khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, trong quy hoạch và phát triển nguồn điện quốc gia không chỉ có một loại nguồn duy nhất, mà các nguồn năng lượng sẽ hỗ trợ lẫn nhau. Bởi mỗi nguồn năng lượng sẽ có một ưu thế nhất định. Đơn cử, năng lượng mặt trời không tốn nhiều nhiên liệu, nhưng lại bị phụ thuộc vào ánh sáng mặt trời trực tiếp, sự tốn mặt bằng xây dựng và đòi hỏi phải xử lý một lượng lớn pin hết vòng đời sử dụng...

Trên thế giới, xu hướng giảm nhiệt điện nói chung và nhiệt điện than nói riêng đang diễn ra ra ở hầu hết các quốc gia do vấn đề ô nhiễm môi trường trầm trọng và ứng phó với nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu. Giải pháp ngắn hạn để giảm bớt tác động đó là chuyển đổi nhiên liệu than đá sang khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Việc chuyển từ nhiên liệu than sang khí thiên nhiên sẽ tốt hơn về góc độ môi trường, bởi nguồn năng lượng này ít gây ra ô nhiễm môi trường hơn than đá; đồng thời sẽ giảm phát thải khí nhà kính. Do đó, nếu các dự án nhà máy nhiệt điện xin chuyển từ nhiên liệu than sang khí LNG sẽ được đa số chuyên gia ủng hộ.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Phát triển điện khí LNG: Giải pháp ‘xanh’ trong chuyển dịch năng lượng bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới