Phát triển điện gió ngoài khơi: Vẫn còn nhiều thách thức
Với nhu cầu điện năng ngày càng tăng, phát triển điện gió ngoài khơi góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong nước. Tuy nhiên, nhiều thách thức về chi phí, khoa học công nghệ,... cũng được đặt ra.
Năm 2020, dự báo của Tổ chức năng lượng thế giới (IEA) nhận định rằng, Việt Nam sẽ là 1 trong 5 trung tâm điện gió biển khu vực Đông Nam Á của thế giới cùng với Bắc Âu, Mỹ, Đông Á, Nam Mỹ. Tính đến tháng 9/2020 đã có tổng số dự án điện tiềm năng gần bờ (nearshore) là 67 dự án, với công suất là gần 10 GW và 14 dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất là gần 30 GW, tức tổng số dự án sắp triển khai sẽ là 40 GW.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) năm 2019, Việt Nam có tiềm năng 475GW điện gió ngoài khơi tại vùng biển từ bờ ra đến 200km.
Trong khi đó, tổng công suất các nhà máy điện của Việt Nam đang hoạt động là 40 GW, sử dụng các nguồn chính là thủy điện, nhiệt điện than và cơ bản đang dần cạn kiệt. Điều này cho thấy tiềm năng điện gió ngoài khơi gấp nhiều lần công suất hiện có và hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu điện năng trong hiện tại và tương lai.
Vùng ven biển Việt Nam, đặc biệt là vùng ven biển phía Nam có diện tích rộng khoảng 142.000 km2 có độ sâu từ 0-60 m cho tiềm năng phát triển điện gió biển rất cao. Vùng này đạt tốc độ gió trung bình tại độ cao 100 m đạt hơn 7-10 m/s.
Theo Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (Global Wind Energy Council - GWEC), công suất gió ngoài khơi toàn cầu sẽ tăng từ 29GW vào năm 2020 lên hơn 234 GW vào năm 2030, dẫn đầu bởi sự tăng trưởng theo cấp số nhân ở Châu Á - Thái Bình Dương và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ ở Châu Âu. Các quốc gia khác khởi đầu từ chính sách cho điện gió như Đan Mạch và Trung Quốc cũng đã hoàn toàn chấp nhận điện gió ngoài khơi. Cũng giống như các thị trường này, Việt Nam có cơ hội tận dụng các điều kiện ven biển, đảm bảo được an ninh năng lượng, tạo việc làm và cung cấp năng lượng điện gió sạch ngoài khơi trong những năm tới.
Không ít thách thức
Đến nay, điện gió ngoài khơi vẫn được coi là công nghệ mới ở Việt Nam. Bên cạnh những tiềm năng sẵn có thì cũng không ít những thách thức đã được đặt ra.
Cụ thể về mặt công nghệ, việc giảm chi phí sản xuất điện từ điện gió ngoài khơi ở Việt Nam phụ thuộc vào sự phát triển và hỗ trợ từ công nghệ mới. Tuabin gió ngoài khơi hiện đang được thiết kế cho khu vực có tốc độ gió cao hơn so với tốc độ gió trung bình ở khu vực biển Việt Nam. Do vậy, để đảm bảo hiệu quả kinh tế cần nghiên cứu và phát triển dòng sản phẩm roto phù hợp với tốc độ gió trung bình tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, để phát triển điện gió ngoài khơi thì cần có giải pháp kỹ thuật để giải quyết các điều kiện khí hậu cực đoan đặc thù, như bão nhiệt đới, hoặc không có gió. Ngoài ra, nếu triển khai điện gió ngoài khơi, Việt Nam cần phải đổi mới công nghệ trong sản xuất, lắp đặt và vận hành cho phù hợp với điều kiện đặc thù, nhằm gia tăng độ tin cậy cũng như giảm giá thành sản xuất.
Về chi phí phát triển, các cụm dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên sẽ có giá thành cao hơn, vì đây là giai đoạn vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Giai đoạn đầu chưa hình thành chuỗi cung ứng nội địa, nên thời gian xây dựng và chi phí có thể cao hơn so với các thị trường đã có kinh nghiệm.
Hiện nay, châu Âu đã lắp đặt được 20 GW điện gió ngoài khơi và đã có chính sách hỗ trợ để gia tăng gấp 4 lần (lên 80 GW) vào năm 2030. IAE dự báo đến năm 2040, điện gió ngoài khơi toàn cầu sẽ có số vốn đầu tư phát triển khoảng 1.000 tỉ USD với tốc độ tăng trưởng công suất lắp đặt hàng năm là 13%. Các quốc gia/vùng lãnh thổ sẽ trở thành các trung tâm phát triển điện gió ngoài khơi đến năm 2040 là Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Ai Len, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam. Hiệu suất công suất lắp đặt của các trang trại điện gió ngoài khơi đạt 50%, cao hơn gần 20% so với điện mặt trời và 30% so với điện gió trên đất liền.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Tạp Chí Năng lượng Việt Nam (Bộ Công thương) nhận định, do tác động của dịch Covid-19, công tác triển khai xây dựng gặp khó khăn về nhập khẩu các thiết bị, thiếu chuyên gia nước ngoài phối hợp kỹ thuật, dẫn đến nhiều dự án không kịp tiến độ theo cơ chế FIT. Hơn nữa, mạng lưới truyền tải chưa đáp ứng, khối lượng lưới điện chưa đủ lớn để truyền tải, nhu cầu đất đai cho các dự án điện gió trên bờ cần khoảng 28.000 ha.
Cần có chiến lược cụ thể
Nhận thấy tiềm năng điện gió ngoài khơi, Chính phủ đã triển khai áp dụng giá điện nối lưới FiT vào năm 2018 ở mức 2.223 VNĐ/kWh (tương đương 88 EUR/MWh), đây là giá FiT cao thứ hai mà Việt Nam đưa ra, chỉ thấp hơn giá điện từ xử lý rác thải đô thị là ~92EUR/MWh.
Những cơ chế hỗ trợ khác dưới hình thức ưu đãi thuế như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và phí thuê đất, song song với tăng phí bảo vệ môi trường cũng được áp dụng, nhằm hỗ trợ triển khai phát triển ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Nguồn gió phong phú và tiềm năng của một số lượng lớn các dự án điện gió đang chuẩn bị triển khai chắc chắn đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong ngành.
Do đó, để khai thác tiềm năng này, theo các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải có chính sách thúc đẩy và xây dựng chiến lược quốc gia, quy hoạch không gian biển nhằm phát triển điện gió ngoài khơi tới năm 2030, tầm nhìn 2045. Đồng thời, cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện được khung thể chế chính sách quốc gia về cấp phép, thẩm định, đánh giá tác động môi trường, giao thuê biển, phát triển các dự án điện gió ngoài khơi và các dạng năng lượng biển khác.
Theo PGS.TS Bùi Huy Phùng, Viện Khoa học Năng lượng (Bộ Công thương)cho biết, giá điện gió trên thế giới những năm gần đây đã giảm nhiều, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sử dụng các nguồn năng lượng này. Ở Việt Nam, giá điện gió và điện mặt trời cũng đang giảm nhanh, không còn đắt như những năm trước và hoạt động phát triển nguồn điện này cũng bắt đầu khởi sắc. Chính phủ cũng đang tạo các điều kiện để đẩy nhanh việc phát triển nguồn năng lượng sạch này.
Theo TS.Dư Văn Toán - Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã ban hành như Nghị quyết 55, Nghị quyết 36 về phát triển năng lượng tái tạo biển, điện gió ngoài khơi, năng lượng sóng, thủy triều và hải lưu. Khi Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực, các nguồn vốn lớn và công nghệ điện gió ngoài khơi từ EU sẽ dễ dàng tham gia phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
“Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam có tiềm năng, đột phá đi đầu ASEAN, trở thành một trung tâm điện gió ngoài khơi lớn của thế giới, thúc đẩy các ngành công nghiệp, dịch vụ biển hỗ trợ, tương lai xuất khẩu điện gió ngoài khơi sang khu vực ASEAN và các khu vực lân cận” – TS.Dư Văn Toán kỳ vọng.
Ngọc Ánh