Phát triển bền vững là gì?
Phát triển bền vững (PTBV) là khái niệm chỉ sự phát triển về mọi mặt trong xã hội hiện tại mà vẫn đảm bảo sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa và hiện là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới. Dựa theo đặc thù kinh tế, xã hội, chính trị, địa lý, văn hóa..., mỗi quốc gia sẽ hoạch định chiến lược phù hợp nhất.
Chiến lược phát triển bền vững tại Việt Nam
Ngày 17/8/2004, Chính phủ đã ban hành Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam, Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 - 2020 và gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường.
Quan điểm PTBV đã được Chính phủ lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về PTBV trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và môi trường như: Tốc độ tăng trưởng GDP, giảm nghèo bền vững, phổ cập giáo dục, tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe…
Quan điểm PTBV đã được Chính phủ lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. |
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện thành công các mục tiêu PTBV của Việt Nam đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030.
Bằng nhiều hành động cụ thể, môi trường kinh doanh Việt Nam đã có những cải thiện tích cực. Việt Nam đã đạt được một số chuyển biến và thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo, dân số, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân, giáo dục - đào tạo và tạo việc làm cho người lao động. An sinh xã hội được chú trọng nhằm đảm bảo ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân. Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 12% hộ nghèo năm 2011 xuống còn 6% năm 2018.
Đặc biệt, Việt Nam đã chú trọng hơn đến công tác bảo vệ môi trường với nhiều chiến lược và hành động cụ thể, được các tổ chức, cơ quan và nhân dân hưởng ứng nhiệt tình.
Tuy nhiên, thực tiễn quá trình phát triển kinh tế đã nảy sinh mâu thuẫn giữa mục tiêu phát triển nhanh với mục tiêu phát triển bền vững trên các lĩnh vực cơ bản: Kinh tế, xã hội và môi trường. Theo đánh giá của các tổ chức, sự phát triển ở Việt Nam vẫn còn thiếu tính bền vững.
Giải pháp cần thực hiện
Các cơ quan có ý thức lồng ghép các quy hoạch phát triển vào các chính sách và hướng dẫn các ngành, các địa phương lập quy hoạch của riêng mình đối với vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Để đưa định hướng PTBV vào thực tiễn cuộc sống, sự hỗ trợ từ bên ngoài về tài chính, kinh nghiệm, tài liệu, phương pháp tiến hành, đào tạo nguồn nhân lực là rất quan trọng.
Do đó, cần có giải pháp để thu hút sự hỗ trợ tối đa của các tổ chức Quốc tế, hoặc dưới dạng các Hiệp định đa phương, song phương, đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về PTBV. Các địa phương có bộ phận chuyên trách, tích cực, chủ động xây dựng và thực hiện chương trình hành động PTBV.
Quang Huy