Phát triển bền vững kinh tế biển
Việt Nam là một quốc gia ven biển với vùng biển rất giàu tài nguyên. Tuy nhiên, nền kinh tế biển Việt Nam chưa khai thác được đáng kể lợi thế và lại có những biểu hiện rất rõ của một nền kinh tế thiếu bền vững.
Làm thế nào để thúc đẩy kinh tế biển, hướng đến phát triển bền vững (PTBV)? Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với PGS.TS Vũ Thanh Ca - Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học Công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.
Khai thác hiệu quả những tiềm năng biển
PV: Việt Nam là một quốc gia với vùng biển rất giàu tài nguyên, nhưng dường như nền kinh tế biển Việt Nam lại chưa phát triển tương xứng với tiềm năng này? Đâu là nguyên nhân của sự thiếu bền vững, thưa ông?
- PGS.TS Vũ Thanh Ca: Việt Nam là một quốc gia ven biển, đặc biệt là nguồn tài nguyên sinh vật, nguồn lợi thủy sản, tài nguyên du lịch và nhiều loại tài nguyên khác. Tuy nhiên, hiện tại, nền kinh tế biển Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng đang có. Các nguyên nhân của điều này là do những khiếm khuyết trong việc xây dựng và thực thi thể chế, chính sách, quy định pháp luật về quản lý tổng hợp và phát triển bền vững kinh tế biển và cũng có thể có những tác động của lợi ích nhóm.
Trong những năm vừa qua, các cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường với sự tham mưu của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, đã rất nỗ lực nghiên cứu, ban hành thể chế, chính sách, pháp luật phục vụ PTBV kinh tế biển. Tuy vậy, trái với các nỗ lực, do đây là những vấn đề rất mới và các cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam còn thiếu các kiến thức và các kinh nghiệm cần thiết để giải quyết các quá trình phức tạp xảy ra ở vùng bờ biển nên việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách, pháp luật nêu trên diễn ra khá chậm.
Hơn nữa, có một vấn đề khá nghiêm trọng là việc thực thi chưa tốt các chính sách, pháp luật đã được ban hành. Ví dụ như việc xây dựng, ban hành và thực thi quy định về xây dựng hành lang bảo vệ bờ biển trong Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Quy định này có mục đích là để bảo vệ môi trường biển, đảm bảo sự liên tục của hệ sinh thái từ trên bờ xuống biển và quyền tiếp cận của người dân với biển, nâng cao hiệu quả của việc sử dụng các bãi biển phục vụ du lịch.
Tuy vậy, ngay sau khi Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được ban hành, việc xây dựng các công trình trái với các quy định của Luật tại nhiều bãi biển đẹp trên phạm vi cả nước đã được nhanh chóng thực hiện. Do vậy, trên thực tế, quy định về thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển đã bị vô hiệu hóa tại các khu vực đã xây dụng công trình.
Có thể thấy, với cách quản lý điều hành lộn xộn của các địa phương, hầu như các bãi biển đẹp mới được phát triển du lịch gần đây đã bị chia rời, băm nhỏ và do vậy giá trị tài nguyên bị giảm sút. Cơ sở hạ tầng vùng bờ biển rất yếu kém và thiếu đồng bộ; chủ yếu là các doanh nghiệp du lịch, nghỉ dưỡng tập trung vào xây dựng bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Để thúc đẩy kinh tế biển cần nhanh chóng hoàn thiện, ban hành và tổ chức thực hiện Quy hoạch không gian biển và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ. (Ảnh minh họa) |
Các công trình xử lý nước thải, rác thải chưa được quan tâm đầu tư nên nước thải từ các công trình dân sinh và du lịch chưa qua xử lý được xả trực tiếp xuống biển. Một lượng rất lớn rác thải chưa được thu gom, xử lý đúng cách và đã bị thất thoát ra môi trường, gây ra ô nhiễm môi trường nặng nề cả trên bờ và dưới biển.
Các cảng biển được xây dựng tràn lan, không gắn với hậu cần vật chất và kỹ thuật nên hoạt động kém hiệu quả. Việc khai thác thủy sản được quản lý rất yếu kém, các hình thức đánh bắt quá mức, bằng các hình thức hủy diệt diễn ra thường xuyên cùng với sự suy thoái nghiêm trọng của các hệ sinh thái biển quan trọng như rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển đã làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
Ngoài ra, còn có rất nhiều vấn đề liên quan đến tính thiếu bền vững của nền kinh tế biển Việt Nam như đã nêu ra trong Nghị quyết số 36/NQ-TW của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
PV: Phát triển kinh tế biển là yếu tố then chốt trong quá trình thực hiện Mục tiêu số 14 (SDG 14) về PTBV biển và đại dương đến năm 2030. Việt Nam cần bắt đầu từ đâu để khai thác hiệu quả những lợi thế đang có, thưa ông?
- PGS.TS Vũ Thanh Ca: Để khắc phục những yếu kém nêu trên nhằm khai thác hiệu quả những lợi thế và PTBV nền kinh tế biển Việt Nam, việc đầu tiên cần phải làm là tiếp tục hoàn thiện thể chế và hệ thống chính sách, pháp luật quản lý tổng hợp biển và hải đảo trên cơ sở cách tiếp cận hệ sinh thái.
Trước hết, cần tập trung vào việc nghiên cứu, đánh giá những khuyết điểm, yếu kém, xác định các nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục trong việc thực thi quản lý tổng hợp biển và hải đảo theo cách tiếp cận hệ sinh thái. Trên cơ sở đó, sửa đổi các chính sách, quy định pháp luật hiện có và xây dựng các chính sách, quy định pháp luật mới để xây dựng một mô hình quản lý phù hợp. Đồng thời, nhanh chóng hoàn thiện, ban hành và tổ chức thực hiện Quy hoạch không gian biển và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.
Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quản lý và phát triển kinh tế biển và hải đảo; đầu tư nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ mới để xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường biển, hạ tầng phát triển kinh tế biển theo hướng một nền kinh tế biển xanh.
Chúng ta có thể huy động vốn thông qua đấu thầu quốc tế các dự án phát triển kinh tế có sử dụng đất, các dự án BOT phát triển kết cấu hạ tầng vùng bờ biển. (Ảnh: CICT) |
PV: Quá trình chuyển từ kinh tế biển “nâu” sang “xanh” vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhiều lĩnh vực đang bị bỏ ngỏ như năng lượng gió biển, điện gió ngoài khơi, năng lượng sóng biển, điện mặt trời,… Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- PGS.TS Vũ Thanh Ca: Một vấn đề rất quan trọng cần phải nhấn mạnh đối với phát triển kinh tế biển Việt Nam là nền kinh tế biển cần được phát triển theo hướng một nền kinh tế biển xanh, tức là một mô hình kinh tế sử dụng hạ tầng và công nghệ xanh, các cơ chế tài chính sáng tạo và sắp xếp thể chế chủ động để đạt được hai mục tiêu bảo vệ biển và vùng bờ biển và tăng cường khả năng của chúng trong việc đóng góp vào PTBV, bao gồm cải thiện phúc lợi của con người, giảm các rủi ro môi trường và thiếu hụt sinh thái.
Trong nền kinh tế biển xanh cần phải sử dụng các công nghệ năng lượng sạch hơn và sử dụng ít tài nguyên hơn để tạo ra nguồn năng lượng. Hai nguồn năng lượng rất quan trọng để phát triển nền kinh tế biển xanh là năng lượng tái tạo từ mặt trời và gió. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang có những chính sách khá tốt để phát triển hai nguồn năng lượng này cùng với các nguồn năng lượng khác để bảo đảm an ninh năng lượng cho phát triển.
PV: Để phát triển mạnh kinh tế biển, nguồn lực trong nước là chưa đủ, làm thế nào để có thể huy động nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn chính sách và những “lúng túng” trong PTBV kinh tế biển Việt Nam hiện nay?
- PGS.TS Vũ Thanh Ca: Do những tiềm năng và lợi thế của biển Việt Nam, chúng ta có thể hi vọng được những nguồn đầu tư rất lớn từ nước ngoài để PTBV kinh tế biển. Để làm được việc này, trước hết cần phải cải cách thể chế một cách triệt để, tạo một môi trường thuận lợi cho việc đầu tư.
Chúng ta có thể huy động vốn thông qua đấu thầu quốc tế các dự án phát triển kinh tế có sử dụng đất, các dự án BOT phát triển kết cấu hạ tầng vùng bờ biển, có thể huy động nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng quốc tế như ADB, IMF, WB v.v. và nguồn vốn ODA từ các nước phát triển để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng và phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường biển và vùng bờ biển.
Cơ chế tài chính sáng tạo gắn với thu phí theo nguyên tắc người gây ô nhiễm, người sử dụng phải trả tiền sẽ giúp chúng ta tạo nguồn thu phù hợp để cân đối nguồn tài chính trong tương lai.
Xây dựng thương hiệu biển Việt Nam
PV: Có nhiều ý kiến đưa ra rằng, cần có nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo để xây dựng, phát triển một số cảng biển ngang tầm khu vực và thế giới. Ông đánh giá như thế này về chiến lược này?
- PGS.TS Vũ Thanh Ca: Việt Nam nằm trên một trong các tuyến đường hàng hải bận rộn nhất thế giới và có nhiều điều kiện để xây dựng các cảng biển ngang tầm khu vực. Đây là việc làm rất cần thiết để phát triển kinh tế biển cho tương lai, nhưng việc xây dựng cảng biển cần gắn chặt với phát triển hạ tầng vật chất và kỹ thuật chung của toàn bộ nền kinh tế. Do vậy, không chỉ có các cảng biển, chúng ta cần phải có nhiều giải pháp đổi mới, sang tạo để xây dựng một nền kinh tế biển năng động, phát triển mạnh và bền vững, một nền hậu cần vững chắc cho các cảng biển.
Đặc biệt, nền kinh tế biển xanh đòi hỏi chúng ta phải xây dựng các cảng xanh, tức là sử dụng các công nghệ mới, sạch hơn để giảm phát thải, sử dụng hiệu quả hơn năng lượng và quản lý tốt các nguồn nước thải, rác thải, ngăn chặn ô nhiễm môi trường và giảm tới mức thấp nhất tác động của các cảng biển, các hoạt động giao thông vận tải biển tới môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển.
Việc xây dựng cảng biển cần gắn chặt với phát triển hạ tầng vật chất và kỹ thuật chung của toàn bộ nền kinh tế. (Ảnh: CICT) |
PV: Trong hơn 20 năm thực hiện PTBV từ Rio-92 với 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và 17 mục tiêu PTBV đến năm 2030, Việt Nam vẫn chưa “định vị” được thương hiệu biển Việt Nam, lĩnh vực mũi nhọn cần đầu tư vẫn chưa được nhận diện trọng tâm. Trước bối cảnh và thực tế ở Biển Đông hiện nay, giải pháp nào cho sự phát triển của nền kinh tế biển Việt Nam theo đường lối của Đảng: Xây dựng đi đôi với bảo vệ Tổ quốc?
- PGS.TS Vũ Thanh Ca: Thương hiệu biển là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế biển, giúp chúng ta quảng bá và tiêu thụ tốt hơn các sản phẩm của nền kinh tế biển, đưa nền kinh tế biển của ta ngày càng tiến sâu vào các thị trường quốc tế. Trong những năm vừa qua, chúng ta đã bước đầu xây dựng được các thương hiệu biển Việt Nam trên thị trường quốc tế bằng các sản phẩm thủy sản biển, du lịch biển, dầu khí và một số ngành kinh tế khác.
Các lĩnh vực trọng tâm là thế mạnh cần được đầu tư để PTBV trong tương lai bao gồm: Du lịch, nghỉ dưỡng biển, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản biển, cảng biển và giao thông vận tải biển, phát triển năng lượng tái tạo biển. Để PTBV các lĩnh vực kinh tế này, chúng ta cần phải làm rất nhiều để khôi phục lại các nguồn tài nguyên biển đã bị suy thoái, đặc biệt là không gian biển và vùng bờ biển, môi trường, các hệ sinh thái, đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản biển.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta chỉ có thể bảo vệ được chủ quyền, các quyền và lợi ích quốc gia trên biển nếu chúng ta phát triển được kinh tế biển, xây dựng được thương hiệu biển Việt Nam và tăng cường hợp tác quốc tế về biển. Tất cả những điều này sẽ giúp tạo nên cả những sức mạnh cứng và mềm cần thiết để bảo vệ biển Việt Nam.
Song Anh