Du lịch Việt Nam: Chặng đường 60 năm không ngừng phát triển
Từ một nền du lịch bao cấp, trải qua chặng đường 60 năm hình thành và phát triển, "ngành công nghiệp không khói" vươn lên từ con số 0 để đến ngày nay đóng góp trực tiếp tới 9,2 GDP cả nước.
60 năm hình thành và phát triển (9/7/1960 - 9/7/2020), ngành Du lịch Việt Nam đã và đang đồng hành cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước. “Nền kinh tế không khói” đã vươn lên, phát triển nhanh cả về quy mô và chất luợng, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp trực tiếp tới 9,2 GDP.
Để có được thành quả rực rỡ đó, không phải ai cũng biết khởi thủy của du lịch Việt Nam hơn nửa thế kỷ trước là nền du lịch bao cấp.
Từ khởi thủy của ngành du lịch Việt...
Theo lời kể của ông Đỗ Đình Cương, nguyên Giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam (tiền thân của Công ty cổ phần Du lịch và Thương mại quốc tế Vinatour), người đã gắn bó với ngành du lịch Việt Nam nửa thế kỷ nay, hơn nửa thế kỷ trước, du lịch ra nước ngoài ban đầu chỉ dành cho những bậc lão thành cách mạng, những người có công với đất nước. Vì thế, tính chất ngành du lịch cũng chưa thuần túy như bây giờ, mà du lịch thường là những chuyến đi kết hợp với công việc.
Thời đó, các giao dịch đều tiêu bằng đồng rúp mậu dịch - loại tiền được ấn định làm phương thức thanh toán có tính tượng trưng trong khối các nước xã hội chủ nghĩa.
Ở giai đoạn đầu tiên này, chiến tranh đang rất khốc liệt nên du lịch vô cùng hạn chế. Nhưng từ những năm 1970 tình hình bắt đầu được cải thiện, nhất là sau khi Hiệp định Paris ký kết năm 1973, miền Bắc không còn chiến tranh thì lúc đó khách quốc tế vào Việt Nam bắt đầu tăng lên.
Đoàn khách du lịch Liên Xô thăm Lăng Bác từ những năm 1970. (Ảnh tư liệu) |
Ban đầu chỉ là những đoàn khách bên ngoại giao, hay các đoàn Việt kiều về cần người biết hơn một chút về du lịch để dẫn đi, hay những đoàn của Việt Nam đi làm việc kết hợp tham quan. Rồi sau một thời gian mới hình thành đội ngũ hướng dẫn viên.
Thời đó, cũng bắt đầu có nhu cầu tổ chức du lịch theo dạng công đoàn cho các cán bộ công nhân viên đi chơi, và khởi thủy của ngành du lịch Việt là Công ty Du lịch Việt Nam đứng ra làm việc đó.
Suốt những năm 1980 đầu những năm 1990, Việt Nam có quan hệ chủ yếu với các nước xã hội chủ nghĩa và những người làm công tác du lịch mới bắt đầu có ý tưởng tại sao người Việt không đi du lịch nước ngoài. Đầu tiên là đi Nga, Đức sau đó đến Ba Lan, Tiệp Khắc.
Việc tổ chức các chuyến đi thời đó cũng vô cùng phức tạp, bởi cán bộ nhà nước phải được ban tổ chức Trung ương là những cấp rất cao phê duyệt. Gần như không ai có kinh nghiệm trong việc tổ chức các đoàn đi, từ việc đặt vé máy bay, đến việc sang bên kia đón tiếp thế nào…
Vì thế, mỗi năm thường chỉ đi được 2-3 đoàn sau đó mới tăng dần lên rồi mở rộng địa bàn, không chỉ du lịch trong khối xã hội chủ nghĩa. Những chuyến đi thời gian đầu đơn giản chỉ là tham quan kết hợp giao lưu.
Du lịch Việt Nam những năm đầu tiên thực chất là du lịch bao cấp và về sau mới xuất hiện thêm hình thức kinh doanh. Nghĩa là bắt đầu chuyển mình sang giai đoạn hai, người giàu có nhu cầu có thể mua đồng rúp mậu dịch bằng tiền mặt để đi du lịch, đánh dấu thời kỳ thị trường du lịch Việt bắt đầu phát triển; hoặc các địa phương có ngân sách muốn đi học hỏi, giao lưu với nước ngoài… Cũng từ đây du lịch Việt Nam mới bắt đầu có thị trường khách quốc tế đến đúng nghĩa.
Đoàn doanh nghiệp Việt Nam tháp tùng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Cuba. (Ảnh tư liệu) |
...đến chặng đường 60 năm không ngừng phát triển
Sau chặng đường 60 năm phát triển, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, du lịch Việt Nam đã vươn lên trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước, đón và phục vụ trên 100 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, đóng góp 9,2% GDP, tạo ra hàng triệu việc làm và là động lực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực khác.
Nếu như năm 1990 mới chỉ có 250 nghìn lượt khách quốc tế đến Việt Nam thì năm 2019 đạt hơn 18 triệu lượt, tăng 72 lần so với năm 1990. Tốc độ tăng trưởng hàng năm thường đạt mức 2 con số, đặc biệt là giai đoạn 2015-2019 đạt 22,7% mỗi năm (được Tổ chức Du lịch thế giới xếp vào hàng cao nhất trên thế giới). Riêng khách nội địa, đã tăng 85 lần, từ 1 triệu lượt vào năm 1990 lên 85 triệu lượt vào năm 2019.
Đồng hành cùng quá trình phát triển của đất nước trong thời kỳ mở cửa, hội nhập quốc tế, đời sống người dân Việt Nam ngày càng được cải thiện, nhu cầu và khả năng đi du lịch ngày càng cao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thúc đẩy hoạt động kinh tế trong nước.
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, năm 2019 du lịch Việt Nam đạt doanh thu 755 nghìn tỉ đồng (tương đương 32,8 tỉ USD), trong khi năm 1990 đạt 1.340 tỉ đồng. Trong đó, tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 421.000 tỉ đồng (18,3 tỉ USD), tổng thu từ khách du lịch nội địa đạt 334.000 tỉ đồng (14,5 tỉ USD).
Tỉ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP cũng ngày càng tăng. Năm 2015 đạt 6,3%; năm 2016: 6,9%; năm 2017: 7,9%; năm 2018: 8,3% và năm 2019: 9,2%.
Du khách Việt Nam du lịch đảo Kỳ Co, tháng 6/2020. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+) |
Với nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao chất lượng, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của thế giới, được các tổ chức, báo chí uy tín quốc tế tôn vinh bằng những giải thưởng danh giá.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động du lịch quốc tế và trong nước. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, với quyết tâm của toàn ngành, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn ngành tin tưởng sẽ vượt qua khó khăn, tận dụng và tạo ra các cơ hội mới nhằm nhanh chóng phục hồi, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng tin tưởng, thời gian tới, với lợi thế về chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa sâu và rộng, ngành du lịch sẽ tiếp tục phát huy những tiềm năng, tâm huyết, sự sáng tạo và năng động của mình để góp phần đưa du lịch Việt Nam ngày càng phát triển đột phá, vững mạnh, tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, vượt qua khó khăn, vươn lên tầm cao mới, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu trong khu vực và thế giới.
Du khách tham quan thác Dải Yếm, Mộc Châu. (Ảnh: Nam Nguyễn/Vietnam+) |
Mai Mai