Thứ sáu, 29/11/2024 11:48 (GMT+7)
Thứ hai, 04/01/2021 08:46 (GMT+7)

Phát hiện giống voọc mới ở Myanmar

Theo dõi KTMT trên

503 loài động vật mới đã được phát hiện bởi các nhà khoa học từ Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh vào năm qua, trong đó đáng chú ý nhất là giống voọc chưa từng được biết tới ở Myanmar.

Phát hiện giống voọc mới ở Myanmar - Ảnh 1
Loài voọc mới được phát hiện ở Myanmar, hiện chỉ còn khoảng hơn 200 cá thể trong tự nhiên. (Ảnh: AFP)

Bọ hung New Guinea, rong biển từ quần đảo Falklands và một loài voọc mới được tìm thấy trên ngọn núi lửa đã tắt ở Myanmar. Đó là 3 trong số 503 loài động vật vừa được các nhà khoa học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên phát hiện, theo Guardian.

Dự án năm 2020 của bảo tàng đã tìm ra những loài mà giới khoa học chưa từng biết đến trước đây, và đặt tên cho chúng. Danh sách dài bao gồm các loài địa y mới, ong bắp cày, bọ ngựa, nhện tí hon và một loài kỳ nhông giun không có phổi.

"Trong một năm mà khối lượng đa dạng sinh học toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi khối lượng do con người tạo ra, mọi thứ giống như một cuộc đua để ghi lại những gì chúng ta đang đánh mất", tiến sĩ Tim Littlewood, giám đốc điều hành khoa học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Vương quốc Anh, cho biết.

"503 loài mới được phát hiện nhắc nhở rằng chúng ta là một loài duy nhất, ham học hỏi và có ảnh hưởng vô cùng lớn tới số phận của những loài khác", ông Littlewood nói thêm.

Các nhà khoa học đã xác định và đặt tên cho 2 triệu động vật khác nhau trên Trái Đất, nhưng con số này vẫn còn khiêm tốn so với ước tính 8,7 triệu loài. Trong khi đó, kỹ thuật mã vạch ADN giúp chúng ta xác định được nhiều loài khác nhau vốn trước đây bị cho là cùng một loài.

Bộ sưu tập 80 triệu mẫu vật của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên cũng cung cấp dữ liệu gen quý báu trong việc phát hiện các loài mới. Một loài trong số này, kỳ nhông giun không phổi Oedipina ecuatoriana, chỉ được biết tới nhờ một mẫu vật duy nhất thu thập từ cách đây 100 năm.

Ken Norris, người đứng đầu nhánh khoa học sự sống tại bảo tàng, cho biết bộ sưu tập giúp các nhà khoa học chắc chắn rằng họ đã tìm ra một loài mới.

Phát hiện đáng chú ý nhất của năm 2020 là một loài voọc có tên khoa học là Trachypithecus popa. Chúng rất dễ nhầm với các loài voọc khác nhưng trên thực tế lại là một loài riêng biệt. Sống trên một sườn núi lửa đã ngừng hoạt động ở Myanmar, loài này được xác định nhờ vào các mẫu xương và da được thu thập cách đây hơn 100 năm.

Hiện chỉ còn từ 200 - 260 cá thể loại này trong tự nhiên và chúng đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Các nhà khoa học hy vọng việc xác định đây là loài mới sẽ giúp đỡ các nỗ lực bảo tồn.

Sơn Trần

Bạn đang đọc bài viết Phát hiện giống voọc mới ở Myanmar. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới