Phân loại rác tại nguồn: Vì sao chưa hiệu quả?
Nhiều năm qua, TP.HCM đã triển khai hàng loạt giải pháp, mô hình thí điểm, tuy nhiên chương trình thu gom, phân loại rác tại nguồn (PLRTN) vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.
Cùng với sự phát triển kinh tế, TP.HCM ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Từ thực tế đó, TP.HCM xác định giảm thiểu ô nhiễm môi trường là một những nhiệm vụ trọng tâm. Do vậy, thành phố triển khai nhiều giải pháp để hạn chế ô nhiễm, tiêu biểu là chương trình PLRTN.
Theo đó, từ năm 2018, UBND TP.HCM về việc ban hành Quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, có hiệu lực gần hai năm qua. Quy định nêu rõ, rác thải tại các hộ gia đình, phải được để riêng thành ba loại: hữu cơ, tái chế và rác thải còn lại. Tuy nhiên, đến nay quy định này vẫn chưa được người dân quan tâm, thực hiện.
Theo định hướng, thành phố đặt ra lộ trình sẽ giảm tỉ lệ xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp còn 50% vào năm 2020 (hiện tại chôn lấp khoảng 76%) và 20% vào năm 2025. Để thực hiện được điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía cơ quan chức năng. Đồng thời đó còn là tinh thần tự giác, vì lợi ích chung của người dân.
Theo đánh giá, thông qua việc triển khai chương trình phân loại CTRSH, TP.HCM đã cơ bản xử lý được vấn đề tồn tại nhức nhối từ trước đến nay về quản lý rác dân lập, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tiến tới xóa bỏ tình trạng thu gom “da beo, phương tiện cũ kỹ” và thay thế bằng các phương tiện mới đảm bảo chất lượng vệ sinh, bảo vệ môi trường.
Hiện nay, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn thành phố được thu gom và xử lý khoảng 9.500 tấn/ngày. Lượng chất thải được chuyển giao về các đơn vị: Công ty CP VietStar với khối lượng tiếp nhận 2.000 tấn/ngày (xử lý thành phân compost); Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa khoảng 1.200 tấn/ngày (sản xuất phân compost và đốt); Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam 6.300 tấn/ngày (sản xuất phân compost và chôn lấp).
Tuy nhiên, nhiều quận, huyện TP.HCM cho biết, việc phân loại rác tại nguồn ngoài gặp khó khăn trong việc thay đổi ý thức người dân thì khâu thu gom rác cũng chưa có cách tháo gỡ.
Bởi hiện nay, 60% việc thu gom rác do lực lượng thu gom rác dân lập thực hiện cho nên đã kéo giảm hiệu quả của chương trình. Các địa phương kiến nghị thành phố chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các công ty, hợp tác xã hoặc liên minh hợp tác xã để hoạt động thu gom rác được tổ chức bài bản, có chế tài, người lao động có hợp đồng, có thu nhập ổn định, được trang bị bảo hộ lao động, có chế độ chính sách về bảo hiểm…
Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM Huỳnh Minh Nhựt cũng cho rằng, để việc phân loại rác tại nguồn đạt hiệu quả cao phải đồng nhất, đồng bộ đơn vị quản lý từ khâu thu gom, vận chuyển và xử lý. Với lực lượng thu gom rác dân lập đang chiếm con số chủ đạo như hiện nay thì phải trao cho họ tư cách pháp lý. Về lâu dài, cần thiết phải có sự hợp nhất hoạt động công tác vệ sinh môi trường giống như mô hình tổng công ty điện lực hoặc cấp thoát nước. Từ cơ sở này, áp dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động thu phí, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vệ sinh môi trường chung cho toàn địa bàn thành phố.
Ngoài ra, khi triển khai thu gom, các địa phương cần đồng bộ hạ tầng tiếp nhận rác phân loại ở các đơn vị chức năng thu gom. Lịch thu gom rác thải vô cơ, hữu cơ cũng phải được xác định rõ và phổ biến đến từng hộ dân. Đơn vị thu gom cũng được quyền từ chối thu gom rác thải nếu người dân, lực lượng rác dân lập không được phân loại và chuyển giao đúng loại rác theo lịch trình quy định.
Trước thực trạng hiện nay, TP.HCM đang xem xét những phương án mới để việc PLRTN khả thi hơn. Đơn cử như thay đổi phương thức phân loại và xử lý rác thải. Theo đó, thành phố đang ưu tiên triển khai công nghệ đốt rác phát điện, giảm dần tỉ lệ chôn lấp. Do vậy, thay vì phân loại rác theo ba nhóm: hữu cơ, vô cơ và tái chế như trước, người dân chỉ cần phân loại rác ra thành hai loại: rác tái chế và rác thải còn lại.
Việc phân loại này cũng sẽ giúp cho công tác thu gom được dễ dàng hơn. Cụ thể, rác thải tái chế sẽ được thu gom bằng cách đổi rác lấy vật phẩm có giá trị tương đương để khuyến khích người dân. Riêng rác thải còn lại sẽ được thu gom hàng ngày để làm nguyên liệu cho các nhà máy xử lý.
Nhật Hạ