Thứ bảy, 23/11/2024 04:37 (GMT+7)
Chủ nhật, 23/08/2020 07:37 (GMT+7)

Phân loại dự án đầu tư công để thúc đẩy giải ngân hiệu quả

Theo dõi KTMT trên

Chiều ngày 22/8, tại tỉnh Hà Nam, Đoàn công tác của Chính phủ do Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Nam về công tác giải ngân vốn đầu tư công, phát triển kinh tế xã hội, cải cách hành chính...

Phân loại dự án đầu tư công để thúc đẩy giải ngân hiệu quả - Ảnh 1
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Nằm trong nhóm dẫn đầu về nhiều chỉ tiêu

Sau khi nghe báo cáo của tỉnh và phát biểu của đại diện các Bộ, ngành, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đánh giá cao, biểu dương nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn của các đồng chí lãnh đạo, cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân tỉnh Hà Nam và những kết quả quan trọng mà tỉnh Hà Nam đã đạt được trong những năm qua, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước.

Cơ bản đồng tình với những nội dung được nêu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh một số vấn đề lớn.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo, đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, kinh tế tỉnh Hà Nam có những bước phát triển khá toàn diện. Giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng bình quân đạt hơn 11,5%/năm cao hơn nhiều so với bình quân cả nước; thu ngân sách nhà nước tăng cao, bình quân 31,5%.

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 10,5%. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 63,1 triệu đồng/năm; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 9.515 tỉ đồng, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm tỉ trọng 91% trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp giảm còn 9%.

7 tháng đầu năm 2020, Hà Nam đã thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19, thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội. Quyết liệt triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh (điều trị khỏi 4/5 ca nhiễm bệnh trên địa bàn tỉnh); triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, kịp thời, không để trục lợi chính sách (đã hỗ trợ cho 87.773 người với số tiền 108 tỉ đồng).

Tình hình kinh tế xã hội đạt được những kết quả khá tích cực so với cùng kỳ năm 2019, như GRDP 6 tháng đầu năm ước đạt 17.480,9 tỉ đồng, tăng 6,43% so với cùng kỳ; tuy thấp nhất trong 5 năm gần đây nhưng là tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao thứ 3 Vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 6 toàn quốc. Thu cân đối ngân sách trên địa bàn đạt 6.444 tỉ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ, bằng 70% dự toán Trung ương.

Về giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh các cấp, công tác giải ngân của tỉnh khá tốt, đạt 55,5% (cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước), là một trong 7 địa phương dẫn đầu cả nước về giải ngân; trong đó, giải ngân vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia đạt tỉ lệ 79,98% (cao gấp 2 lần bình quân chung cả nước 39,03%) là điểm sáng trong công tác giải ngân của tỉnh.

Xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả. Hà Nam là một trong 5 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (83/83 xã); 6/6 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Hạ tầng các khu công nghiệp được đầu tư đồng bộ, đến nay đã có 07/08 khu công nghiệp đang hoạt động với tỉ lệ lấp đầy trên 75%. Thu hút đầu tư đạt kết quả tốt, từ đầu năm đến ngày 20/8/2020, thu hút được 52 dự án, điều chỉnh vốn đầu tư 37 dự án với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn là 667,9 triệu USD và 17.098,7 tỉ đồng.

Công tác cải cách hành chính có chuyển biến tích cực. Thủ tục hành chính được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết; hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Hà Nam giai đoạn 2019-2021. Tỉnh đã chú trọng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, áp dụng triệt để họp trực tuyến, xử lý công việc trên môi trường mạng trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh. Khai trương, đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh.

Các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống người dân được nâng lên (tỉ lệ hộ nghèo còn 2,69%, giảm 3,12% so với cuối năm 2015; tỉ lệ dân số có bảo hiểm y tế đạt 87%). Hoàn thành Đề án hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo trong năm 2019 (đã hỗ trợ 7.171 hộ với kinh phí 190,16 tỉ đồng); thu hút đầu tư các thiết chế y tế, giáo dục đáp ứng nhu cầu công nhân trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh (đã hoàn thành 3/4 dự án xây dựng căn hộ, nhà ở, ký túc xá phục vụ công nhân đáp ứng chỗ ở cho khoảng 3.400 người).

Phân loại dự án đầu tư công để thúc đẩy giải ngân hiệu quả - Ảnh 2
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tặng quà lưu niệm cho tỉnh Hà Nam. - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Đó là, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của 6 tháng đầu năm 2020 đều không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Giải phóng mặt bằng, thi công một số dự án còn khó khăn, tiến độ giải ngân một số dự án còn chậm; vốn Chương trình mục tiêu và vốn ODA giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (vốn chương trình mục tiêu giải ngân 32,9% và vốn ODA giải ngân 8,83%).

Quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế, việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa hiệu quả, thời gian giải quyết còn để kéo dài. Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao; tiến độ, chất lượng tham mưu, sự phối hợp, chủ động, tích cực, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu.

Chỉ số PCI về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh không ổn định giữa các năm, chưa có sự bứt phá rõ rệt, trong 3 năm đều thuộc mức trung bình và mức khá. Chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và quản trị môi trường trong nhóm đạt điểm thấp.

6 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Nam cần quyết tâm, nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, tập trung nỗ lực, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Tập trung thu hút các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài trong các lĩnh vực theo định hướng đổi mới đầu tư phát triển của tỉnh, chủ động đón dòng dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tăng cường quản lý đầu tư trên địa bàn. Đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi để khởi công nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Hồng Đức.

Hai là, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các dự án, trọng tâm là các dự án trọng điểm, các dự án có vốn bố trí lớn, dự án hoàn thành trong năm 2020. Tránh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư công không hiệu quả, lãng phí nguồn lực; đồng thời tích cực giám sát, kiểm tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư công.

Hoàn thiện và hướng dẫn triển khai thống nhất toàn tỉnh hệ thống thông tin về đầu tư, giải ngân vốn ngân sách nhà nước theo quy định để kịp thời cập nhật tình hình giải ngân, phục vụ công tác điều hành, triển khai kế hoạch vốn đầu tư công.

Phân chia các dự án đầu tư công làm 3 loại chính. Đó là, đối với những dự án đã hoàn thành cần khẩn trương thực hiện thanh quyết toán; với những dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2020 thì tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn chỉ rõ khó khăn vướng mắc cụ thể, thẩm quyền giải quyết của cấp nào; rà soát và kiên quyết điều chuyển nguồn vốn đầu tư công từ các dự án có tỉ lệ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng hoàn thành, giải ngân cao, nhu cầu vốn lớn mà khi tỉ hoàn thành có tác động lan tỏa đối với phát triển kinh tế xã hội theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, cơ quan Trung ương. Phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.

Ba là, người đứng đầu chính quyền các cấp tích cực chủ động rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, khi triển khai thực hiện các chương trình, dự án và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA theo quy định tại Nghị định 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, đảm bảo nguyên tắc “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh thuộc nhóm đầu của cả nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Tiếp tục triển khai trung tâm điều hành thông minh; Đề án Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Năm là, phát triển mạnh thương mại - dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hoạt động các khu công nghiệp. Đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm về thương mại, dịch vụ (Hạ tầng Khu du lịch Tam Chúc, sân Golf Kim Bảng giai đoạn 2, Khu đại học Nam Cao, Khu y tế chất lượng cao, cụm cảng Yên Lệnh...). Tiếp tục xây dựng cơ chế thu hút đầu tư vào các phân khu chức năng Khu du lịch Tam Chúc, tập trung thực hiện các Đề án về phát triển du lịch.

Sáu là, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Tập trung phòng, chống tội phạm, kiềm chế tai nạn giao thông, hoạt động tín dụng đen, ma túy, cờ bạc. Nắm chắc tình hình, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đối thoại, chỉ đạo giải quyết đơn thư ngay từ cơ sở...

Lê Sơn

Bạn đang đọc bài viết Phân loại dự án đầu tư công để thúc đẩy giải ngân hiệu quả. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới