Thứ năm, 28/11/2024 08:23 (GMT+7)
Thứ năm, 08/07/2021 08:53 (GMT+7)

Phần Lan nỗ lực bảo vệ loài hải cẩu quý hiếm nhất thế giới

Theo dõi KTMT trên

Loài hải cẩu Pusa Hispida đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng hơn và phương thức đánh bắt cá một cách bảo thủ của cư dân địa phương.

Trải rộng hơn 4.400 km2, Saimaa là hồ nước lớn nhất ở Phần Lan. Nơi đây được đánh giá là nguồn lợi lớn đối với người dân địa phương, xét cả trên phương diện đánh bắt cá và doanh thu từ du lịch.

Tuy nhiên, sự hiện diện của người dân và khách du lịch lại đang đe dọa môi trường sống của trong những loài hải cẩu hiếm nhất và có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.

Mặc dù dân số đã có sự phục hồi đáng kể trong những thập kỷ gần đây, nhưng loài hải cẩu có tên Latinh là "Pusa Hispida" hoặc "saimaannorppa" (theo cách gọi của người dân địa phương), nổi bật với làn da màu nâu sậm với những đốm sáng trên cơ thể, sống tại vùng hồ này vẫn đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng hơn và phương thức đánh bắt cá một cách bảo thủ của cư dân.

Phần Lan nỗ lực bảo vệ loài hải cẩu quý hiếm nhất thế giới - Ảnh 1
Một con hải cẩu Pusa Hispida ở hồ Saimaa. (Nguồn: atlasobscura.com)

Loài động vật có vú này đã được ghi nhận ở mức 400 con trong năm 2021, cao gấp 4 lần so với những năm 1980 - thời điểm chúng bị dự báo sẽ tuyệt chủng. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là sự đảm bảo về sự sống của loài vật này.

Bà Kaarina Tiainen thuộc Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Phần Lan (SLL) giải thích: "Tình trạng biến đổi khí hậu khiến mùa Đông trở nên ấm áp hơn. Điều đó khiến cuộc sống của loài vật này trở nên khó khăn hơn do hải cẩu cần băng và tuyết để làm hang, chuẩn bị cho mùa sinh sản."

Theo các nhà hoạt động vì môi trường, ngoài diễn biến thời tiết, mối nguy hiểm lớn nữa đối với hải cẩu đó là việc người dân sử dụng lưới để đánh bắt cá hồi trắng - vốn là một món ăn rất được ưa chuộng trong mùa Hè.

Thống kê cho thấy mỗi năm có từ 4-8 con hải cầu chết do mắc vào những tấm lưới này.

Hầu khắp diện tích 4.400 km2 của hồ Saimaa được áp đặt lệnh hạn chế đánh cá bằng lưới. Tuy nhiên, lệnh hạn chế này đã hết hiệu lực vào cuối tháng Sáu vừa qua.

Chính phủ Phần Lan đã từ chối gia hạn lệnh cấm, mà để cho người dân tự nguyện điều chỉnh phương thức đánh bắt cá.

Ông Teemu Himanen thuộc SLL cho biết: “Sử dụng lưới đánh bắt cá để kiếm kế sinh nhai là cách sống của nhiều người ở đây."

Riêng trong năm 2020, đã có 980 giấy phép đánh bắt bằng lưới được cấp cho người dân ở một phần vùng hồ Saimaa.

Ông Himanen nêu rõ: "Nếu lưới được buông đúng cách, hải cẩu có thể dễ dàng tránh được việc bị mắc kẹt trong lưới, ngay cả khi chúng chui vào đó để ăn cá."

Để khuyến khích người dân ngừng sử dụng lưới đánh bắt cá, SLL và các tình nguyện viên đã làm 100 bẫy cá bằng lưới thép xanh, an toàn đối với loài hải cẩu và phát miễn phí cho mọi người.

Theo ông Himanen, tất nhiên việc sử dụng lưới thép này sẽ không thể mang lại lượng cá lớn như trước đây, nhưng đây là một việc làm đơn giản và hiệu quả để bảo vệ loài hải cẩu.

Thanh Phương

(Theo TTXVN/Vietnam+)

Bạn đang đọc bài viết Phần Lan nỗ lực bảo vệ loài hải cẩu quý hiếm nhất thế giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.

Tin mới

Việt Nam thúc đẩy tài chính xanh, chuyển đổi xanh
Ngày 27/11, tại Hà Nội diễn ra Tọa đàm: "Thúc đẩy tài chính xanh - Hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam" với sự tham gia của đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội ngân hàng, công ty tài chính.